
|
|||
Ða số các ý kiến cho rằng cần thiết phải sửa đổi Luật KH và CN 2000, vì đến nay nhiều điều khoản của đạo luật này không còn phù hợp bối cảnh kinh tế - xã hội, hoạt động KH và CN hiện nay và pháp luật hiện hành. Dự thảo luật được đánh giá là có nhiều bước đột phá về đổi mới chính sách đầu tư và cơ chế tài chính KH và CN... Theo đó, dự thảo Luật KH và CN (sửa đổi) gồm 80 điều, được chia thành tám chương, bỏ 14/59 điều, giữ nguyên 6/59 điều và sửa đổi 39/59 điều của Luật KH và CN hiện hành, đồng thời bổ sung 35 điều mới. Luật KH và CN (sửa đổi) sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật KH và CN hiện hành, tạo cơ sở pháp lý tốt nhất cho sự phát triển KH và CN, đáp ứng kịp thời các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Bản dự thảo Luật KH và CN sửa đổi đã được tiến hành công phu và về cơ bản đã tiếp tục thể chế hóa được những quan điểm chính sách của Ðảng và Nhà nước về phát triển KH và CN phục vụ mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững, có nhiều điều khoản mới có tính đột phá về xác định nhiệm vụ KH và CN của các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là về vai trò của Bộ KH và CN trong mọi hoạt động KH và CN của đất nước, về đổi mới chính sách đầu tư và cơ chế tài chính KH và CN theo hướng nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức và nhà khoa học, chuyển cơ chế cấp phát tài chính hiện nay sang việc cấp phát tài chính qua các quỹ KH và CN, thay đổi một số định mức chi, các hình thức thanh quyết toán,... về chính sách sử dụng nhân lực KH và CN và người tài. Theo đó, một số nét mới, được xem là có bước đột phá tạo đà cho KH và CN phát triển đó là ưu đãi đối với doanh nghiệp KH và CN. Theo đó, doanh nghiệp KH và CN được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; ưu tiên cho thuê đất, cơ sở hạ tầng, cũng như được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm, hàng hóa hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Dự thảo luật đã bổ sung thêm một mục quy định về doanh nghiệp KH và CN. Cụ thể, ngoài miễn lệ phí trước bạ, ưu tiên cho thuê đất... dự thảo đề xuất các doanh nghiệp KH và CN được hưởng chế độ ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghệ cao kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với phần doanh thu từ hoạt động KH và CN. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được ưu tiên sử dụng trang thiết bị nghiên cứu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu KH và CN của Nhà nước. Bên cạnh đó, việc phân chia lợi nhuận từ hoạt động KH và CN cũng được xác định rõ. Việc này nhằm gắn lợi ích giữa các bên trong hoạt động KH và CN, dự thảo quy định lợi nhuận thu được khi chuyển nhượng, chuyển giao kết quả nghiên cứu và phát triển được phân chia cho tác giả, cho chủ sở hữu kết quả, cho tổ chức KH và CN chủ trì thực hiện nhiệm vụ và cho người môi giới. Tỷ lệ phân chia được thỏa thuận trong hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giữa các bên. Trong trường hợp công nghệ được tạo ra do sử dụng ngân sách nhà nước thì tác giả được nhận tối đa 30% giá thanh toán chuyển giao công nghệ. Tác giả và tập thể tổ chức áp dụng thành công kết quả KH và CN được bên sử dụng kết quả KH và CN thưởng trị giá tối đa 30% thu nhập tăng thêm sau thuế trong thời hạn ba năm. Bên cạnh đó, người môi giới cho việc ứng dụng kết quả KH và CN được tạo ra bằng ngân sách nhà nước cũng được hưởng tối đa 10% giá thanh toán chuyển giao công nghệ, mức cụ thể và trách nhiệm thanh toán khoản kinh phí này do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, luật sửa đổi cần có một số điều khoản bảo đảm cho môi trường học thuật tự do và dân chủ, nhất là trong hoạt động khoa học xã hội, có những chế tài buộc các doanh nghiệp phải đầu tư cho khoa học, có những quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cấp và nhà khoa học trong thực hiện các đề tài nghiên cứu, đặc biệt trong việc thực hiện đặt hàng các đề tài trọng điểm quốc gia, về chức vụ, chức danh nhà khoa học và danh hiệu vinh dự Nhà nước còn chưa hợp lý, cần cân nhắc trao đổi thêm... |