
|
|||
Doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN còn thấp Đã hơn một lần, giới chức KH&CN nước nhà nói về những công trình khoa học mang lại hiệu quả, góp phần cải thiện năng suất lao động, đưa Việt Nam từ nghèo đói và xình lầy của chiến tranh, bước ra, trở thành một nước mà cả thế giới phải ghi nhận về những nỗ lực giảm nghèo. Trong điều kiện hội nhập, cạnh tranh gay gắt như hiện nay, trước sức ép từ việc phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam hướng tới trở thành nước công nghiệp hiện đại vào 2020 và phát triển vào các năm tiếp theo, vị thế và vai trò của KH&CN lại được đặt trước những thời cơ và thách thức mới. Từ nhiều bài học của các nước có hoàn cảnh tương đồng như Việt Nam trước đây như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản…sau 30 năm, họ đã trở thành hàng đầu thế giới về sự phát triển. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đi sau, kém phát triển hơn các nước bạn ít cũng vài năm, nhiều tới vài chục năm.
Hơn nữa, hiện nay cũng nổi lên một thực tế, tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước của các nước trên thế giới lại không nhiều mà chủ yếu dựa vào nguồn xã hội hóa, nguồn từ doanh nghiệp. Ngược hẳn với xu thế đó, nước ta chưa xã hội hóa tốt các nguồn đầu tư từ xã hội, đặc biệt là từ cộng đồng doanh nghiệp cho khoa học. Đặc biệt, có một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp lại cho rằng, trách nhiệm đầu tư KH&CN là của nhà nước. Trong một lần nói chuyện mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, 2% tổng chi ngân sách quốc gia mà Quốc hội đã dành cho KH&CN từ năm 2000 là con số không hề nhỏ, tương đương 0,5 – 0,6% GDP của Việt Nam. Đây là tỷ lệ rất cao so với thế giới, trong khi Nhật Bản chỉ đầu tư có 0,36%, Hoa Kỳ là 0,4%, Hàn Quốc 0,45%...GDP quốc gia cho KH&CN. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho rằng, hiên nay tổng đầu xã hội cho KH&CN rất thấp. Chúng ta không huy động được sự đầu tư của xã hội, đặc biệt là của doanh nghiệp. Hiện đầu tư cho KH&CN của khối doanh nghiệp chỉ bằng ½ đầu tư từ ngân sách nhà nước. Điển hình như năm 2011, ngân sách nhà nước đầu tư gần 700 triệu USD cho KH&CN, đầu tư của xã hội chỉ là 300 triệu USD. Nhiều doanh nghiệp đã thành công Thời gian gần đây, bên cạnh những doanh nghiệp trông chờ bao cấp, ỷ lại vào các khoản đầu tư từ nhà nước đã có không ít doanh nghiệp đã thành công từ việc coi trọng đầu tư cho nghiên cứu, phát triển KH&CN. Đầu tiên đó là bài học về sự thành công của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Tập đoàn này năm 2010 đã thành lập Viện nghiên cứu riêng, theo mô hình của các tập đoàn lớn trên thế giới. Viettel đã trích 10% lợi nhuận trước thuế cho Quỹ phát triển KH&CN, tương đương với 2.500 tỷ đồng. Với mức đầu tư như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, các sản phẩm quan trọng bậc nhất phục vụ cho ngành công nghệ thông tin và viễn thông mà viện nghiên cứu nói trên của Viettel làm ra đã đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển doanh nghiệp và giá chỉ bằng 1/3 so với giá thị trường. Ủy viên BCH TWĐ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân thăm nhà máy gạch Cotto, Giếng Đáy Tiếp đến là câu chuyện từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Trước yêu cầu về sự phát triển công nghệ, phục vụ ngành khai thác, năm 2009 PVN đã phối hợp với Bộ KH&CN chế tạo các thế hệ giàn khoan mới, đáp ứng đòi hỏi của hoạt động khai thác dầu khí đặt ra. Kết quả là, dàn khoan tự nâng 90 mét nước đã được ra đời. Với những nỗ lực của các nhà khoa học trong nước, chúng ta đã tự thiết kế, làm chủ công nghệ chế tạo giàn khoan, đưa Việt Nam vào danh sách 1 trong 10 quốc gia trên thế giới và là 1 trong 3 quốc gia châu Á đủ năng lực chế tạo dàn khoan tự nâng 90 mét nước và 120 mét nước.
Hay như ở Công ty Thoát nước đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco), từ 10 tỷ đồng vốn điều lệ, đến nay Công ty đã tăng số vốn lên hơn 41 tỷ đồng. Từ con số không về nhân lực trình độ cao, nay Công ty đã có 62 kỹ sư chuyên ngành. Công ty đang làm chủ đầu tư 10 dự án với tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng, trong đó có 4 dự án vốn ODA. Một ví dụ điển hình từ hiệu quả nghiên cứu và sáng tạo của các kỹ sư ở Busadco là sử dụng vật liệu chế tạo thiết bị được tận dụng từ nguồn phế thải nên chi phí thấp. Công ty chỉ phải bỏ ra khoảng 10 – 15 triệu đồng là có một cụm phương tiện nạo vét cống, năng suất tăng gấp 10 lần so với làm thủ công, giảm cường độ lao động cho người thợ. Những ví dụ nêu trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân đó là những tín hiệu đáng mừng để giúp cho KH&CN của Việt Nam phát triển và cũng là tín hiệu cho thấy doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu quan tâm, KH&CN là động lực để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. |