|
|||
Nghị định số 35 ra đời đánh dấu một mốc son lịch sử trong việc phát triển các tổ chức KH&CN ngoài công lập, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách xã hội hóa hoạt động KH&CN của Đảng và Nhà nước. Đây được xem là bước ngoặt lớn đối với nền KH&CN của Việt Nam vì là lần đầu tiên các tổ chức, cá nhân có quyền tham gia thành lập các tổ chức KH&CN. Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) là một trong những tổ chức đi đầu trong việc chào đón Nghị định 35/HĐBT. Sau 20 năm hoạt động, đến nay, VUSTA đã tập hợp được một đội ngũ các nhà khoa học năng động với 549 tổ chức VNGO được đăng ký tại Bộ KH&CN, chưa kể các tổ chức KH&CN đăng ký ở các Sở KH&CN các địa phương trên cả nước. Với sự ra đời của Nghị định 35 và sau này là Nghị định 81 (Nghị định 81/2002/NĐ-CP) thay thế Nghị định 35/HĐBT, nhiều nhà khoa học làm việc tại các viện nghiên cứu công lập, các tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học đã nghỉ hưu… đã mạnh dạn thành lập tổ chức KH&CN của riêng mình, khơi dậy và phát huy khả năng của đội ngũ cán bộ nghiên cứu và đã có nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Theo GS. Đặng Vũ Minh - Chủ tịch VUSTA, “mặc dù hoạt động với cơ chế tự lo việc, tự trang trải về mặt tài chính, nhưng đội ngũ các nhà khoa học trẻ tâm huyết có tài năng vẫn không ngừng tăng cả lượng và chất tại các tổ chức VNGO. Tuy nhiên, điểm yếu của các tổ chức này chính là năng lực tài chính nên họ thường gặp khó khăn khi tham gia đấu thầu, tuyển chọn các đề tài dự án từ ngân sách nhà nước”. Mặc dù vậy, các nhà khoa học với khả năng sáng tạo, tìm tòi của mình đã cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống như: Trung tâm Nghiên cứu và phát triển công nghệ hóa sinh cho ra đời những chất điều hòa sinh trưởng thực vật và thuốc bảo vệ thực vật có tác dụng tốt, không gây ảnh hưởng tới cây trồng và môi trường, có trên 30 sản phẩm thực phẩm chức năng và 5 sản phẩm thuốc đã được cấp phép lưu hành. Cùng với đó là các dịch vụ KH&CN có giá trị thiết thực như: Trung tâm Phân tích AND và công nghệ di truyền đã tập trung vào việc nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ phân tích AND hiện đại của thế giới vào thực tiễn Việt Nam. Đồng thời, đơn vị cũng đã hoàn toàn làm chủ các công nghệ AND xác định huyết thống của thế giới và thực hiện thành công hàng nghìn trường hợp xét nghiệm AND mà không mắc một sai sót nào. Hay như Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới và môi trường luôn tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý rác thải. Đơn vị đã hoàn thiện một dây chuyền công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội tại Việt Nam. Doanh thu của trung tâm tăng đều qua các năm và đến nay đã đạt tới con số hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, “thông qua các VNGO, các hoạt động phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo, giảm thiểu kỳ thị, tệ nạn xã hội, trợ giúp những thành phần yếu thế trong xã hội… được phát triển đáng kể. Đây cũng là thế mạnh của các tổ chức KH&CN ngoài công lập vì có điều kiện hơn trong việc tiếp nhận các dự án phát triển của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ. Kết quả hoạt động của các tổ chức này đã góp phần thiết thực cải thiện đời sống, từ đó giúp thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội”. Thông qua các tổ chức VNGO, công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống HIV/AIDS cũng đã được cải thiện đáng kể ở Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế đã thông qua các VNGO tài trợ cho Việt Nam trong các chương trình dự án thực hiện các mục tiêu của thiên niên kỷ như: Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS (2011-2015); Nâng cao năng lực quốc gia cải thiện các vấn đề về giới và tình dục; Giảm thiểu kỳ thị và phân biệt đối xử với người khuyết tật ở Việt Nam… Có thể nói, cơ chế chính sách của Nhà nước đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho các tổ chức KH&CN ngoài công lập hoạt động và phát triển. Đến lượt mình, các VNGO đã hoạt động có hiệu quả trên nhiều phương diện, có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./. |