Bản in
KH-CN trở thành động lực then chốt phát triển kinh tế - xã hội Bài 3: Thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ
Thực tế nước ta hiện có rất nhiều DN KH-CN, nhưng doanh nghiệp (DN) mạnh và có sản phẩm tốt, sản phẩm chiếm được thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế chấp nhận không nhiều... Điều này là hệ quả của việc thiếu tập trung đầu tư chiến lược phát triển DN KH-CN gắn với thực tế kinh tế - xã hội.

Lấy DN làm trung tâm

 Làm sao gắn kết KH-CN với sản xuất tại công ty, DN là vấn đề được đặt ra để phát triển KH-CN trong giai đoạn hiện nay? “Ý thức lấy DN làm trung tâm trong đổi mới, chuyển giao công nghệ đã được xác định. Mọi đề tài, dự án đều tập trung vào phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN. Bên cạnh đó, bản thân DN cũng phải tự chủ động đổi mới công nghệ. Tương tự như cách làm mà hầu hết các nước trên thế giới đang áp dụng, làm KH-CN phải xuất phát từ nhu cầu và sự mong muốn của chính DN. Đơn cử như Samsung, mỗi năm dành từ 1 - 2 tỷ USD cho công tác nghiên cứu và phát triển. Có thế họ mới có sản phẩm bán cho toàn thế giới”, PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho biết.

Từ đó, ông Phan Minh Tân cho biết thêm, cần đẩy mạnh hình thành các công ty, DN KH-CN, những đơn vị có khả năng đầu tư kinh phí vào trang bị công nghệ, đổi mới công nghệ. Dù hiện nay chưa có quy định bắt buộc các DN trích 10% lợi nhuận sau thuế để làm quỹ phát triển KH-CN. Tuy nhiên, ý thức của DN mới là quan trọng, góp phần chuyển chương trình này từ khuyến khích thành chương trình cụ thể, gắn vào sản xuất của DN. Ngoài ra, DN cũng phải chủ động đặt hàng các viện, trường. Nhà khoa học không phải lúc nào cũng sâu sát vào từng khó khăn của DN, nên DN gặp khó thì phải nói, phải gọi mới có người phản hồi.

Ý kiến của PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM, cũng đáng lưu ý. Ông cho rằng: “Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI có xác định nhiệm vụ: “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi; đội ngũ cán bộ KH-CN, văn hóa đầu đàn; đội ngũ doanh nhân và lao động lành nghề”. Chúng ta chưa có đội ngũ doanh nhân có tầm thì phải tập trung đào tạo từ nhà trường đến các cuộc vận động, quảng bá tri thức, thông tin về tinh thần DN thực sự. Lúc đó mới nói đến DN gắn kết với chiến lược phát triển KH-CN như thế nào. Không ít các DN trong nước nhận thức được vấn đề đổi mới công nghệ là vấn đề sống còn của DN nhưng còn rất lúng túng trong cách làm do thiếu nguồn lực và sự hỗ trợ của cơ quan chức năng. Một số DN mà tôi tiếp xúc quan niệm đổi mới công nghệ đơn thuần là bỏ tiền ra nhập thiết bị hiện đại của nước ngoài(!). Rất ít DN dám nuôi nhà khoa học để sở hữu được công nghệ nguồn đủ sức cạnh tranh với các DN nước ngoài. Đây cũng sẽ là những câu hỏi lớn đặt ra cho các hội thảo của các DN KH-CN của Việt Nam sắp tới”.

 Lực lượng sản xuất mới

 

  Hiện nay ở nước ta đã có hơn 1.000 DN KH-CN nhưng hầu hết đều ở quy mô nhỏ. DN KH-CN cũng như doanh nhân KH-CN được xem là lực lượng sản xuất mới hiện nay, có năng suất lao động và giá trị gia tăng rất cao. Trung bình, tốc độ tăng trưởng của giao dịch công nghệ trên thị trường, nhất là thông qua các DN KH-CN, phải gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP quốc gia. Ở Việt Nam trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng của hầu hết các DN KH-CN đạt tới 20%/năm. Chính vì vậy, Chính phủ cũng như Bộ KH-CN sẽ tìm các biện pháp để thúc đẩy sự hình thành và hoạt động của hệ thống DN KH-CN, xem đó là khâu đột phá để đổi mới công nghệ, ứng dụng, phát triển KH-CN phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm tới.

Bộ KH-CN cho rằng, thời gian tới cần phải tiếp tục thực hiện quyết liệt Nghị định 115 về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH-CN công lập và Nghị định 80 về DN KH-CN, để làm sao hình thành được hệ thống DN KH-CN Việt Nam với mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 3.000 DN KH-CN. Song hành với điều đó, cần tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý cho thị trường công nghệ như ban hành quy định hướng dẫn về giao quyền sở hữu công nghệ đối với kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ được tạo bằng ngân sách Nhà nước. Đặc biệt là đổi mới chính sách khuyến khích DN đầu tư vào KH-CN. Nhà nước hỗ trợ hình thành hệ thống trung gian, tư vấn, môi giới và dịch vụ chuyển giao công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực về trung gian, tư vấn, môi giới và dịch vụ chuyển giao công nghệ... qua đó hình thành một cách bài bản và hiệu quả hệ thống DN KH-CN, phát triển mạnh mẽ thị trường công nghệ đáp ứng cả cung và cầu của xã hội.

Một vấn đề khác cũng hết sức đáng lưu ý, đó là nhà nước cần tạo cơ chế cho các nhà khoa học, ngoài tiền lương tối thiểu bảo đảm thì còn có những thu nhập chính đáng từ việc chuyển giao kết quả nghiên cứu, chuyển giao tài sản trí tuệ của mình cho sản xuất và kinh doanh. Làm sao cho các DN biết và phải tìm đến, dựa vào các trường đại học, viện nghiên cứu để ứng dụng công nghệ mới, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa. Cần có cơ chế để buộc các trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp tham gia sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hình thành được cơ chế liên kết hữu cơ giữa các cơ sở giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học với DN và cơ quan quản lý, trên cơ sở làm rõ trách nhiệm và lợi ích của các bên, bảo đảm hiệu quả, tạo đà cho sự phát triển.