Bản in
Đưa KH-CN trở thành động lực then chốt phát triển kinh tế - xã hội. Bài 2: Trọng dụng và đãi ngộ người tài - Vấn đề then chốt
Câu chuyện về chính sách đãi ngộ cán bộ KH-CN, tình trạng “chảy máu chất xám”, thiếu hụt đội ngũ nhà khoa học kế cận không mới, tồn tại nhiều năm qua. Tuy nhiên, cùng với vấn đề đổi mới toàn diện và đồng bộ quản lý hoạt động KH-CN hiện nay, câu chuyện đó lại trở thành “then chốt” trong phát triển KH-CN nước nhà trong thời kỳ mới với những mục tiêu mới.

Đãi ngộ chưa đủ

Theo thống kê của Bộ KH-CN, từ năm 1996 đến nay, số tổ chức KH-CN ở nước ta từ 519 đã lên đến 1.513 đơn vị, tức tăng gần 3 lần. Nguồn nhân lực là cán bộ trực tiếp hoạt động KH-CN cũng theo đó tăng từ 22.300 người lên tới hơn 60.500 người. Hiện nay cả nước có trên 4,2 triệu người có trình độ cao đẳng trở lên, trong đó có 24.000 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ và 2,7 triệu người có trình độ đại học... Đó là những con số ấn tượng, tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng, chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ này còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước. Nguyên nhân của thực trạng này có nhiều, trong đó không thể không nhắc đến chế độ đãi ngộ chưa tương xứng.

TS Văn Tất Thu, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, hệ thống thang, bảng lương của các nhà khoa học chưa chú trọng đến yếu tố hiệu quả công việc, không phản ánh đúng mức chênh lệch về trình độ chuyên môn cũng như công việc đang đảm nhiệm. Chính sách tiền lương chưa bảo đảm cuộc sống của cán bộ khoa học, chưa thu hút được người có trình độ chuyên môn cao ở lại phục vụ lâu dài trong bối cảnh cạnh tranh thu hút nhân tài trong nền kinh tế thị trường. Việc phân bổ thu nhập của cán bộ khoa học theo cơ chế hiện hành không sát thực tế, vẫn còn bình quân “cào bằng”. Theo đó, nhà khoa học dù làm nhiều, làm ít hoặc không làm gì nhưng nếu thuộc danh sách biên chế, trả lương của tổ chức KH-CN công lập thì vẫn được ngân sách trả lương. Ngoài ra, khi nghiên cứu đề tài, dự án lại được hưởng thêm phụ cấp và đây mới là thu nhập chính của đa phần các nhà khoa học hiện nay. Mặt khác, phần lớn các cán bộ KH-CN đều tự tìm nguồn kinh phí để thực hiện tự đào tạo. Các nguồn kinh phí để thực hiện chính sách đào tạo và đào tạo lại cán bộ còn mang tính chất “mưa cho khắp”, chưa mang tính cạnh tranh cao nên không có tác động nhiều đến tạo động lực nghiên cứu cho cán bộ KH-CN.

Về vấn đề tiền lương, theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, cán bộ KH-CN nông nghiệp nhìn chung có thu nhập thấp. Hệ số lương của giáo sư, phó giáo sư bình quân là 5,99 tương ứng với lương khoảng 4,97 triệu đồng/tháng; tiền lương đối với tiến sĩ, thạc sĩ lần lượt là 4 và 2,9 triệu đồng. So với mức sống hiện nay, tiền lương trả cho nhà khoa học rõ ràng không đủ sống ở mức trung bình nếu không xoay xở “chân trong, chân ngoài”. Ý kiến của nhiều nhà khoa học cho rằng, Nhà nước cần tạo cơ chế cho các nhà khoa học, ngoài tiền lương tối thiểu bảo đảm thì còn có những thu nhập chính đáng từ việc chuyển giao kết quả nghiên cứu, chuyển giao tài sản trí tuệ của mình cho sản xuất và kinh doanh; cần tạo cơ chế sao cho các doanh nghiệp phải tìm đến và dựa vào các trường đại học, viện nghiên cứu để có thể phát triển các công nghệ mới, nâng cao sức cạnh tranh. GS-TSKH Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, không thể ban hành một chính sách đãi ngộ chung cho tất cả giới khoa học mà cần phải phá bỏ “chủ nghĩa bình quân”. Công tâm chọn ra những nhà khoa học có trình độ, xây dựng những nhóm khoa học mạnh và đầu tư thật xứng đáng để có kết quả nghiên cứu tốt. Điều này đòi hỏi quyết sách từ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Thiếu đội ngũ kế thừa

Mặc dù số lượng cán bộ KH-CN cũng như người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ khá đông nhưng Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng thừa nhận, hiện nay vẫn thiếu hụt đội ngũ làm KH-CN, các nhà khoa học, các tổng công trình sư có trình độ cao và năng lực chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng quy mô quốc gia và quốc tế. GS Vũ Minh Giang cảnh báo, chỉ 5 - 7 năm nữa, nước ta sẽ thiếu hụt trầm trọng đội ngũ cán bộ khoa học trẻ có trình độ. Nguyên nhân là do “đầu vào” của các trường đào tạo về khoa học cơ bản đang thoi thóp. Năm 2012, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận được rất ít hồ sơ đăng ký tuyển sinh từ các trường THPT danh tiếng và ngành khoa học xã hội nhân văn lại càng ít hơn. Giới trẻ không thích vào ngành khoa học đồng nghĩa với việc các cơ quan nghiên cứu không tuyển dụng được người tài. Các nhà khoa học đầu ngành đến tuổi đều về nghỉ hưu mà không tìm được người kế thừa xứng đáng. Câu chuyện ở đây không còn là bài toán thu nhập của cá nhân mà trở thành vấn đề quốc gia.

Vấn đề thiếu hụt nguồn cán bộ KH-CN trẻ hiện hiện đang là bài toán lớn đối với các tổ chức KH-CN hiện nay, nhất là ở lĩnh vực khoa học cơ bản, cả về tự nhiên và xã hội. GS-VS Nguyễn Văn Hiệu khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực KH-CN là một trong những chính sách cốt yếu để đưa đất nước tiếp tục phát triển. Mà điều đó không thể khác ngoài việc tìm kiếm, đào tạo phát triển những tài năng trẻ. Rõ ràng, đây là điều mà chính sách phát triển nguồn nhân lực KH-CN hiện chưa làm được, cần phải giải quyết trong thời gian tới.

Được biết, từ năm 2006, Bộ KH-CN đã xây dựng đề án đào tạo cán bộ khoa học theo ê-kíp và đề án sử dụng, trọng dụng cán bộ KH-CN, tập trung vào nội dung: Thí điểm áp dụng cơ chế tự chủ đặc biệt về tài chính đối với các nhà khoa học được Nhà nước giao chủ trì nhiệm vụ KH-CN đặc biệt cấp quốc gia; thí điểm áp dụng cơ chế tự chủ tài chính đặc biệt đối với cán bộ KH-CN xuất sắc được giao nhiệm vụ ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH-CN tại các trường đại học, các tổ chức KH-CN trọng điểm. Ngoài ra, sẽ ban hành bổ sung một số chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài và các nhà khoa học người nước ngoài đến làm việc ở Việt Nam. Tuy nhiên, không hiểu do đâu chủ trương chính sách này chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cũng thừa nhận phải có chính sách thích đáng hơn để trọng dụng, ưu đãi cán bộ KH-CN, nhất là những người giỏi, người đứng đầu các nhiệm vụ, chương trình quốc gia, người được giao đứng đầu các tập thể khoa học trong nghiên cứu, phát triển KH-CN. Những người này phải được giao thực quyền kể cả về tài chính lẫn tổ chức, nhân sự để thực hiện các nhiệm vụ một cách hiệu quả.