|
|||||||||
Cơ chế tài chính được xem là “nút thắt” lớn nhất trong hoạt động KH-CN hiện nay với những bất cập do lịch sử để lại. Giải quyết được vấn đề này mới có thể huy động được các nguồn đầu tư, cũng như tập hợp được nhân lực cho việc phát triển KH-CN nước nhà.
Mới đây, Ủy ban KH-CN và môi trường của Quốc hội đã tổ chức phiên họp để Bộ trưởng Bộ KH-CN, đại diện Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT giải trình về “Cơ chế tài chính và huy động nguồn lực đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động KH-CN”. Lãnh đạo các bộ ngành đều thừa nhận, cơ chế tài chính cho KH-CN hiện còn nhiều bất cập. Việc áp đặt cơ chế kế hoạch hóa cứng nhắc, quy trình hóa về thời gian xác định nhiệm vụ KH-CN gắn liền với việc xây dựng kế hoạch hàng năm, bắt đầu khoảng tháng 3 và kết thúc vào ngày 31-7 hàng năm và gửi Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính là không phù hợp với đặc thù, không đáp ứng yêu cầu về tiến độ của hoạt động KH-CN. Bên cạnh đó, còn có bất cập trong điều chỉnh kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH-CN, không phù hợp với thực tế nghiên cứu triển khai và hiệu quả đầu tư.
Hiện nhà nước đầu tư cho Bộ KH-CN hàng năm với tổng kinh phí bằng 2% GDP cả nước. Đây là con số không hề nhỏ. Tuy nhiên, nếu tính về giá trị tuyệt đối, mức đầu tư trên đầu người (vào khoảng 0,4% - 0,5%) lại là con số thấp. Thế nhưng năm qua vẫn có tình trạng chi sai mục đích hoặc đầu tư dàn trải, không hiệu quả số vốn này. Theo lãnh đạo Bộ KH-CN, năm 2011 kinh phí đầu tư phát triển KH-CN được phân bổ về các địa phương khoảng 2.700 tỷ đồng nhưng các địa phương chỉ thực hiện được khoảng 2.044 tỷ (khoảng 75%), còn lại khoảng 673 tỷ đồng các địa phương sử dụng vào các dự án của các lĩnh vực không liên quan đến KH-CN. Và trong hơn 2.000 tỷ đồng sử dụng đầu tư KH-CN có khoảng 672 tỷ đồng chi không đúng mục đích. Như vậy các địa phương chi sai mục đích đầu tư khoảng 1.345 tỷ đồng, chiếm gần một nửa kinh phí ngân sách nhà nước cấp. Thêm vào đó, Bộ KH-CN chưa có đủ thẩm quyền cùng với Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính phân bổ nguồn kinh phí đầu tư phát triển, nguồn kinh phí cho sự nghiệp khoa học cho các bộ, ngành các địa phương, dẫn tới hiện tượng dàn trải, hiệu quả đầu tư không cao. Một miếng bánh chia nhỏ thật khó mang lại hiệu quả. Tại TPHCM, đã có nhiều cải tiến về cơ chế quản lý và nghiên cứu khoa học, như phân quyền cho giám đốc sở có thể duyệt kinh phí lên đến 600 triệu đồng. Tự chủ động 1/3 tổng kinh phí đầu tư cho KH-CN của địa phương hàng năm. Tuy nhiên, chúng ta chưa làm căn cơ, một số giải pháp lại vướng phải quy định ở cấp cao hơn, nên khó triển khai được tại địa phương.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đến nay chỉ có từ 0,1% - 0,3% doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam được đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và đổi mới công nghệ, là quá thấp. Trong khi đó, đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Ấn Độ vào khoảng 5% và Hàn Quốc là 10% doanh thu doanh nghiệp. Để đảo ngược tình hình, theo các chuyên gia, phải có chính sách để huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội, trước hết từ khu vực doanh nghiệp đầu tư cho KH-CN. Trước hết cần thực hiện nghiêm túc quy định việc các doanh nghiệp dành 10% lợi nhuận trước thuế để hình thành Quỹ Phát triển KH-CN, có thể là ở từng doanh nghiệp hoặc ở quy mô tập đoàn hoặc theo ngành. Tuy nhiên giải pháp lâu dài và cơ bản là tạo ra một sức ép buộc các doanh nghiệp phải cạnh tranh dựa trên phát triển và ứng dụng KH-CN. Nhà nước cần dùng các công cụ gián tiếp để khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho KH-CN thông qua các công cụ thuế, lãi suất...
|