Bản in
Đổi mới cơ chế tài chính - khâu đột phá cho phát triển khoa học và công nghệ
Hoạt động KHCN của nước ta trong những năm qua đã có nhiều khởi sắc; nhiều chính sách mới góp phần nâng cao vị thế KHCN nước nhà. Tuy nhiên, để KHCN là động lực then chốt phát triển đất nước thì phải tháo gỡ nút thắt về cơ chế tài chính, phải coi việc đổi mới cơ chế tài chính là khâu đột phá. Đó là ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học khi đóng góp ý kiến về Luật KH-CN (sửa đổi), dự kiến sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tới đây.

Nhiều cơ chế, chính sách mở

Theo báo cáo của Bộ KH-CN, trong những năm qua, Nhà nước duy trì mức đầu tư hằng năm cho hoạt động KH-CN đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước (tương đương 0,5-0,6% GDP). Cùng với đó, cơ chế, chính sách tài chính cho KHCN cũng đã được đổi mới theo hướng tăng dần tỷ lệ chi cho KHCN trong tổng chi ngân sách nhà nước và đa dạng hóa nguồn đầu tư phát triển KHCN.

Cụ thể, Bộ KH-CN đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, theo đó các doanh nghiệp được trích một phần lợi nhuận trước thuế để thành lập Quỹ Phát triển KH-CN của doanh nghiệp; tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2005 về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công lập và Nghị định số 80/2007 về doanh nghiệp KHCN đã trao quyền tự chủ cao nhất cho các nhà khoa học và các tổ chức KHCN. Và mới đây nhất là Nghị định 96/2010, có hiệu lực từ ngày 6.11.2010 đã có nhiều ưu đãi đối với doanh nghiệp KHCN, cụ thể là được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp... Bên cạnh đó, Bộ KH-CN cũng đã ban hành nhiều chính sách về quản lý tài chính tác động lớn đến sự phát triển KHCN địa phương. Cụ thể là Thông tư liên tịch số 44/2007 về định mức xây dựng, phân bổ dự toán kinh phí nhiệm vụ KH-CN và Thông tư liên tịch số 93/2006 hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước. Hai Thông tư này đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, thủ tục thu chi đơn giản hơn rất nhiều, được các nhà khoa học đánh giá cao.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban KH-CN và MT Võ Tuấn Nhân: Luật KH-CN năm 2000 đã giúp pháp điển hóa các quy định của pháp luật về KHCN, tạo cơ sở cho sự hình thành hệ thống các quy định thống nhất, đồng bộ trong lĩnh vực này, giải quyết tình trạng chồng chéo, kém hiệu quả trước đây. Nhờ đạo luật này mà trên thực tế chúng ta đã sắp xếp lại được hệ thống các tổ chức KHCN, đổi mới việc xác định, tổ chức thực hiện và đánh giá các nhiệm vụ KHCN.

Cơ chế tài chính - nút thắt cần cởi bỏ

Góp ý kiến về dự thảo Luật KH-CN (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, sau gần 12 năm triển khai thi hành, Luật KH-CN đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế, bất cập; một số cơ chế, chính sách, biện pháp được quy định trong Luật hiện hành không đủ độ thông thoáng, không còn phù hợp với việc đổi mới cơ chế hoạt động KHCN trong tình hình mới, đặc biệt về cơ chế đầu tư, tài chính cho hoạt động KHCN còn gò bó, không phù hợp với kinh tế thị trường và đặc thù của hoạt động KHCN nên chưa tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động KHCN.

Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: đầu tư cho KH-CN chưa tương xứng với vị trí quốc sách hàng đầu. Ngân sách nhà nước chỉ dành cho KH-CN được 2% nhưng không phải tỉnh nào cũng chi đủ, trong khi đó, đầu tư từ các nguồn lực xã hội cho KHCN gần như không đáng kể.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng: vướng mắc lớn nhất, điểm tắc nghẽn chủ yếu nhất trong hoạt động KHCN hiện nay chính là cơ chế tài chính. Cơ chế tài chính hiện hành trong hoạt động KHCN còn nặng tính bao cấp, không phù hợp với đặc thù và không đáp ứng yêu cầu tiến độ của hoạt động KHCN, không tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước về KHCN bảo đảm sử dụng đúng mục đích và hiệu quả nguồn kinh phí của Nhà nước cấp cho KHCN. Vì vậy, việc đổi mới cơ bản cơ chế tài chính trong hoạt động KHCN cho phù hợp là rất cần thiết và cần phải khẳng định cơ chế đổi mới này ngay trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao là Luật KH-CN (sửa đổi). Đồng quan điểm này, Đại tá Hoàng Văn Lương - Phó giám đốc Học viện Quân Y: cơ chế tài chính phải được coi là khâu đột phá trong sự phát triển KHCN. Nếu sửa đổi Luật KH-CN mà không sửa đổi về cơ chế tài chính thì mọi ý tưởng đổi mới, phát triển KHCN của đất nước sẽ khó thành công - Đại tá Lương nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, do cơ chế tài chính mà có rất nhiều nhà khoa học đã đăng ký đề tài rồi nhưng đành ngậm ngùi bỏ cuộc, bởi theo quy định từ khi đăng ký đề tài thì sau gần 2 năm họ mới được nhận tiền thực hiện, khi đó đề tài khoa học của họ hẳn không còn nóng, thậm chí giảm giá trị. Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho rằng: cơ chế về tài chính cho KH-CN hiện nay rất lạc hậu, chẳng hạn như năm 2012 muốn làm đề tài KHCN thì tháng 7.2011 Bộ KH-CN đã phải phê duyệt toàn bộ danh mục các đề tài bao gồm cả nội dung và kinh phí. Và để phê duyệt vào tháng 7.2011, Bộ KH-CN phải hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học đề xuất nhiệm vụ đó từ tháng 10.2010. Ngay từ tháng 10.2010, Bộ KH-CN đã phải có công văn hướng dẫn lập kế hoạch năm 2012 cho nhiệm vụ cấp nhà nước và phải mất ròng rã khoảng gần 8 tháng mới chốt được danh mục các nhiệm vụ năm 2012 vào trước 31.7.2011. Đến bây giờ là cuối tháng 8.2012 vẫn chưa được giao kinh phí, lẽ ra phải được giao từ đầu năm 2012. Tuy nhiên, ngay cả khi được giao đầu năm 2012 cũng đã mất đi 15 tháng chờ đợi, tính từ khi đề xuất đề tài muốn nghiên cứu đến khi nhận được tiền. Do đó nhiều nhà khoa học được giao tiền rất băn khoăn có nên làm nữa hay không, bởi đề tài đề xuất từ năm 2010 đến nay có đơn vị nào đó họ có tiền bỏ ra để làm rồi, nay mình mới nhận được thì có nên làm hay không, ảnh hưởng đến danh dự mang tiếng làm lại - Bộ trưởng Quân bày tỏ.  

Có thể khẳng định rằng, Luật KH-CN năm 2000 là hành lang pháp lý quan trọng tạo điều kiện cho KHCN phát triển và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để KHCN trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì cần phải sửa đổi Luật KH-CN cho phù hợp với tình hình mới, trong đó đặc biệt chú trọng đổi mới cơ chế tài chính nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức KHCN hoạt động theo cơ chế tự chủ; thúc đẩy đầu tư của toàn xã hội cho KHCN; tạo điều kiện cho các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu nhiều hơn và được làm chủ những tài sản trí tuệ do mình tạo ra.