Nhưng có một thực tế là, trí thức khoa học người Việt đang sinh sống ở nước ngoài không phải ít nhưng đóng góp của họ với nước nhà còn hạn chế. Vậy đâu là "rào cản"?
Tiềm năng bỏ ngỏ
Theo Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 400.000 trí thức, chuyên gia người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, trong đó tại Mỹ có khoảng 150.000 người, ở Pháp (40.000 người), Canada (20.000 người). Hầu hết các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, dự án công nghệ cao, hàng không vũ trụ... đều có mặt chuyên gia người Việt. Đội ngũ này nếu được kết nối tốt sẽ là nguồn lực quan trọng để phát triển KHCN nước nhà.
GS Nguyễn Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu y khoa Garvan, Australia) cho biết, đếm thử số bài báo khoa học có tên người Việt trong và ngoài nước thì phát hiện rằng con số bài báo của Việt kiều cao gấp 7 lần số bài báo trong nước. Nếu lực lượng này hợp lại với đồng nghiệp trong nước thì Việt Nam "ăn đứt" Thái Lan, Malaysia và bằng hoặc cao hơn Singapore.
Tuy nhiên, rất hiếm gặp nhà khoa học người Việt đang ở "độ chín" tài năng trở về làm việc tại Việt Nam. Hầu hết họ về nước dưới hình thức giảng dạy, nghiên cứu ngắn ngày. Có rất ít chuyên gia đầu ngành về nước và hầu như không có trường hợp nào được ghi nhận là đã thực sự làm chuyển biến rõ rệt hoặc tạo dấu ấn trong một ngành, một lĩnh vực nghiên cứu. Trong khi đó, chủ trương của Nhà nước về thu hút kiều bào nói chung và trí thức Việt kiều nói riêng về xây dựng quê hương không thiếu. Cái thiếu là chưa có giải pháp cụ thể, thiếu những cơ sở pháp lý cho việc mời gọi, sử dụng trí thức Việt kiều. Rõ ràng, sự trống vắng về đóng góp của Việt kiều trong khoa học là điều đáng tiếc trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực đã thành công trong việc này. Hàn Quốc không thể có một nền công nghệ điện tử mạnh như hiện nay nếu không có đội ngũ nhà khoa học từ Mỹ trở về làm việc. Trung Quốc không thể trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới nếu không tận dụng được việc mời gọi trí thức Hoa kiều trở về.
"Trải thảm đỏ" bằng hành động
"Phải về thôi, phải về để các em không phải lang thang xây dựng nhà hàng xóm giàu có trong khi luôn đau đáu trông về nhà mình còn rất nghèo". Tâm sự ấy của GS Nguyễn Văn Thuận là nỗi lòng của hầu hết trí thức khoa học người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài. Nhưng để họ về nước, cống hiến cho KHCN với một tâm thế hào sảng là bài toán cần có lời giải trong bối cảnh hiện nay.
Hơn lúc nào hết, trí thức khoa học (không kể đang sống ở trong hay ngoài nước) đều có điểm chung là muốn cống hiến được tinh hoa trí tuệ thì họ cần có một môi trường biết trọng khoa học, một nền hành chính phục vụ. Điều này lý giải vì sao bấy lâu nay, hầu như địa phương nào ở nước ta cũng có chính sách "trải thảm đỏ" thu hút cán bộ khoa học trình độ cao như cấp nhà, đất hay hỗ trợ tài chính thế nhưng số người trở về rất ít. Bởi sau đó, họ hầu như chẳng được giao nhiệm vụ gì và không có ai tham vấn ý kiến về những vấn đề lớn của địa phương. Sự "trở về" và trọng dụng phải mang ý nghĩa thực chất với người làm khoa học chứ không phải là những lời hứa hẹn.
Ngoài ra, tình trạng thiếu thốn các điều kiện nghiên cứu như phòng thí nghiệm, mối liên hệ quốc tế, ê kíp làm việc mạnh... cùng hàng loạt những dích dắc có thể gặp ngay từ khi xuống sân bay cũng làm cho giới khoa học Việt kiều e ngại khi về nước. Đặc biệt, cơ chế "xin - cho" trong giới khoa học nước nhà cũng là rào cản để trí thức chưa thể cống hiến tốt nhất cho đất nước. Ở xã hội nào thì người tài cũng muốn được trân trọng và giao việc cho họ bằng lòng tin. Đây là điều kiện để nhà khoa học xây dựng được nền công nghệ cho đất nước.
Có một thực tế nữa cần phải được nhìn nhận đúng là những người không (hoặc chưa) về nước không phải là họ "ngoảnh mặt" với đất nước. Tri thức khoa học ngày nay được coi là tài sản của nhân loại và không biên giới, nên dù công tác, sinh sống ở nước ngoài nhưng họ vẫn có thể phục vụ đất nước bằng cách cung cấp tài liệu, giới thiệu học bổng, tham gia hội thảo... để dìu dắt các nhà khoa học trẻ. Sự "nằm vùng" của họ cũng là kênh kết nối hữu ích của khoa học, công nghệ và giáo dục nước nhà với thế giới bên ngoài. Đây cũng là vốn quý rất cần được tận dụng.
"Việt Nam chưa thực sự thấy được mối quan hệ hữu cơ giữa khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế nên một số chính sách, cơ chế thu hút trí thức không được thực hiện nghiêm chỉnh. Một khi trí thức trong nước chưa được sử dụng hiệu quả thì việc trở về của trí thức Việt kiều còn khó khăn vì họ đang được làm việc trong điều kiện tốt nhất của nước sở tại" - GS Nguyễn Quốc Vọng (ĐH RMIT, Australia) từng trăn trở như vậy sau hơn hai năm ông về nước làm việc.
|