Bản in
Cần cấp thiết đổi mới cơ chế tài chính và huy động đầu tư cho KH&CN
Cơ chế tài chính và đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN) là một trong những vấn đề trọng tâm đang được cộng đồng khoa học quan tâm. Đây cũng là nội dung chính của phiên họp do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức để Bộ KH&CN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) giải trình về vấn đề này.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã đánh giá lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế tài chính và huy động nguồn lực đầu tư cho KH&CN; đánh giá về việc thực thi chính sách, pháp luật và trách nhiệm của các bộ trong việc phân bổ, sử dụng và kiểm tra thực hiện chi Ngân sách Nhà nước (NSNN) và các nguồn đầu tư khác cho KH&CN; đánh giá kết quả, hiệu quả đầu tư cho KH&CN; phương hướng, giải pháp đổi mới cơ chế tài chính và huy động nguồn lực đầu tư cho KH&CN. 

Cơ chế, chính sách tài chính còn “nặng” tính hành chính

Những năm qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN nói chung và trực tiếp liên quan đến cơ chế tài chính, huy động nguồn lực đầu tư cho KH&CN nói riêng ngày càng được hoàn thiện. Đã có 8 đạo luật chuyên ngành và gần 300 văn bản hướng dẫn thi hành, tạo lập được hành lang pháp lý tương đối toàn diện, đồng bộ cho các hoạt động KH&CN.

Tuy nhiên, cơ chế chính sách phát triển KH&CN còn chưa đầy đủ, cơ chế tài chính cho KH&CN còn nhiều bất cập. Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động KH&CN còn một số hạn chế như: Năng lực KH&CN quốc gia chưa tương xứng với vai trò là động lực then chốt và nền tảng cho quá trình phát triển đất nước; cơ chế tài chính cho KH&CN mang nặng tính hành chính, không phù hợp với đặc thù hoạt động nghiên cứu sáng tạo. Vấn đề đổi mới cơ chế chính sách tài chính, huy động các nguồn lực đầu tư cho KH&CN là một trong những vướng mắc lớn cần có giải pháp khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân chia sẻ, nước ta đã bước vào nền kinh tế thị trường nhưng trong hoạt động KH&CN còn nhiều nội dung mang nặng tính hành chính, tư duy của thời bao cấp kế hoạch hóa. Việc áp đặt cơ chế kế hoạch hóa cứng nhắc (quy trình hóa về thời gian xác định nhiệm vụ KH&CN gắn liền với việc xây dựng kế hoạch hằng năm, bắt đầu khoảng tháng 3 và kết thúc vào ngày 31.7 hằng năm và gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính) là không phù hợp với đặc thù, không đáp ứng yêu cầu về tiến độ của hoạt động KH&CN, không tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN bảo đảm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nguồn kinh phí của Nhà nước cấp cho KH&CN.

Bên cạnh đó, còn có bất cập trong điều chỉnh kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN phù hợp với thực tế nghiên cứu triển khai và hiệu quả đầu tư. Các nhà khoa học khi muốn điều chỉnh kinh phí trên 1 tỷ đồng phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, còn dưới 1 tỷ đồng thì Bộ KH&CN, Bộ Tài Chính có thể trao đổi, thống nhất, nhưng thời gian chờ đợi từ 3-6 tháng. Vì thế, hầu hết các nhà khoa học rất e ngại trong việc điều chỉnh kinh phí mặc dù đây là việc bắt buộc phải làm khi kinh phí không thể đáp ứng được những nội dung của đề tài nghiên cứu.

Ngoài ra, việc thanh quyết toán dựa vào kê khai các hóa đơn, chứng từ chi tiết dẫn đến tình trạng thiếu trung thực trong việc thanh quyết toán các nhiệm vụ nghiên cứu. Một số nội dung chi, định mức chi quy định không phù hợp với thực tế nội dung nghiên cứu triển khai, đôi khi chỉ quan tâm đến số lượng, không đánh giá đúng chất lượng, giá trị khoa học, công sức nghiên cứu của nhà khoa học.

Đầu tư cho KH&CN dàn trải


Báo cáo của Bộ KH&CN, Bộ Tài chính đều chỉ rõ, phương thức phân bổ NSNN vẫn mang tính hành chính bao cấp, chưa thực sự gắn với hiệu quả hoạt động, năng lực và nhu cầu thực tế. Khi giải trình về trách nhiệm của các Bộ trong việc phân bổ, sử dụng, kiểm tra thực hiện chi NSNN cho KH&CN, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, Bộ KH&CN là cơ quan chịu trách nhiệm trước Quốc hội về 2% tổng chi NS cho KH&CN nhưng thực tế Bộ KH&CN chỉ chủ động quản lý được việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN với kinh phí 12% NSNN, thiếu cơ chế để Bộ kiểm soát nội dung, hiệu quả đầu tư của 88% NSNN còn lại do Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính cấp cho các bộ, ngành, địa phương dẫn tới đầu tư dàn trải, không có trọng điểm.

Nhiều địa phương đã chuyển kinh phí dành cho KH&CN để giải quyết các vấn đề cấp bách không thuộc lĩnh vực KH&CN (để khắc phục bất cập này, tại Quyết định 1244/QĐ-TTg ngày 25.7.2011, Thủ tướng Chính phủ đã quy định việc xây dựng kế hoạch vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp khoa học hàng năm phải được thực hiện trên cơ sở đề xuất của Bộ KH&CN). Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương chỉ rõ, cần có sự phối hợp, gắn kết tốt hơn giữa Bộ KH&CN và các bộ, ngành, địa phương trong việc phân bổ, kiểm tra, đánh giá hiệu quả NSNN đầu tư cho KH&CN.

Về việc huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt từ doanh nghiệp cho KH&CN, từ năm 2008, Bộ KH&CN đã đề xuất và cùng Bộ Tài chính xây dựng Luật Thuế Thu nhập doanh nhiệp sửa đổi, trong đó quy định doanh nghiệp được trích tới 10% lợi nhuận trước thuế thành lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, nhưng chưa có chế tài cũng như cơ chế khuyến khích/bắt buộc doanh nghiệp phải làm nên chưa huy động được đầu tư của xã hội, đặc biệt của doanh nghiệp cho KH&CN.

Để KH&CN trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nguồn đầu tư cho KH&CN của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân phải đóng vai trò chủ lực, nguồn vốn đầu tư từ NSNN là cơ sở khởi nguồn. Tuy nhiên, hiện đầu tư của các doanh nghiệp cho hoạt động KH&CN vẫn thấp hơn đầu tư từ NSNN, còn xa mục tiêu 1,5% GDP vào năm 2010 (đề ra trong Chiến lược Phát triển KH&CN đến năm 2010).

Bộ KH&CN kiến nghị, cần xây dựng cơ chế hữu hiệu để huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư cho hoạt động KH&CN, sửa đổi Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp theo hướng đảm bảo doanh nghiệp phải trích tối thiểu lợi nhuận trước thuế cho quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp hoặc cho quỹ phát triển KH&CN của địa phương.

Tiếp tục phát huy cơ chế quỹ

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia đã được thành lập và đang tiếp tục tài trợ cho các đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn… Sau 4 năm hoạt động, Quỹ này đã giúp số đề tài công bố quốc tế của Việt Nam tăng gần 3 lần so với trước đó. Cơ chế Quỹ này là một kênh tài chính linh hoạt, đầu tư xứng đáng hơn cho con người và ý tưởng sáng tạo, góp phần đa dạng hóa các phương thức quản lý tài chính trong KH&CN.

Các nhà khoa học đánh giá rất cao cơ chế quỹ này bởi có những điểm rất thuận lợi, phù hợp với đặc thù của KH&CN: cấp tiền kịp thời với việc phê duyệt nhiệm vụ, không phải quyết toán theo năm tài chính và cuối năm kinh phí chưa sử dụng hết tự động chuyển nguồn năm sau.

Năm 2011, Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia cũng đã được thành lập với chức năng cho vay ưu đãi, bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ... Bộ cũng đang tiến hành nghiên cứu việc thành lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm như một trong những kênh hỗ trợ tài chính để triển khai thành công Chương trình đổi mới công nghệ Quốc gia, Chương trình Quốc gia về công nghệ cao.

Các quỹ phát triển ở bộ, ngành, địa phương cũng đã đi vào hoạt động, bước đầu có kết quả. Nếu hệ thống các Quỹ trong hoạt động KH&CN được hình thành đầy đủ ở quy mô, phạm vi khác nhau sẽ tạo những tiền đề quan trọng, góp phần đổi mới cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính còn nhiều bất cập hiện hành, tiếp cận dần đến phương thức đầu tư cho KH&CN ở các nước phát triển; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học, các tổ chức và doanh nghiệp triển khai các hướng nghiên cứu.

Cần tin tưởng và có chính sách lương riêng cho nhà khoa học

Bày tỏ sự đồng tình với những bất cập về cơ chế tài chính, đại biểu TP.Hà Nội Bùi Thị An khẳng định, KH&CN đã có những đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nhưng đầu tư cho KH&CN chưa đủ ngưỡng, chưa khuyến khích và giải phóng được nguồn lực chính trong nghiên cứu là những người làm khoa học. Với tinh thần thẳng thắn, đại biểu Bùi Thị An nêu câu hỏi cho Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh: Vì sao kinh phí cho KH&CN luôn bị chậm? Theo bà An, nếu không thay đổi, tới đây KH&CN sẽ không bao giờ có thể phát triển được.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Thị An, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho rằng, Bộ đã và luôn đồng hành cùng Bộ KH&CN đề xuất, tham mưu, xây dựng Nghị định của Chính phủ có ngân sách chính đáng cho hoạt động KH&CN. Vấn đề là làm sao nội dung, đề tài của các nhà khoa học được phê duyệt; nếu muốn đổi mới để ngân sách nhanh đến tay các nhà khoa học, bản thân các nhà khoa học cũng cần đổi mới, chuẩn bị đề tài phù hợp với yêu cầu thực tiễn, có đầy đủ thủ tục theo quy định... Trong phạm vi của mình, Bộ Tài chính cũng đang tìm cách để kinh phí đến nhanh nhất với nhà khoa học.

Liên quan đến vấn đề tiền lương đối với các nhà khoa học còn eo hẹp, chưa có phụ cấp ngành, Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh cho rằng, các nhà khoa học, nhà quản lý nên đề xuất phương án cấp kinh phí theo tiêu chí nào, ví dụ như cấp kinh phí theo nhiệm vụ. Bộ Tài chính mong muốn và kiến nghị nên có chính sách lương riêng cho cán bộ KH&CN, bởi đây là ngành đặc thù, có thể phân tầng lương cho các nhà khoa học theo chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Lê Bộ Lĩnh về việc Việt Nam học hỏi được gì từ cơ chế tài chính cho KH&CN của thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Quân lấy một ví dụ từ Nhật Bản. Khi đoàn công tác của Việt Nam hỏi tại sao được giao kinh phí lớn để nghiên cứu khoa học, phía đối tác nói rằng họ được nhà nước tin tưởng giao kinh phí. Các tổ chức, nhà khoa học nếu sử dụng sai mục đích sẽ bị xử lý nghiêm minh. Bộ trưởng nhấn mạnh, việc tin tưởng, giao quyền cho nhà khoa học và có cơ chế kiểm soát chặt chẽ sẽ tạo niềm tin cho các nhà khoa học, giúp họ yên tâm làm việc, khắc phục được tình trạng gian dối trong cách hợp lý hóa chứng từ, hợp thức hóa dự án KH&CN khi cần bổ sung kinh phí.

Nguyễn Hạnh