Bản in
Cơ chế tài chính là rào cản lớn trong hoạt động khoa học công nghệ
Suốt thời gian dài, cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học công nghệ luôn là nỗi ám ảnh của các nhà khoa học. Trước thực trạng này, UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức phiên họp Cơ chế tài chính và huy động nguồn lực đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học, công nghệ để Bộ Khoa học và Công nghệ (KH - CN), Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH - ĐT) giải trình về vấn đề này.

Nặng tính hành chính

Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ KH - CN Nguyễn Quân cho biết, trong những năm qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KH - CN và trực tiếp liên quan đến cơ chế tài chính, huy động nguồn lực đầu tư cho KH - CN ngày càng được hoàn thiện. Đã có 8 đạo luật chuyên ngành và gần 300 văn bản hướng dẫn thi hành, tạo lập được hành lang pháp lý tương đối toàn diện, đồng bộ cho các hoạt động KH - CN.

Tuy nhiên, cơ chế chính sách phát triển KH - CN còn chưa đầy đủ, cơ chế tài chính cho KH - CN còn nhiều bất cập. Việc áp đặt cơ chế kế hoạch hóa cứng nhắc, quy trình hóa về thời gian xác định nhiệm vụ KH - CN gắn liền với việc xây dựng kế hoạch hằng năm, bắt đầu khoảng tháng 3 và kết thúc vào ngày 31.7 hàng năm và gửi Bộ KH - ĐT, Bộ Tài chính là không phù hợp với đặc thù, không đáp ứng yêu cầu về tiến độ của hoạt động KH - CN, không tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước về KH - CN bảo đảm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nguồn kinh phí của Nhà nước cấp cho KH - CN.

Bên cạnh đó, còn có bất cập trong điều chỉnh kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH – CN, không phù hợp với thực tế nghiên cứu triển khai và hiệu quả đầu tư. Các nhà khoa học khi muốn điều chỉnh kinh phí trên 1 tỷ đồng phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, còn dưới 1 tỷ đồng thì Bộ KH - CN, Bộ Tài chính có thể trao đổi, thống nhất, nhưng thời gian chờ đợi từ 3 - 6 tháng. Vì thế, hầu hết các nhà khoa học rất e ngại trong việc điều chỉnh kinh phí mặc dù đây là việc bắt buộc phải làm khi kinh phí không thể đáp ứng được những nội dung của đề tài nghiên cứu. Ngoài ra, việc thanh toán quyết toán dựa vào kê khai các hóa đơn, chứng từ chi tiết dẫn đến tình trạng thiếu trung thực trong việc thanh toán quyết toán các nhiệm vụ nghiên cứu. Một số nội dung chi, định mức chi quy định không phù hợp với thực tế nội dung nghiên cứu triển khai, đôi khi chỉ quan tâm đến số lượng, không đánh giá đúng chất lượng, giá trị khoa học, công sức nghiên cứu của nhà khoa học...

Đầu tư dàn trải

Báo cáo của Bộ KH - CN, Bộ Tài chính đều chỉ rõ, phương thức phân bổ ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn mang tính hành chính bao cấp, chưa thực sự gắn với hiệu quả hoạt động, năng lực và nhu cầu thực tế. Khi giải trình về trách nhiệm của các Bộ trong việc phân bổ, sử dụng, kiểm tra thực hiện chi ngân sách nhà nước cho KH - CN, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, Bộ KH - CN là cơ quan chịu trách nhiệm trước Quốc hội về 2% tổng chi ngân sách cho KH - CN nhưng thực tế Bộ KH - CN chỉ chủ động quản lý được việc triển khai các nhiệm vụ KH - CN với kinh phí 12% NSNN, thiếu cơ chế để Bộ kiểm soát nội dung. Hiệu quả đầu tư của 88% ngân sách còn lại do Bộ KH - ĐT và Bộ Tài chính cấp cho các bộ, ngành, địa phương dẫn tới đầu tư dàn trải, không có trọng điểm. Nhiều địa phương đã tạm ứng kinh phí dành cho KH - CN để giải quyết các vấn đề khác không thuộc lĩnh vực KH - CN. Để khắc phục bất cập này, tại Quyết định 1244/QĐ-TTg ngày 25.7.2011, Thủ tướng Chính phủ đã quy định việc xây dựng kế hoạch vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp khoa học hàng năm phải được thực hiện trên cơ sở đề xuất của Bộ KH - CN. Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH - ĐT Nguyễn Thế Phương chỉ rõ, cần có sự phối hợp, gắn kết tốt hơn giữa Bộ KH - CN và các bộ, ngành, địa phương trong việc phân bổ, kiểm tra, đánh giá hiệu quả NSNN đầu tư cho KH - CN.

Về việc huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động KH - CN, đặc biệt từ doanh nghiệp, mặc dù theo quy định tại Điều 45, Luật Chuyển giao công nghệ và Điều 17 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp được trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế hàng năm để thành lập Quỹ phát triển KH - CN của doanh nghiệp, nhưng chưa có chế tài bắt buộc doanh nghiệp phải làm nên chưa huy động được đầu tư của xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, hiện nay tổng đầu tư xã hội cho KH - CN rất thấp. Chúng ta không huy động được sự đầu tư của xã hội, đặc biệt là của doanh nghiệp. Hiện đầu tư cho KH - CN của khối doanh nghiệp chỉ bằng ½ đầu tư từ ngân sách nhà nước. Điển hình như năm 2011, ngân sách nhà nước đầu tư gần 700 triệu USD cho KH - CN, đầu tư của xã hội chỉ là 300 triệu USD. Trước thực trạng này, Bộ KH - CN kiến nghị, cần xây dựng cơ chế hữu hiệu để huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư cho hoạt động KH - CN, sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng đảm bảo doanh nghiệp phải trích tối thiểu lợi nhuận trước thuế cho quỹ phát triển KH - CN của doanh nghiệp hoặc cho quỹ phát triển KH - CN của địa phương. Giao Chính phủ quy định tỷ lệ trích tối thiểu trên cơ sở phân loại doanh nghiệp.

Cần có chính sách riêng cho nhà khoa học

Bày tỏ sự đồng tình về những bất cập của cơ chế tài chính, tại phiên giải trình, đại biểu Bùi Thị An nêu câu hỏi cho Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh: vì sao kinh phí cho KH - CN luôn bị chậm, phải tháng 8 mới cấp được kinh phí, trong khi tháng 12 lại yêu cầu các nhà khoa học quyết toán thì làm sao họ làm nổi. Tới đây nếu không có sự thay đổi thì KH - CN sẽ không thể phát triển được.

Trả lời câu hỏi của ĐBQH Bùi Thị An, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho biết nguồn tiền ngân sách lúc nào cũng sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chi cho KH - CN. “Chúng tôi không chi tiền theo ý tưởng mà phải có kế hoạch, nội dung cụ thể được phê duyệt. Nếu có dự án được phê duyệt là có thể ra Kho bạc rút tiền ngay, Thứ trưởng Minh khẳng định. Đáp lại trước câu trả lời của Thứ trưởng Minh, đại biểu Bùi Thị An nhấn mạnh: “Tôi không hề nói rằng nhà khoa học có thể chỉ mang ý tưởng đi “xin” tiền. Nhưng có đề tài phê duyệt xong rồi, tháng 5 trình, tháng 8 cũng chưa có, thủ tục tổ chức một hội thảo với kinh phí có vài triệu đồng cũng phải trải qua rất nhiều thủ tục”. Đồng tình với ý kiến của đại biểu An, Bộ trưởng Bộ KH - CN Nguyễn Quân cho biết: “Đúng là tiền lúc nào cũng có, cách làm hiện nay rất hành chính là mỗi năm chỉ trình một lần vào ngày 31.7, cho dù chuẩn bị, phê duyệt, đấu thầu sớm cũng phải chờ đến lúc đó mới xem xét bố trí kinh phí và xong sớm thì tháng Giêng năm sau mới có thể lấy được tiền”.

Việc thay đổi và có cơ chế riêng cho những người làm công tác nghiên cứu khoa học là mong mỏi của các nhà khoa học hiện nay. Các nhà khoa học cho rằng bên cạnh đồng lương eo hẹp thì họ cũng chẳng có phụ cấp gì, đặc biệt là phụ cấp ngành. Nhà nước cần có chế độ cụ thể để họ yên tâm, toàn tâm toàn ý cho công việc nghiên cứu, ĐBQH Đỗ Văn Vẻ nêu câu hỏi. Bộ trưởng Bộ KH - CN Nguyễn Quân thừa nhận, cho đến nay về cơ bản vẫn chưa ban hành được chính sách hiệu quả về đãi ngộ, trọng dụng cán bộ KH - CN như tiền lương, phụ cấp, danh hiệu vinh dự Nhà nước... dẫn tới tình trạng chảy máu chất xám từ khu vực Nhà nước sang khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho rằng, các nhà khoa học, nhà quản lý nên đề xuất phương án cấp kinh phí theo tiêu chí nào, ví dụ như cấp kinh phí theo nhiệm vụ. Bộ Tài chính cũng mong muốn và kiến nghị nên có chính sách lương riêng cho cán bộ KH - CN, bởi đây là ngành đặc thù, có thể phân tầng lương cho các nhà khoa học theo chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu.

Trước câu hỏi của đại biểu Lê Bộ Lĩnh, Việt Nam học hỏi được gì từ cơ chế tài chính cho KH - CN của thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Quân lấy một ví dụ từ Nhật Bản. Khi đoàn công tác của Việt Nam hỏi tại sao được giao kinh phí lớn để nghiên cứu khoa học, phía đối tác nói rằng họ được nhà nước tin tưởng giao kinh phí. Các tổ chức, nhà khoa học nếu sử dụng sai mục đích sẽ bị xử lý nghiêm minh. Bộ trưởng nhấn mạnh, việc tin tưởng, giao quyền cho nhà khoa học và có cơ chế kiểm soát chặt chẽ sẽ tạo niềm tin cho các nhà khoa học, giúp họ yên tâm làm việc, khắc phục được tình trạng gian dối trong cách hợp lý hóa chứng từ, hợp thức hóa dự án KH - CN khi cần bổ sung kinh phí.

Cơ chế tài chính
chưa hấp dẫn giới trẻ làm khoa học.

- Giám đốc Trung tâm vệ tinh quốc gia Ts Phạm Anh Tuấn - viện KH-CN Việt Nam: ngành công nghệ vệ tinh, tên lửa, sau khi học xong đại học sinh viên phải mất ít nhất 5 năm đào tạo ở nước ngoài với kinh phí tới mấy trăm nghìn đô la Mỹ. Nhưng tốt nghiệp xong muốn trở về nước làm việc, cống hiến nhưng cơ chế nào để giữ chân họ, chẳng nhẽ trả họ với mức lương vài triệu đồng một tháng. Rõ ràng, các cơ chế, chính sách chưa khuyến khích các bạn trẻ tham gia, đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học, nhất là các lĩnh vực nghiên cứu đặc thù.

- Viện trưởng Viện Kinh tế Ts Trần Đình Thiên: xã hội hiện đang đối xử rất không công bằng đối với những người làm công tác nghiên cứu khoa học. Lương quá thấp nên không thể thu hút được cán bộ trẻ và cán bộ giỏi trong khi đội ngũ cán bộ, viên chức có trình độ tiến sỹ, tiến sỹ khoa học, giáo sư, phó giáo sư, các nghiên cứu viên cao cấp và tương đương phần lớn đều đã về hưu hoặc sẽ về hưu trong một vài năm tới. Thiếu đội ngũ nghiên cứu kế cận sẽ là hậu quả nhãn tiền của việc không hút được người tài làm khoa học. Đây thực sự là cản trở lớn đối với nền khoa học Việt Nam.