Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế vừa được Chính phủ ban hành với 6 nhiệm vụ chủ yếu.
6 nhiệm vụ chủ yếu gồm: 1- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; 2- Tiếp tục hoàn thiện thể chế để đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học và công nghệ; 3- Triển khai các định hướng, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu; 4- Phát huy và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia; 5- Phát triển thị trường khoa học và công nghệ; 6- Hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ.
Việc ban hành Chương trình hành động Nghị quyết số 20-NQ/TW nhằm xác định các nhiệm vụ để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 20 nhằm phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học và công nghệ thực sự là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trích thu nhập tính thuế để lập quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp
Theo Chương trình, sẽ sửa đổi Luật khoa học và công nghệ và xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành để cụ thể hóa các nội dung đổi mới như đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ và khoán kinh phí theo kết quả đầu ra; mở rộng áp dụng cơ chế tài chính của quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; triển khai cơ chế đánh giá độc lập, tư vấn, phản biện xã hội trong hoạt động khoa học và công nghệ.
Bên cạnh đó, khuyến khích tư nhân thành lập hoặc liên kết với Nhà nước thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ phát triển công nghệ mới, công nghệ cao.
Sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành để cụ thể hóa các nội dung đổi mới: Huy động mạnh mẽ nguồn vốn xã hội và các nguồn vốn nước ngoài đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ; quy định doanh nghiệp nhà nước trích một tỷ lệ tối thiểu thu nhập tính thuế để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác trích một phần thu nhập tính thuế để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp hoặc đóng góp cho quỹ phát triển khoa học và công nghệ của địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Đầu tư và đưa vào hoạt động có hiệu quả 3 khu công nghệ cao
Chương trình nêu rõ, sẽ tập trung đầu tư phát triển Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, hai đại học quốc gia và một số trường đại học trọng điểm, một số viện nghiên cứu đạt trình độ tiên tiến ở châu Á.
Hình thành và phát triển một số mô hình (viện hoặc trung tâm) nghiên cứu tại các vùng kinh tế trọng điểm để phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, liên kết giữa khoa học và công nghệ với giáo dục và đào tạo, sản xuất, kinh doanh, hình thành và phát triển các sản phẩm chủ lực của mỗi vùng.
Tập trung nguồn lực đầu tư và đưa vào hoạt động có hiệu quả ba khu công nghệ cao Hòa Lạc, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Xây dựng quy hoạch các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng và địa phương.
Đầu tư xây dựng các sàn giao dịch công nghệ quốc gia
Về phát triển thị trường khoa học và công nghệ, đầu tư xây dựng các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng liên thông với hệ thống các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ của các tỉnh, thành phố, kết nối với các sàn giao dịch công nghệ khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, xây dựng, thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường trong nước, ngăn chặn nhập khẩu các sản phẩm, công nghệ lạc hậu. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án thực thi Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại, chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020.
Xây dựng chính sách thu hút các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam.
|