Bản in
Bắt đầu từ những “ốc đảo” cho nhà khoa học
Mô hình, cơ chế, chính sách mới sẽ tạo ra những “ốc đảo” nghiên cứu cho nhà khoa học với môi trường làm việc thuận lợi không khác xa với nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” ngày 9/12.

Thời gian qua, một cuộc tranh luận đã thu hút sự quan tâm của đông đảo trí thức người Việt trong và ngoài nước quanh câu chuyện mà một giáo sư người Việt làm việc tại Hàn Quốc gọi là  “ở lại xây nhà hàng xóm giàu có trong khi nước nhà còn nghèo”.

Những trăn trở, băn khoăn “về nước hay không” của các nhà khoa học được bày tỏ sau khi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI nhấn mạnh định hướng thu hút các nhà khoa học ở nước ngoài đóng góp cho nền khoa học và công nghệ Việt Nam.
 
Nhận được câu hỏi về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng chúng ta nên ủng hộ nguyện vọng chính đáng của các nhà khoa học muốn trở về nước cống hiến.
 
“Khi họ trở về, có thể không có đóng góp nhiều cho khoa học như ở nước ngoài, nhưng sẽ có những đóng góp tích cực cho quê hương, cho một đất nước còn nhiều khó khăn, mới vượt qua ngưỡng kém phát triển và rất cần trí tuệ của người Việt Nam cả ở trong và ngoài nước”, Bộ trưởng nói.
 
Thừa nhận những băn khoăn của các nhà khoa học là chính đáng, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng bên cạnh vấn đề tiền lương và thu nhập, điều quan trọng là tạo được môi trường làm việc thuận lợi cho giới khoa học.
 
Nhiều điểm đột phá
 
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ, Luật Khoa học công nghệ (sửa đổi - đang được trình Quốc hội),  Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 – 2020 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) cũng như đề án về đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ (đang được xây dựng, hoàn thiện) cùng hướng tới mục tiêu này với nhiều điểm đột phá.
 
Theo đó, Nhà nước sẽ giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho các tổ chức khoa học công nghệ; hướng tới đặt hàng các nhà khoa học thực hiện các đề tài nghiên cứu, tạo điều kiện để “khoán sản phẩm” trong khoa học (tạo điều kiện cho nhà khoa học thực hiện đề tài nghiên cứu đến sản phẩm cuối cùng)…
 
Nhà nước có thể chuyển giao quyền sở  hữu kết quả nghiên cứu có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước cho các cơ quan chủ trì hoặc tập thể các tác giả;  tạo điều kiện để các nhà khoa học huy động đóng góp, đầu tư của doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác, đồng thời các cơ quan nhà nước, các tổ chức sự nghiệp có thể thuê chuyên gia nước ngoài hoặc các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, với chế độ đãi ngộ riêng cao hơn mặt bằng trong nước.
 
Nhà nước sẽ tập trung đầu tư và kêu gọi nguồn ODA từ nước ngoài để xây dựng các viện nghiên cứu có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, áp dụng mô hình quản lý tiên tiến, nhằm thực hiện các nhiệm vụ được Nhà nước giao và theo nhu cầu xã hội.
 
Vừa qua, Chính phủ đã có cơ chế riêng cho một số đơn vị khoa học công nghệ, như Viện Nghiên cứu cao cấp về toán do GS Ngô Bảo Châu làm Giám đốc Khoa học, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán tại TP Hồ Chí Minh – nơi mà các nhà khoa học từ Hoa Kỳ và Australia trở về làm việc bán thời gian…
 
Tháng 3/2012, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Tổng thống Hàn Quốc đã thỏa thuận Hàn Quốc sẽ giúp Việt Nam xây dựng một viện nghiên cứu theo mô hình Viện Khoa học công nghệ Hàn Quốc. Mô hình này của Hàn Quốc đã chứng tỏ được sự thành công khi “từ con số 0” trở thành 1 trong 10 viện nghiên cứu hàng đầu thế giới trong vòng 40 năm. Đây cũng là viện nghiên cứu nổi tiếng với hoạt động nghiên cứu theo đặt hàng của doanh nghiệp, 30% giá trị gia tăng của nền công nghiệp Hàn Quốc xuất phát từ nghiên cứu của Viện này.
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, với các mô hình, cơ chế, chính sách mới, “các nhà khoa học sẽ có những ốc đảo với môi trường làm việc không khác xa so với nước ngoài”.
 
Cơ chế đặt hàng gắn nghiên cứu với sản xuất
 
Một nội dung được Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh là Chính phủ đã chỉ đạo phải gắn nghiên cứu khoa học công nghệ với hoạt động sản xuất kinh doanh.
 
Trước đây, chuỗi nghiên cứu tại Việt Nam, từ nghiên cứu cho tới hoàn thiện công nghệ và thương mại hóa để tạo ra sản phẩm thường bị cắt khúc, do một số người làm quản lý cho rằng  Nhà nước không nên hỗ trợ, hoặc chỉ hỗ trợ rất ít trong giai đoạn hoàn thiện công nghệ hoặc sản xuất thử nghiệm; giai đoạn thương mại hóa thì nên để xã hội và doanh nghiệp làm.
Thực tế cho thấy quan điểm này rất đúng nếu áp dụng ở các nước phát triển, nơi có các doanh nghiệp mạnh và thực sự quan tâm tới việc ứng dụng khoa học công nghệ. Còn ở Việt Nam, nơi mà các doanh nghiệp không đủ năng lực để đầu tư, nếu Nhà nước chỉ hỗ trợ 30% kinh phí 1 dự án và không tài trợ các hoạt động thương mại hóa thì các nghiên cứu sẽ mãi “nằm trong các ngăn kéo”.
 
Bày tỏ kỳ vọng cao vào quan điểm chỉ đạo mới này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết việc thí điểm một vài dự án lớn đã thành công. Ví dụ, trong dự án nghiên cứu, chế tạo giàn khoan tự nâng 90 mét nước với kinh phí 118 tỷ đồng, sau 2 năm, các nhà khoa học đã làm chủ hoàn toàn thiết kế và công nghệ chế tạo, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 10 nước hàng đầu thế giới sản xuất được giàn khoan tự nâng 90m nước. Tiếp nối thành công này, dàn khoan tự nâng 120m nước cũng đang chuẩn bị được chế tạo.
 
Hay như chương trình nghiên cứu sản xuất chip điện tử với kinh phí 154 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thực hiện, Bộ trưởng cho biết TP Hồ Chí Minh đang chuẩn bị giao Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng sản xuất vi mạch dựa trên kết quả nghiên cứu của Đại học Quốc gia.
 
Bộ trưởng cũng lấy ví dụ về chủ một doanh nghiệp tại Đà Nẵng đang sở hữu 1 bằng sáng chế của Hoa Kỳ và 9 bằng sáng chế của Việt Nam, với những sản phẩm rất độc đáo như thiết bị chữa cháy quy mô công nghiệp, xe quét rác với giá thành chỉ bằng 1/10 sản phẩm của nước ngoài. Điều này cho thấy tiềm năng rất to lớn của cơ chế đặt hàng nghiên cứu khoa học công nghệ.
 
“Điều kiện nghiên cứu trong nước đã tốt hơn trước đây rất nhiều, với nhiệt huyết và đam mê của mình, các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài nên trở về”, Bộ trưởng kêu gọi và khẳng định Đảng và Nhà nước sẽ tạo thuận lợi tối đa để các nhà khoa học đóng góp cho đất nước. “Trong phạm vi quyền hạn của mình, chúng tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình để chăm lo cho các nhà khoa học”, Bộ trưởng nói.
 

Trả lời thắc mắc của một giáo sư về những khó khăn cụ thể mà ông gặp phải khi trở về nước, như thủ tục xuất nhập cảnh, thủ tục mua nhà,  Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết:

"Một nguyên nhân là những quy định của Đảng và Nhà nước trong nhiều trường hợp không được triển khai đẩy đủ. Hiện Nhà nước Việt Nam đã cho phép người Việt ở nước ngoài được có 2 quốc tịch, và nếu một người vẫn giữ quốc tịch Việt Nam thì việc nhập cảnh, sở hữu một ngôi nhà, xin giấy phép lao động không có gì khó khăn. Nếu có khó khăn, các nhà khoa học có thể liên hệ với các cơ quan quản lý và sẽ nhận được hỗ trợ tối đa".