Bản in
Xây dựng chính sách cơ chế và môi trường để trí thức trẻ tham gia phát triển công nghệ cao
Đây là ý kiến nhận được nhiều ủng hộ từ các nhà khoa học trong và ngoài nước tại hội thảo Trí thức trẻ tham gia phát triển công nghệ cao (CNC) vừa qua tại TP. HCM trong bối cảnh TP. HCM nói riêng và cả nước xác định CNC là lĩnh vực đang được ưu tiên phát triển và từng bước trở thành hạt nhân cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa.

 

Nhân lực mỏng, nghiên cứu khoa học khiêm tốn

Theo Quyết định số 2457/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, đến năm 2015 giá trị sản xuất công nghiệp CNC đạt khoảng 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và đến năm 2020 là 40%. Tỉ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tăng gấp đôi so với năm 2015. Để thực hiện nhiệm vụ của chương trình, Nhà nước sẽ bồi dưỡng nghiệp vụ và nâng cao trình độ chuyên môn cho 500 lãnh đạo chủ chốt của các dự án sản xuất sản phẩm CNC, 10.000 kỹ sư và những người làm công tác nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu của các dự án sản xuất sản phẩm CNC. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng sẽ huy động 500 chuyên gia tình nguyện nước ngoài, 1.000 chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động CNC tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và sản xuất sản phẩm CNC của Việt Nam.
Tại TP.HCM, theo dự báo nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015, thành phố sẽ ưu tiên phát triển nhân lực cho các ngành công nghệ, đặc biệt là CNC. Tuy nhiên, theo TS. Dương Minh Tâm- Phó trưởng Ban quản lý KCNC TP.HCM, hiện TP.HCM có 15 khu công nghiệp - khu chế xuất và 1 KCNC, nhưng có đến 65% nhân lực ở các khu này là lao động phổ thông (270.000 công nhân lắp ráp) và chỉ có 10.000 lao động có trình độ đại học. Ngay tại KCNC TP.HCM (1 trong 3 KCNC của cả nước), lao động phổ thông chiếm tới 76% (13.397 người), trong khi lao động trình độ đại học chỉ có 11,9%, mà cũng chỉ được tham gia một vài công đoạn nhỏ trong dây chuyền hiện đại, rất khó để được “chuyển giao công nghệ”. Lợi nhuận ở KCNC TP.HCM hiện nay chỉ đạt 5% tổng lợi nhuận, chủ yếu là gia công lắp ráp, đóng gói sản phẩm.
Còn theo tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên- Trường ĐH Quốc Tế TP.HCM, trí thức trẻ Việt Nam ít tham gia nghiên cứu và triển khai các đề tài nghiên cứu. bởi thực tế cho thấy sau khi nghiên cứu xong, phần lớn là các đề tài này kết thúc sau khi nghiệm thu, báo cáo khoa học và không phát triển được nữa vì không có một kinh phí hay phương hướng để sản xuất và phát triển tiếp giai đoạn 2.
Về công tác nghiên cứu khoa học, thạc sĩ Đỗ Thanh Sinh-Trung tâm Nghiên cứu triển khai KCNCTP.HCM cho rằng, nhiều doanh nghiệp trong nước quy mô nhỏ, vốn ít, không muốn đầu tư mạo hiểm vào nghiên cứu, không mặn mà với các nhà khoa học để đặt hàng nghiên cứu và nhận chuyển giao công nghệ. Ngoài ra doanh nghiệp chỉ thích nhập khẩu những sản phẩm cũng như những công nghệ có thể đưa vào sản xuất ngay, thu hồi vốn nhanh và cũng ít rủi ro hơn đồng thời không tốn nhiều thời gian nghiên cứu. Có một bộ phận trí thức trẻ không có thực sự đam mê nghiên cứu khoa học cũng như công nghệ chỉ sử dụng cơ quan hoặc đơn vị như cầu nối tạm thời cho mục đích riêng chứ không phải là nơi để họ phát triển năng lực cũng như tay nghề của họ….
 

 

Chủ động xây dựng cơ chế và môi trường phù hợp

Theo TSKH Trần Hà Anh-Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, KCNC cần áp dụng những chế độ, chính sách phù hợp nhất có thể để thu hút mạnh mẽ trí thức trẻ về làm việc tại các bộ phận quản lý và các đơn vị sự nghiệp, cũng như giúp các doanh nghiệp công nghệ cao thu hút nhân lực cần thiết cho hoạt động của mình. Những chế độ, chính sách đó liên quan đến lương bổng, điều kiện ăn ở, học hành, y tế, an sinh xã hội… Ngoài ra,còn cần những khả năng bồi dưỡng về chuyên môn như được đào tạo bổ sung theo nhu cầu của công việc, được tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học và công nghệ kể cả ở nước ngoài, được sử dụng các công cụ nghiên cứu đã được trang bị tại các phòng thí nghiệm của KCNC.
Tiến sĩ Phan Bách Thắng- Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Đại học Khoa học Tự nhiên cho rằng,để nâng cao số lượng trí thức trẻ công tác tại các KCNC nói riêng và các ngành CNC nói chung cần có 02 yếu tố cơ bản sau đây: Cần có cơ chế lương khác biệt với hệ thống lương theo thang bậc hiện nay. Yếu tố thứ 2 là cơ hội làm việc phù hợp với chuyên môn; Để cho trí thức trẻ gắn bó lâu dài và có đóng góp tri thức cần có thêm nguồn đầu tư thứ 2 ngoài tiền lương là đầu tư khởi nghiệp;Thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh theo các định hướng nghiên cứu của thành phố, của các doanh nghiệp hoạt động trong KCNC; Thành lập trung tâm chuyển giao khoa học công nghệ trực thuộc khu công nghệ cao.
 

 

Về phía DN, thạc sĩ Nguyễn Minh Thành- Giám đốc Tập đoàn HiPT tại TP.HCM, khẳng định, chúng ta đã có Trung tâm Đào tạo nguồn nhân lực CNC, cần mở rộng trung tâm này theo hướng có nhiều vệ tinh tại các trường đại học. Chúng ta phải tạo điều kiện cho các trường đại học, các sinh viên có điều kiện tiếp cận với thông tin, các thành quả mà KCNC đã đạt được; Thu hút tri thức tại chỗ thông qua việc xây dựng cơ chế riêng trong vấn đề đãi ngộ để tri thức trẻ tham gia có điều kiện cống hiến, cụ thể là chúng ta không thể áp dụng cơ chế thang bảng lương theo định mức khung như công chức. Có thể xây dựng thù lao cho tri thức theo cơ chế 30% cố định theo hạn ngạch và 70% hưởng theo đề án nghiên cứu khoa học…. Đồng thời,nên có một quỹ tài chính của Nhà nước để tiếp tục hỗ trợ phát triển cho họ sau khi nghiệm thu một đề tài nghiên cứu, gánh một phần rủi ro thì các nghiên cứu sinh, thầy giáo sẽ mạnh dạn hơn trong việc phát triển tiếp công trình nghiên cứu ứng dụng để tạo điều kiện cho nguồn chất xám tiềm năng Việt Nam phát triển mạnh trong các ngành CNC./.