Bản in
'Thoáng' với nhà khoa học trẻ
Bố trí công việc theo nguyện vọng khi vừa rời ghế nhà trường; tài trợ cho các nhiệm vụ nghiên cứu tự đề xuất… các nhà khoa học trẻ đang được tạo cơ chế thoáng để có thể phát huy hết khả năng sáng tạo.

Gần một năm, nhóm nghiên cứu gồm Lê Văn Chiều, Nguyễn Hữu Quyết và Cao Thế Hà, thuộc Trung tâm nghiên cứu công nghệ môi trường và phát triển bền vững (ĐH KHTN, ĐH Quốc gia Hà Nội) miệt mài khảo sát khả năng áp dụng màng vi lọc trong hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học tại Khu CNC Hoà Lạc.

Với kinh phí của đề tài gần 20 triệu đồng, nhưng các thành viên trong nhóm vẫn thay nhau có mặt tại hiện trường để khảo sát, thu thập số liệu. Lê Văn Chiều cho biết nhờ việc khảo sát thực nghiệm, nhóm tìm ra khả năng xử lý COD, nitơ trong nước thải sinh hoạt và khả năng tách vi sinh trong bùn và trong nước thải. Kết quả khảo sát vượt ra ngoài mong đợi của nhóm: hiệu quả xử lý COD đạt 95 - 98%, hiệu quả xử lý nitơ đạt 93%... Kết quả của đề tài mở ra những hứa hẹn xử lý nước thải sinh hoạt lại có thể tái sử dụng.

Giới thiệu về đề tài “Phổ hấp thụ X-ray và ứng dụng trong công nghệ hóa dầu”, TS Nguyễn Khánh Diệu Hồng, 28 tuổi, Khoa Công nghệ hóa dầu, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Đây là công nghệ mới chỉ được ứng dụng ở Hàn Quốc và Nhật Bản”. Phải mày mò vài tháng, chờ gửi mẫu sang Nhật Bản thử nghiệm đối chứng cả chục ngày, TS Hồng vẫn tin tưởng khả năng thành công của đề tài, mở ra hướng nghiên cứu mới trong công nghệ lọc, hóa dầu.

Đó chỉ là 2 trong hơn 100 công trình nghiên cứu được giới thiệu tại “Hội nghị các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực Khoa học Tự nhiên và Công nghệ lần thứ nhất” do ĐH KHTN, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 29 - 30.5. Qua các bài thuyết trình, các nhà khoa học trẻ đều thể hiện tâm huyết muốn đóng góp sức lực, trí tuệ cho đất nước.

Nhà khoa trẻ đang được tạo cơ chế thoáng trong nghiên cứu khoa học
Ảnh minh họa: Như Ý


Thế nhưng, làm thế nào để có thể phát huy được khả năng của các nhà khoa học trẻ?! Theo TS Tạ Thành Văn (Bộ môn Hoá sinh, Trường ĐH Y Hà Nội),  mức đãi ngộ 1.000- 2.000 USD/tháng đưa ra trong đề án “Một số chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ giai đoạn 2006-2010” do Bộ KH-CN soạn thảo không phải là yếu tố quyết định. “Các nhà khoa học trẻ cần được bố trí công việc theo khả năng chuyên môn và nguyện vọng ngay sau khi họ rời ghế nhà trường. Họ chỉ thực sự phát huy hết khả năng của mình khi được đưa vào các nhóm nghiên cứu phù hợp sở trường và nguyện vọng của mình”, TS Văn nói.

Ông Phan Hồng Sơn, giám đốc Quỹ Phát triển KH-CN Quốc gia cho biết các nhà khoa học trẻ hiện còn có nhiều cơ hội tự đề xuất hoặc tham gia các đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cấp Nhà nước. Và Quỹ Phát triển KH-CN Quốc gia có thể tài trợ cho các nghiên cứu mang tính tự do này. “Từ trước tới nay các Bộ, ngành tài trợ cho các nghiên cứu mang tính định hướng. Nhà nước ra “đề bài” phát triển KH-CN theo chiến lược đặt ra, các nhiệm vụ “rót” từ trên xuống, còn đối với Quỹ thì ngược lại. Cơ chế như vậy sẽ giúp các nhà khoa học trẻ được làm những gì mình muốn”, ông Sơn nói.

Đất Việt