
|
|||
TSKH. Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, doanh nghiệp có nhiều thành công trong nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đã chia sẻ như vậy tại buổi tọa đàm về giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020 trên Hệ phát thanh có hình của Đài Tiếng nói Việt Nam mới đây. Dưới đây là nội dung buổi tọa đàm, tiếp theo nội dung đã được đề cập trong Bài 1 và Bài 2. - Thưa ông Phùng Đình Thực, từ thực tiễn của một doanh nghiệp với tư cách là đơn vị ứng dụng KH&CN, theo ông đâu là những nguyên nhân dẫn đến bất cập trong hoạt động KH&CN? - Tôi cho rằng có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là do nhận thức của người lãnh đạo đơn vị. Ở đâu lãnh đạo quan tâm chú ý đến đầu tư về con người, thiết bị và đặt những vấn đề về quản lý cho các nhà khoa học tìm ra lời giải, ở đó sẽ thành công. Thứ hai là giữa nghiên cứu khoa học và thực tiễn chưa có sự liên kết chặt chẽ. Thời gian gần đây có thông tin về một số người nông dân làm ra được những máy cấy, máy bóc tách vỏ, máy gieo hạt,… Đó là nhu cầu thực tiễn đặt ra của cuộc sống nhưng các Viện, tổ chức nghiên cứu chưa vào cuộc, chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống mà vẫn còn sự tách biệt. Từ kinh nghiệm có được chúng tôi nhận thấy, những đề tài chúng tôi thành công là những đề tài gắn liền với nhu cầu thực tiễn, ví dụ nhhư đề tài phát hiện dầu khí trong đá móng. Nguyên nhân thứ ba tôi cho rằng bản thân các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất chưa thấy hết vài trò của KH&CN, chưa nhìn thấy hiệu quả của việc ứng dụng KH&CN mang lại trong sản xuất. Đây là ba nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất chưa mang lại hiệu quả cao. - Được biết, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam có hai sản phẩm khoa học. Ông có thể nói rõ hơn về những sản phẩm khoa học này? - Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có hai đặc điểm quan trọng là KH&CN luôn đi trước và ứng dụng công nghệ hiện đại. Bởi vì khi chúng tôi muốn đặt một dàn khai thác dầu phải dựa trên một cơ sở nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng. Còn yếu tố ứng dụng công nghệ hiện đại là do hiện nay trong ngành dầu khí tính cạnh tranh rất cao, nếu ta không ứng dụng được KH&CN hiện đại tính cạnh tranh sẽ giảm đi, hiệu quả không cao. Phải khẳng định rằng, nếu không áp dụng KH&CN Tập đoàn không thể có kết quả phát triển như thời gian qua. Đặc biệt là những sản phẩm tạo nên sự đột phá lớn trong ngành khai thác dầu khí Việt Nam như sản phẩm khoa học tìm kiếm và phát hiện hiệu quả dầu trong đá móng. Đây là sản phẩm nghiên cứu khoa học tạo nên sự đột phá mới trong ngành, làm thay đổi hẳn quan điểm trong tìm kiếm, khai thác dầu khí và xây dựng được tổ hợp khai thác dầu trong đá móng, một đối tượng hoàn toàn không có tiền lệ. Hiện nay nhiều nước trên thế giới đang hợp tác với Việt Nam trong việc khai thác dầu không chỉ ở nước ta mà ở cả nước của họ. Thành tựu thứ hai là thiết kế, chế tạo giàn khai thác, giàn khoan di động mà trước đây chúng ta phải nhập ở nước ngoài. Có những giàn khoan có trọng tải lên đến 14.000 tấn. Giàn khoan di động trên biển Việt Nam cũng đã từng bước tự chủ được thay vì trước đây phải nhập của nước ngoài. Điều này đánh dấu Việt Nam trở thành 1 trong 10 nước thành công trong lĩnh vực này và khẳng định rõ vai trò hết sức quan trọng của KH&CN trong phát triển ngành dầu khí. Giàn khoan tự nâng 90 m nước, công trình lần đầu tiên do Việt Nam thiết kế chi tiết và thi công và là dự án lớn được đầu tư từ Ngân sách KH&CN thông qua Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia. Ảnh: Nguyễn Hạnh - Đâu là những giải pháp để Tập đoàn thực hiện kế hoạch nói trên, thưa ông? - Ngoài giải pháp về nhân lực, tài chính, chúng tôi cho rằng cần tăng cường sự gắn kết giữa khoa học và thực tiễn. Bởi hiện có rất nhiều vấn đề thực tế đặt ra cần giải quyết trên cơ sở khoa học. Chúng tôi cũng đề nghị cần có tổ chức KH&CN là địa chỉ tập hợp những vấn đề thực tiễn đặt ra vừa để tập hợp, vừa để nắm được kết quả nghiên cứu của các viện và nhà khoa học,… Từ đó, tham gia giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra, làm sao để các cơ sở nghiên cứu khoa học, các nhà nghiên cứu tiếp cận và tham gia giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra. Như vậy mới đảm bảo việc gắn kết giữa nghiên cứu và thực tiễn đạt hiệu quả cao. - Việc thực hiện thành công Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 sẽ tác động như thế nào đến sự phát triển của các doanh nghiệp nói chung và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nói riêng, thưa ông? - Chiến lược lần này có nhiều điểm mới, tiếp tục khẳng định ứng dụng KH&CN là quốc sách hàng đầu, tập trung vào ứng dụng triển khai. Thứ hai, tập trung phát triển nguồn lực trong đó có con người, nguồn vốn đầu tư, tài chính. Về tài chính, cần huy động thêm những nguồn lực khác ngoài nguồn ngân sách nhà nước. Bản thân doanh nghiệp cũng phải có những nguồn quỹ của mình. Thứ ba, coi các doanh nghiệp, các trung tâm cơ sở dịch vụ là trung tâm để ứng dụng triển khai. Nếu chúng ta thực hiện thành công, Chiến lược này sẽ tạo bước phát triển mới cho đất nước và các doanh nghiệp. Việc thực hiện Chiến lược này cũng như chiến lược của Tập đoàn sẽ nghiên cứu những sản phẩm khoa học mới và Tập đoàn cũng có cơ hội áp dụng các sản phẩm từ những cơ sở khác tạo ra. Cũng cần khẳng định rằng, với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng như những doanh nghiệp khác, nếu phát triển dựa vào khoa học công nghệ và lấy đó làm nền tảng chắc chắn sẽ phát triển bền vững, hiệu quả. Mà với một doanh nghiệp, phát triển bền vững và hiệu quả là yếu tố hàng đầu cần quan tâm, hướng đến. - Xin cảm ơn ông! Phương Nga – Nguyễn Hạnh |