
|
|||
Ngày 11-4-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 418/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN) giai đoạn 2011-2020. Được đánh giá là có nhiều điểm mới mang tính đột phá, chương trình này được kỳ vọng tạo động lực góp phần đưa KH-CN từ nay trở thành nhân tố quan trọng đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Gỡ bỏ những “nút thắt” Có thể thấy trong nhiều năm qua, cơ chế quản lý các hoạt động KH-CN vẫn nặng tính bao cấp, hành chính và là một trong những rào cản lớn đối với sự phát triển của KH-CN trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Các thủ tục, cơ chế đầu tư cho KH-CN chưa được cải tiến, chưa phù hợp với đặc thù của lĩnh vực. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ KH-CN tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng vẫn còn thấp, nguồn nhân lực trình độ cao có rất ít. Cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học vẫn còn thiếu và yếu. TS Tạ Doãn Trịnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH-CN, cho rằng đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH-CN vẫn đang là nút thắt khó gỡ nhất trong giai đoạn vừa qua. Mặc dù cơ chế này đã trải qua nhiều giai đoạn đổi mới nhưng cho đến nay vẫn chưa được đổi mới về cơ bản, chưa đồng bộ với cơ chế quản lý kinh tế, vẫn còn nặng về hành chính, chậm chuyển sang kinh tế thị trường và chưa phù hợp với những đặc thù của hoạt động sáng tạo KH-CN. Chính vì vậy, chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2011-2020 đã đặt ra nhiệm vụ trọng yếu từ nay đến 2020 phải tập trung đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý hoạt động KH-CN, đặc biệt là cơ chế đầu tư, sử dụng tài chính và chính sách cán bộ KH-CN. Khoán sản phẩm khoa học Theo đó, kể từ năm 2013, Nhà nước sẽ thực hiện thí điểm cơ chế khoán chi tới sản phẩm cuối cùng trong các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo KH-CN. Các nhà khoa học có quyền chủ động chi tiêu và cuối cùng cần bàn giao đúng và đủ các sản phẩm theo hợp đồng. Khi các nhà khoa học giao nộp kết quả cuối cùng và đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu của đề tài, dự án như cam kết ban đầu thì toàn bộ quá trình thanh - quyết toán; hóa đơn, chứng từ sẽ không cần thiết nữa. Cũng từ năm nay, sẽ bắt đầu thí điểm triển khai cơ chế Nhà nước sẽ đứng ra mua sản phẩm KH-CN của các nhà khoa học. Có thể hiểu đơn giản cơ chế mới sẽ giúp các nhà khoa học được tự chủ trong việc sử dụng tiền phục vụ cho nghiên cứu khoa học, miễn sao kết quả nghiên cứu đạt được các yêu cầu như đã đề ra. Và các nhà khoa học có thể thoải mái thực hiện các nghiên cứu khoa học, sau đó bán lại chúng. PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho biết từ năm 2012, Sở KH-CN TP đã bắt đầu triển khai cơ chế mua sản phẩm khoa học từ công trình nghiên cứu khoa học thông qua các hợp đồng đặt hàng. PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, cho rằng trong bối cảnh hiện nay, rất cần giao quyền tự chủ về tài chính cho các tổ chức, trường, viện, nhà khoa học. Khi được tự chủ tài chính sẽ giúp đẩy mạnh việc đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất KH-CN, nhất là trong lĩnh vực công nghệ mới. Các nhà khoa học cũng sẽ thoải mái, yên tâm hơn để tập trung nghiên cứu khoa học, tạo ra những sản phẩm KH-CN có giá trị, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.
|