Bản in
Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi: Tháo gỡ những bất cập trong hoạt động KH&CN
Sau hơn 12 năm thực hiện, đặc biệt là khi Việt Nam là thành viên chính thức của WTO, bên cạnh việc hoàn thành sứ mệnh đạo luật khung, tạo nền tảng pháp lý tương đối thuận lợi cho các hoạt động khoa học phát triển thì Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã bộc lộ không ít những bất cập không còn phù hợp, không còn đáp ứng được công tác quản lý Nhà nước về KH&CN trong giai đoạn hiện nay.

Vậy những điểm bất cập ấy là gì và làm thế nào để khắc phục được những bất cập nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho KH&C phát triển. Ngày 8/05 vừa qua, kênh truyền hình VOVTV đã thực hiện Chương trình đối thoại có chủ đề: Luật KH&CN (sửa đổi)- tháo gỡ những “nút thắt”, tạo đà cho KH&CN phát triển, đã đề cập cụ thể những nội dung này với sự tham gia của ông Nguyễn Quân - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; ông Phan Xuân Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường Quốc hội; ông Phùng Xuân Nhạ - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG Hà Nội.

Sau đây là loạt ghi chép của Phóng viên Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN về những chia sẻ của ông Phan Xuân Dũng Tọa đàm.

Bài 1: Cần sửa đổi Luật KH&CN để phù hợp thực tế

- Thưa ông Phan Xuân Dũng, Luật KH&CN được ban hành năm 2000, trải qua 12 năm thực hiện Luật đã mang lại những hiệu quả như thế nào cho sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta?

Ông Phan Xuân Dũng: Luật KH&CN đã ra đời cách đây 12 năm, phải nói rằng dây là Luật đầu tiên đối với tổ chức KH&CN, có thể nói đây là luật khung, và dưới Luật khung này là hàng loạt các Luật khác ra đời, hình thành một hệ thống pháp luật và tạo một hành lang pháp lý khá thuận lợi cho KH&CN phát triển. Từ việc hình thành các tổ chức khoa học, huy động lực lượng cho phát triển KH&CN. Có thể nói vắn tắt rằng, kể từ khi có Luật KH&CN năm 2000 thì KH&CN nước ta đã có bước phát triển mới, rất đáng ghi nhận, đóng vai trò to lớn trong công cuộc đổi mới cũng như trong sự nghiệp bảo vệ quốc phòng an ninh.

- Theo ông thì Luật KH&CN được ban hành năm 2000 có những bất cập gì?

Ông Phan Xuân Dũng: Luật KH&CN đóng một vai trò vô cùng to lớn trong thời qua. Nhưng trong thời gian tới, khi chúng ta thực sự là vượt qua ngưỡng các nước kém phát triển, khi KH&CN thế giới phát triển vô cùng nhanh chóng và cách ứng xử về KH&CN có nhiều thay đổi thì Luật KH&CN của chúng ta cũng cần thay đổi theo cho phù hợp. Chính vì vậy mà ủy ban thường vụ quốc hội, các đại biểu quốc hội, các nhà khoa học đã thảo luận rất nhiều vấn đề liên quan đến việc cản trở sự phát triển nền KH&CN như  cơ chế tài chính, cách đầu tư cho KH&CN, xã hội hóa KH&CN. Đầu tư cho KH&CN nước ta thì chỉ có 2% từ tổng chi ngân sách, nguồn lực huy động từ xã hội còn rất khiêm tốn. Còn nhiều vấn đề mà trong Luật 2000 chưa được đề cập cụ thể, đây cũng là một cản trở.

Bên cạnh đó, việc hình thành tổ chức KH&CN thì trong Luật 2000 chỉ chủ yếu tập trung vào các tổ chức KH&CN công lập nhưng thời gian tới phải xã hội hóa, hình thành các tổ chức KH&CN của tư nhân, doanh nghiệp, kể cả cá nhân. Nghĩa là phải xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa, tất cả mọi người đều có thể tham gia vào hoạt động KH&CN.

- Vậy thì những khó khăn, bất cập của Luật KH&CN năm 2000 đã ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế nước ta, thưa ông?

Ông Phan Xuân Dũng: Chủ trương của Đảng đã nêu rằng, phát triển đất nước phải dựa trên KH&CN nhưng đầu tư cho KH&CN của chúng ta chủ yếu là từ ngân sách nhà nước 2% mà XHH chúng ta mới huy động được khoảng 30%. Đầu tư KH&CN của chúng ta chỉ bằng 1/10 so với nhiều nước trên thế giới. Với mức đầu tư như vậy thì khó mà thu được những kết quả nghiên cứu như mong muốn. Đó là cản trở lớn nhất, bên cạnh đó, cơ chế chính sách qua thời gian đã cho thấy nhiều điểm chưa thực sự phù hợp. Tất cả những điều đó làm cho mong muốn để đất nước phát triển tương xứng với tiềm lực của KH&CN là còn xa.

- Thưa ông, với tư cách là cơ quan thẩm định luật, ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của Luật mới? Luật KH&CN sửa đổi sẽ tác động như thế nào đến quá trình CNH, HĐH của đất nước ta cũng như hội nhập sâu và rộng hơn vào nền kinh tế thế giới?

Ông Phan Xuân Dũng: Tôi phải nói rằng, khi Chính phủ chuyển sang đề xuất dự luật mới thì cơ quan thẩm tra đánh giá là có nhiều vấn đề mới, tuy nhiên sau khi chúng tôi nhận được đề xuất của Chính phủ trình ký thì chúng tôi không dừng lại đấy, chúng tôi đã tham vấn ý kiến của rất nhiều các nhà khoa học từ nam chí bắc, từ các trường đại học trong cả nước, và các tổ chức KH&CN không chỉ của nhà nước mà các tổ chức khoa học của các thành phần kinh tế, không chỉ kinh nghiệm ở trong nước mà còn cả kinh nghiệm ở nước ngoài. Đến thời điểm này những điểm mà chúng tôi chuẩn bị trình lần cuối cho Quốc hội thông qua về cơ bản đã hoàn thành, và với tất cả những gì mà giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phối hợp để trình lên quốc hội nếu chúng ta thực hiện đầy đủ và nghiêm túc vấn đề này thì tôi nghĩ rằng, luật KH&CN sửa đổi lần này sẽ là bước tiến mới.

Ai cũng biết rằng, muốn đất nước phát triển thì phải dựa vào KH&CN, nhiệm vụ của chúng ta đến năm 2020 về cơ bản phải trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì không có cách nào khác là phải dựa vào KH&CN. Luật KH&CN sửa đổi lần này mục đích là làm sao để  KH&CN phải bám sát vào cuộc sống, phục vụ cuộc sống và xuất phát từ cuộc sống, Nếu chúng ta hướng đến một nước công nghiệp mà không dựa vào những cơ sở này thì làm sao chúng ta làm được? Do đó việc tác động phát triển KH&CN thông qua Luật KH&CN lần này tôi nghĩ là rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của nước ta.

Phương Hoàn - Ngũ Hiệp (lược ghi)