
|
|||
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’Sor Phước: Rất nhiều ý tưởng mang tính chất nghị quyết Tôi có cảm tưởng ta nói rất nhiều những ý tưởng mang tính chất nghị quyết. Thứ hai, còn nặng vai trò đầu tư của nhà nước, chưa bật được vai trò toàn xã hội. Tổng chi cho khoa học, công nghệ theo báo cáo là nhà nước 70%, ngoài nhà nước có 30%. Chúng ta phát triển khoa học, công nghệ chưa được cao, trong khi đang sống trong một thời đại đáng lẽ nó phải phát triển mạnh hơn nữa thì phải thể hiện qua đầu tư của toàn xã hội, làm sao tiến dần toàn xã hội phải gắn tới 70%, nhà nước phải dưới 50% thì lúc đó mới gọi là tạo môi trường thực sự cho khoa học, công nghệ của quốc gia. Tôi nói đơn cử ở Mục 3, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, toàn bộ Điều 64, Điều 65, Điều 66 xem chung quy lại là gì? Là nhà nước xây dựng và khuyến khích bên ngoài tài trợ, tại sao không nói thêm doanh nghiệp và cá nhân có thể xây dựng và nhà nước hỗ trợ. Ở đây xây dựng cơ sở hạ tầng này cũng là nhà nước. Hay ở Điều 67, đọc toàn bộ 8 mục, tôi tạm thời kết luận, nôm na thôi tức là để thực hiện được Điều 67 thì phải chờ: một là phải có các dự án luật khác, phải hoàn thiện các luật khác; hai là thấp nhất phải chờ Nghị định của Chính phủ quy định. Để phát triển thị trường khoa học công nghệ thì phải chờ. Điều 68, nhà nước đầu tư, xây dựng hệ thống tổ chức dịch vụ... vai trò nhà nước thì rõ rồi nhưng phải phát huy sức mạnh của toàn xã hội. Bởi vì suy cho cùng nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng tâm xuyên suốt trực tiếp nhất là nhằm giải phóng sức lao động, đẩy mạnh được lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Chung quy lại, suy cho đến cuối cùng là cái đó. Nhà nước hình thành những thiết chế trong xã hội để làm sao giải phóng được năng lực này của quốc gia, tư tưởng chính trị có rồi, nghị quyết có rồi, không nhắc lại nhiều trong này, quan trọng là chỉ ra phải làm gì thiết chế này, nhà nước hỗ trợ cái gì và xã hội là cái gì ta phải khuyến khích. Tôi thấy thiếu mãnh liệt về việc làm sao giải phóng được tiềm năng của đất nước và huy động lực lượng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào lực lượng này… Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi: Trước hết cần “tiêu hóa” hết ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này Có lẽ trọng tâm của việc sửa đổi lần này phải đổi mới cơ chế tài chính trong khoa học, vì có tháo gỡ được cái đó mới huy động được sự đóng góp của xã hội, các nguồn lực, trí tuệ của các nhà khoa học tham gia và phát triển khoa học công nghệ. Thứ nhất, về tỷ trọng ngân sách dành cho khoa học công nghệ, tôi ủng hộ trước mắt duy trì mức 2%, nhưng thực ra nếu chúng ta có điều kiện, tức là “tiêu hóa” được thì nên ủng hộ nhiều hơn. Nhưng cũng phải nói thế này, trong các năm vừa rồi, rất nhiều lần khi đánh giá về việc thực hiện nhiệm vụ KT - XH hàng năm đều đánh giá là chưa thực hiện được hết ngân sách dành cho khoa học, công nghệ. Đó là chưa nói đến hiệu quả, chất lượng như thế nào. Có thể nói đây là một trong rất ít các lĩnh vực được giao ngân sách nhiều hơn mà không sử dụng hết. Vấn đề là do năng lực chưa “tiêu hóa” hết được sự đầu tư của Nhà nước, đồng thời là do tổ chức quản lý chưa tốt, có thể phân bổ không đúng vào nơi có khả năng thực hiện, có những người rất cần ngân sách thì không có, trong khi đó địa phương có nơi dùng một tỷ lệ rất ít, tức là phân phối không đúng vào các nơi có đủ năng lực thực hiện. Bởi vậy, nên duy trì ở mức 2% và tập trung vào việc đổi mới quản lý để làm sao phân phối, sử dụng một cách có hiệu quả và trên cơ sở đó thì mới có đủ năng lực để tiếp tục sử dụng một cách có hiệu quả ngân sách lớn hơn. Về đầu tư cho khoa học, công nghệ vẫn còn bao cấp nhiều quá, tức là phần ngân sách Nhà nước bảo đảm chiếm một tỷ trọng lớn quá, trong khi đó huy động các nguồn lực xã hội lại ít. Thực ra ngân sách Nhà nước không bao giờ, không thể bảo đảm cho các yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ vì ngân sách Nhà nước chỉ bảo đảm được một số nhiệm vụ mà Nhà nước cần phải quan tâm, ví dụ các nhiệm vụ mang tính chiến lược, các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản mang tính chất lâu dài mà tư nhân không tham gia. Để cho khoa học công nghệ thực sự phục vụ cho phát triển KT - XH, sản xuất kinh doanh thì phải có đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, điều đó không phải vì năng lực của Nhà nước không đủ cung cấp kinh phí mà vấn đề chính là nếu Nhà nước cung cấp kinh phí thì kinh phí hoạt động sẽ không hiệu quả bởi vì chính các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh đầu tư kinh phí thì mới quan tâm đến hiệu quả. Nếu nhà nước cho thì có thể họ chỉ làm tượng trưng để tiêu tiền, mang tính hình thức còn sản phẩm của hoạt động khoa học công nghệ chắc chắn không mang lại hiệu quả thiết thực, trừ những nhiệm vụ như chiến lược, nhiệm vụ về khoa học cơ bản, những nhiệm vụ về công nghệ cao... là trách nhiệm của nhà nước phải đầu tư, nhà nước quản lý. Chính vì vậy, tôi nghĩ luật này cũng phải quan tâm đến vấn đề xã hội hóa, nhưng không xã hội hóa như các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế... Việc xã hội hóa này thực ra cũng là đầu tư, tức là nguồn đầu tư ngoài nhà nước. Tính xã hội hóa ở đây hơi khác, chủ yếu là huy động nguồn lực ngoài nhà nước để phát triển khoa học công nghệ. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu: Đây có lẽ là luật có nhiều quỹ nhất… Điều 20, tôi nhất trí như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là khái niệm này không rõ. Gần đây xã hội tôn vinh doanh nghiệp dân tộc thì hôm nay tôi nghe một tên mới nữa là doanh nghiệp khoa học, công nghệ. Nhưng nội hàm ở đây là doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ để có chính sách ưu đãi, chứ không phải gọi là doanh nghiệp khoa học, công nghệ và chắc các nước cũng không gọi. Đề nghị vấn đề này cách tu chỉnh từ ngữ thế nào, nếu đưa ra các tiêu chí hoạt động trong lĩnh vực này thì được các chính sách ưu đãi, khuyến khích chứ không phải là doanh nghiệp khoa học, công nghệ. Thứ hai, lĩnh vực này chúng ta đưa ra hàng loạt các quỹ như các điều 56, 57, 58, 59, 60. Các quỹ này, tôi sợ không khả thi. Muốn khả thi được thì ít nhất có 2 Bộ ngồi đây có ý kiến ủng hộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải phân bổ ngân sách như thế nào hay Bộ Tài chính làm trụ cột, nếu không luật ra đời rất nhiều quỹ, chắc đây là luật nhiều quỹ nhất trong các luật trước giờ thông qua nhưng đưa ra xã hội không khả thi. Chắc có lẽ các bộ phải có ý kiến thêm. Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc: Nên có cơ chế để có nhiều doanh nghiệp áp dụng khoa học, công nghệ Hiện nay đang có tình trạng cơ chế tài chính cho các nhà khoa học nghiên cứu rất mắc. Cho nên làm sao giải ngân được còn vất vả hơn rất nhiều so với việc nghiên cứu. Đây là vướng mắc dẫn đến việc tiền thì có nhưng tiêu chậm hoặc không tiêu được… Thứ hai, sản phẩm, đề tài thì nhiều, rộng, nhưng đề tài này có áp dụng được trong thực tế không thì rất ít. Hầu như nghiệm thu xong lại lưu trữ trong tủ, trong kho, trong khi đó, nhiều nông dân lại nghĩ ra rất nhiều thứ rất hiệu quả và đi vào thực tế. Trong luật sửa lần này đã khắc phục được một việc là đưa ra cơ chế khoán chi, tuy nhiên khoán chi lại chi tiết quá, cụ thể quá cho nên cũng không phải. Đây chỉ quy định trong vấn đề về tài chính thôi, không nên đưa vào chi tiết quá việc này. Trong việc phổ biến luật lại đưa hình thức đối với việc thành lập các doanh nghiệp khoa học, công nghệ, tôi nghĩ rằng nếu thành lập các doanh nghiệp này thì vô hình chung lại bó gọn lại và làm hẹp đi. Bản chất các doanh nghiệp là muốn đổi mới công nghệ thường xuyên để tạo ra được giá trị sản phẩm cao, tăng tính cạnh tranh trên thương trường, bất cứ doanh nghiệp nào cũng vậy. Doanh nghiệp phải tìm cách để làm sao nắm bắt được công nghệ mới. Theo tôi, cái chính là phải đưa được cơ chế khuyến khích nhiều doanh nghiệp áp dụng được đề tài này đưa vào cuộc sống, như vậy mới có thể rộng hơn. Không phải hình thành lên một số doanh nghiệp khoa học công nghệ để áp dụng một số sản phẩm công nghệ này, như thế lại hẹp. Tôi đề nghị không nên hình thành doanh nghiệp này mà nên có cơ chế để có nhiều doanh nghiệp áp dụng khoa học, này. Cũng nên có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đặt hàng các nhà khoa học để phát triển khoa học, công nghệ phục vụ trở lại cho các doanh nghiệp, giúp đổi mới khoa học, công nghệ trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Như vậy, sẽ tạo thành một lĩnh vực về khoa học, công nghệ sôi động hơn, thực tiễn hơn, đi vào cuộc sống hơn, chứ không phải bó gọn mấy điểm này. |