
|
|||
Quyết liệt, thẳng thắn là không khí của phiên giải trình về “Cơ chế tài chính và huy động nguồn lực đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học, công nghệ tổ chức sáng 22/9 do Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội tổ chức để Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) giải trình về những vấn đề vướng mắc được cho là một trong những rào cản lớn nhất hiện nay đối với sự phát triển KH&CN. Chỉ chủ động quản lý được một phần trong tổng số 2% chi cho phát triển KH&CN Từ năm 2000 đến nay, hàng năm Quốc hội đều dành 2% tổng chi Ngân sách Nhà nước (tương đương 0,5%-0,6% GDP quốc gia) cho phát triển KH&CN. Đây là mức chi vào loại cao so với các quốc gia đang phát triển và với nhiều quốc gia phát triển. Bởi nhiều nước trong khu vực và thế giới tỉ lệ này chỉ khoảng 0,3-0,5% GDP. Tuy nhiên theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, nguồn lực cho KH&CN của nước ta còn bất cập ở chỗ chủ yếu dựa vào đầu tư từ Ngân sách Nhà nước (NSNN), chưa huy động được sự đầu tư từ xã hội. Trong khi, tất cả các quốc gia khác tỉ lệ đầu tư của xã hội, đặc biệt của doanh nghiệp cho KH&CN lớn hơn đầu tư của NSNN nhiều lần, dao động từ 3-5 lần, có những quốc gia lên tới 10 lần. Do đó, họ có đủ nguồn lực để đầu tư cho phát triển KH&CN.
Thứ hai là vấn đề bất cập liên quan đến xây dựng kế hoạch, xác định nhiệm vụ KH&CN và cơ chế quản lý tài chính triển khai các nhiệm vụ KH&CN. Hoạt động KH&CN hiện còn nhiều nội dung mang nặng tính hành chính, tính kế hoạch hóa của cơ chế cũ. Các nhà khoa học từ khi có ý tưởng nghiên cứu đến khi nhận được kinh phí thường mất khoảng 1 năm đến 1,5 năm. Cá biệt có những khi chuyển giai đoạn từ các kế hoạch 5 năm có thể tới 2 năm các nhà khoa học mới nhận được kinh phí nghiên cứu. Khi đó, nhiều nội dung đã không còn phù hợp với thực tiễn, lạc hậu và đặc biệt kinh phí không thể đủ đảm bảo cho công việc nghiên cứu của đề tài đó. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân trả lời câu hỏi của các đại biểu tại phiên giải trình. Ảnh: Nguyễn Hạnh Thứ ba là việc điều chỉnh kinh phí của các đề tài, dự án KH&CN. Khi các đề tài, nhiệm vụ đã được phê duyệt và đưa vào danh mục, sau đó sẽ được giao kinh phí. Nhiều khi các nguồn kinh phí này không còn phù hợp với công việc của đề tài nên phải điều chỉnh kinh phí nhưng quy trình thủ tục rất phức tạp. Các nhà khoa học khi điều chỉnh kinh phí trên 1 tỷ đồng phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Còn dưới 1 tỷ đồng, Bộ KH&CN, Bộ Tài Chính có thể trao đổi, thống nhất, nhưng thời gian chờ đợi từ 3-6 tháng. Vì thế, hầu hết các nhà khoa học rất e ngại trong việc điều chỉnh kinh phí mặc dù đây là việc bắt buộc phải làm khi kinh phí không thể đáp ứng được những nội dung của đề tài nghiên cứu.
Nặng tư duy của thời bao cấp kế hoạch hóa Trả lời câu hỏi xoay quanh vấn đề bất cập trong cơ chế quản lý tài chính triển khai các nhiệm vụ KH&CN, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng chúng ta vẫn mang nặng tư duy của thời bao cấp kế hoạch hóa. Chúng ta xây dựng kế hoạch KH&CN như xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản trong khi KH&CN có tính đặc thù. Không thể đòi hỏi định mức chi tiết trong một số trường hợp. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho rằng, Bộ Tài chính rất trân trọng thời gian và công sức của các nhà khoa học. Bộ Tài chính không xét duyệt hay cấp phát gì cả, mà cứ dành đúng 2% ngân sách đã định. Khi nào có dự án được phê duyệt là có thể ra Kho bạc rút tiền ngay. Tuy nhiên, Bộ Tài chính không thể cấp tiền theo ý tưởng được mà phải biết được nội dung nhiệm vụ được phê duyệt hoặc sản phẩm của nhiệm vụ đó. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đặc biệt, ngoại lệ. Trong phạm vi của mình, Bộ Tài chính cũng đang tìm cách để kinh phí đến nhanh nhất với nhà khoa học. Về vấn đề này, Bộ trưởng Quân cho biết, bất cập hiện nay là cứ đến ngày 31/7 hằng năm bộ phải tập hợp các đề tài, nhiệm vụ KHCN để gửi Bộ Tài chính dự trù ngân sách, mỗi năm chỉ phê duyệt một lần. Có nghĩa là những đề xuất sau ngày này phải chờ thêm một năm nữa. Bộ trưởng Nguyễn Quân thẳng thắn: Cơ chế chi của chúng ta không giống nước nào. Tất cả các nước đều dùng cơ chế quỹ KHCN, những đề xuất hợp lý là được cấp tiền ngay, tiền tiêu chưa hết sẽ được tự động chuyển nguồn sang năm sau, không phải theo năm tài chính. Chúng ta thì chi theo dự toán nên các nhà khoa học muốn rút tiền phải nộp đầy đủ chứng từ, trong khi nghiên cứu đề tài là một quá trình chứ không phải sau mỗi công đoạn nào đấy là có đủ chứng từ được. Phiên giải trình thu hút sự quan tâm của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học và cử tri trong cả nước. Ảnh: Nguyễn Hạnh Tại phiên giải trình, đại biểu Lê Bộ Lĩnh đã đặt vấn đề Việt Nam cần học điều gì từ thế giới. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã lấy ví dụ từ Nhật Bản. Khi đoàn công tác của Việt Nam hỏi tại sao được giao kinh phí lớn để nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học cho biết vì Chính phủ tin tưởng và giao kinh phí để nghiên cứu. Nhà khoa học phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng nguồn kinh phí đó. Bộ trưởng cho rằng, việc tin tưởng và giao quyền cho nhà khoa học và có cơ chế kiểm soát chặt chẽ sẽ tạo niềm tin cho các nhà khoa học, giúp họ yên tâm làm việc, khắc phục được tình trạng gian dối trong cách hợp lý hóa chứng từ, hợp thức hóa dự án khoa học mỗi khi cần bổ sung kinh phí. Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng cho rằng, trên cơ sở những vấn đề đã nêu trong phiên giải trình, đề nghị các Bộ KH&CN, Tài chính, KH&ĐT phối hợp triển khai những giải pháp, khắc phục khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về KH&CN, về đổi mới cơ chế tài chính,… Đồng thời, phối hợp với Ủy ban KH,CN&MT nghiệm thu, chỉnh lý dự án Luật KH&CN sửa đổi theo đúng tiến độ và theo hướng đổi mới mạnh mẽ cơ chế chính sách để phát triển KH&CN đảm bảo phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển đất nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững, đảm bảo quốc phòng và an ninh.
Nguyễn Hạnh |