Đó là những điểm mới của Thông tư liên tịch số 36/2011/TTLT/BKHCN-BTC-BNV ngày 26 tháng 12 năm 2011 (viết tắt là TT 36) của liên Bộ KH&CN, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ được giới thiệu tại hội thảo về triển khai Thông tư 36 do Bộ KH&CN tổ chức mới đây.
TT 36 là Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 12/2006/TTLT-BKHCN-BTC-BNV hướng dẫn thực hiện Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 5.9.2005 về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập.
Các tổ chức KH&CN đã năng động hơn
Thời gian qua, để tạo hành lang pháp lý cho quá trình chuyển đổi cơ chế của các tổ chức KH&CN công lập, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ Tài Chính, Bộ Nội vụ xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 115/2005/NĐ-CP (NĐ 115) quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức KH&CN công lập, Nghị định 80/2007/NĐ-CP (NĐ 80) về doanh nghiệp KH&CN, Nghị định 96/2010/NĐ-CP sửa đổi một số điều của NĐ 115 và NĐ 80 và các thông tư hướng dẫn thực hiện.
Đây là những văn bản pháp lý rất quan trọng để các tổ chức KH&CN, các nhà khoa học được thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chuyển mạnh quản lý KH&CN từ cơ chế hành chính, bao cấp sang cơ chế thị trường. Đồng thời cũng là những chủ trương có tính chất đột phá trong đổi mới quản lý hoạt động KH&CN nhằm tăng cường trách nhiệm và nâng cao tính tích cực, chủ động, năng động, sáng tạo của tổ chức KH&CN, thủ trưởng tổ chức KH&CN. Tạo điều kiện gắn nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với sản xuất, kinh doanh và đào tạo nhân lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN, góp phần tăng cường tiềm lực KH&CN của đất nước...
Theo thông tin từ Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN), trong tổng số 585 tổ chức KH&CN công lập có báo cáo (388 tổ chức thuộc các bộ, ngành và 197 tổ chức thuộc địa phương) có 228 tổ chức thuộc các bộ, ngành (chiếm 72%) và 39 tổ chức thuộc các địa phương (chiếm 20%) đã được phê duyệt Đề án; còn 160 tổ chức thuộc các bộ, ngành (chiếm 28%) và 158 tổ chức thuộc các địa phương (chiếm 80%) đang xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án.
Đến nay, hầu hết các tổ chức đã được tự chủ trong thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Ngoài kinh phí hoạt động thường xuyên do Nhà nước giao, các tổ chức luôn tích cực trong việc tham gia tuyển chọn, xét chọn thực hiện các nhiệm vụ KH&CN do Nhà nước đặt hàng, tích cực liên kết với các tổ chức, cá nhân để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN khác. Nhiều tổ chức có nguồn kinh phí từ các nhiệm vụ KH&CN, dịch vụ KH&CN lớn hơn rất nhiều so với kinh phí hoạt động thường xuyên do Nhà nước cấp. Ví dụ, Viện KH&CN Giao thông Vận tải, kinh phí hoạt động thường xuyên do Nhà nước cấp hàng năm khoảng 11 tỉ đồng, nguồn thu từ các hợp đồng nghiên cứu và dịch vụ gần 90 tỉ đồng; Viện KHCN Xây dựng, kinh phí hoạt động thường xuyên là 3,2 tỉ đồng, nguồn thu từ các hợp đồng nghiên cứu, dịch vụ 244 tỉ đồng.
Về tài chính, đến nay 26% tổ chức KH&CN đã tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên, 27% tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động thường xuyên, còn lại 47% do Nhà nước cấp toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên.
Thay đổi phương thức cấp kinh phí cho các tổ chức KH&CN công lập
Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN) cho biết, TT 36 gồm những nội dung chính: bổ sung 2 loại hình tổ chức KH&CN vào khoản 3 Điều 4 Nghị định 115 là tổ chức KH&CN hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành và Tổ chức KH&CN phục vụ quản lý Nhà nước. Cùng với đó, TT 36 bổ sung quy định áp dụng với tổ chức KH&CN công lập thành lập sau ngày 5.10.2005.
TT 36 cũng nêu rõ nhiệm vụ của các tổ chức KH&CN gồm nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng; nhiệm vụ KH&CN của Nhà nước và các nhiệm vụ khác.
Về phương thức cấp kinh phí hoạt động thường xuyên, kể từ ngày 1.1.2014, Nhà nước sẽ thay đổi phương thức cấp tiền lương và tiền chi hoạt động bộ máy cho các tổ chức KH&CN công lập. Cụ thể, trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ KH&CN của Nhà nước có tiền lương và tiền chi hoạt động bộ máy. Riêng các tổ chức KH&CN theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 115 đã được Nhà nước bảo đảm tiền lương và tiền chi hoạt động bộ máy theo phương thức khoán nên trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của các tổ chức này sẽ không có khoản tiền lương và tiền chi hoạt động bộ máy.
Về thời hạn xây dựng và phê duyệt Đề án, TT 36 chỉ rõ: Tổ chức KH&CN quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 Nghị định 115 trình cơ quan có thẩm quyền trước ngày 30.9.2012; cơ quan có thẩm quyền thẩm định và quyết định phê duyệt Đề án trước ngày 31.12.2012. Tổ chức KH&CN quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định 115 trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án trước ngày 30.6.2012.
Các tổ chức được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp là các tổ chức KH&CN tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên; tổ chức KH&CN chưa tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên nhưng đáp ứng đủ các điều kiện: tự bảo đảm trên 10% kinh phí hoạt động thường xuyên; có đề án sử dụng tài sản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, được bộ, cơ quan trung ương hoặc uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt...
Tại hội nghị triển khai Thông tư 36 mới đây, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, NĐ 115, NĐ 80, NĐ 96 và các thông tư hướng dẫn triển khai tạo hành lang pháp lý vững chắc giúp các tổ chức KH&CN có cách thức hoạt động và hướng đi phù hợp, được “cởi trói” trong hoạt động của mình. Mục đích của việc triển khai các văn bản này là làm sao để các tổ chức KH&CN hoạt động có hiệu quả nhất. Đó là sợi chỉ xuyên suốt trong tất cả các văn bản.
Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị thuộc bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu kỹ các văn bản của Nhà nước; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ KH&CN để thực hiện tốt các văn bản này. Bộ KH&CN sẽ chủ động làm việc với các bộ, ngành có liên quan về những vấn đề còn vướng mắc để có thể hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị hoạt động trong thời gian tới.
Đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động của các tổ chức KH&CN theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về KH&CN, đó là “đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động KH&CN, xem đó là khâu đột phá để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả của KH&CN; chuyển các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; phát triển các doanh nghiệp KH&CN...”.
Thời gian qua, Bộ KH&CN và một số bộ, ngành liên quan đã dành sự quan tâm lớn đến vấn đề này và đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng, giúp các tổ chức KH&CN có hành lang pháp lý thuận lợi để hoạt động. Những vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng đã được đưa ra và sửa đổi kịp thời trong các văn bản nói trên. Việc đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động của các tổ chức KH&CN theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm đến nay đã có những kết quả khả quan. Tuy nhiên, công việc này cần được đẩy mạnh hơn nữa mới có thể đáp ứng đúng lộ trình, kế hoạch và mục tiêu đề ra trong các văn bản đã ban hành, đặc biệt là đến hết ngày 31.12.2013, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức dịch vụ KH&CN chưa tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên phải tổ chức theo một trong hai hình thức là tổ chức tự trang trải kinh phí hoặc doanh nghiệp KH&CN.
Để làm được điều đó, nếu chỉ có nỗ lực của Bộ KH&CN thì chưa đủ, còn cần có sự góp sức của các bộ, ngành liên quan nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các tổ chức KH&CN công lập chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hình thành lực lượng sản xuất mới là các doanh nghiệp KH&CN với những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao xuất phát từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
Nguyễn Hạnh |