Bản in
Doanh nghiệp sẽ phải trích lợi nhuận trước thuế đầu tư cho khoa học
Luật Khoa học và Công nghệ (KHCN) sau 12 năm ban hành đang trong quá trình sửa đổi và sẽ trình Quốc hội tới đây. Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cho biết, trong lần sửa đổi này sẽ có quy định bắt buộc doanh nghiệp (DN) phải nộp ít nhất 5% lợi nhuận truớc thuế đầu tư cho khoa học.
Trao đổi với phóng viên, Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ, từ năm 2000, nhà nước đã chi 2% ngân sách cho KHCN, tương đương 0,5 - 0,6% GDP. Đây là tỷ lệ có thể không thấp so với thế giới, tuy nhiên, ở các nước khác trên thế giới, còn sự tham gia cao của DN và xã hội đầu tư vào KHCN cho nên tổng đầu tư cho KHCN của họ là rất lớn. Ví dụ như Trung Quốc, nhà nước chỉ đầu tư 0,4% GDP, nhưng tổng đầu tư của xã hội vượt 2,5% GDP.
Còn ở Việt Nam đầu tư cho KHCN, vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, mà chưa có sự tham gia của DN cũng như toàn xã hội, và đó chính là một trong những lý do quan trọng khiến KHCN của Việt Nam chưa phát triển và theo kịp được với các nước khác trên thế giới. Trong khi, hiện tại, theo thống kê ở Việt Nam, có trên 500.000 DN nhỏ và vừa và nếu tất cả DN VN đều trích 10% lợi nhuận trước thuế cho KHCN, thì chúng ta đã có nguồn ngân sách gấp đôi nhà nước.
Thực tế, trong các luật khác cũng đã có quy định về việc này nhưng còn ở mức độ sơ sài. Bộ KHCN đã sớm nhìn nhận ra và đã định lồng ghép, sửa đổi trong một số luật khác, ví dụ luật thuế, luật ngân sách… Nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, vì Bộ KHCN không phải là cơ quan chủ trì các Luật trên cho nên khi tiếp thu ý kiến rất hạn chế và vì thế ý tưởng của Bộ không đạt được 100%.
Chẳng hạn, năm 2008, khi Luật Thuế thu nhập DN được đưa ra lần đầu có điều khoản DN phải trích ít nhất 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho KHCN. Tuy nhiên khi bàn thảo ban hành, điều khoản này đã bị sửa lại thành “được trích” có nghĩa là DN không bị buộc phải trích lợi nhuận trước thuế để đầu tư vào khoa học. Điều này đã dẫn đến việc số DN đầu tư vào khoa học công nghệ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Do đó, Bộ KHCN đang dự kiến đưa vào Luật KHCN, và việc sửa đổi Luật KHCN là một trong 4 công việc lớn của Bộ KHCN trong năm nay. Mục tiêu ngành này đặt ra tới 2015 sẽ phải có 1,5% GDP đầu tư cho KHCN (trong đó, nhà nước 0,5% và xã hội là 1%). Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế khó khăn, nếu bắt DN nộp 10% lợi nhuận trước thuế cho đầu tư khoa học cũng khó khăn, do đó, Bộ chỉ định yêu cầu 5%. “Nếu không bắt buộc DN đầu tư thì không bao giờ đủ tiền để phát triển KHCN quốc gia. Nói cách khác, quốc gia nào khai thác được đầu tư của DN vào KHCN thì mới phát triển được, nếu không nhà khoa học chỉ trong tháp ngà,” ông Quân thẳng thắn nói.
Cũng theo vị lãnh đạo Bộ KHCN, khi DN đầu tư cho khoa học thì khoa học cũng sẽ quay trở lại hỗ trợ đổi mới công nghệ cho chính DN cũng như tạo ra các sản phẩm mới có tính cạnh tranh và thỏa mãn được tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của thị trường quốc tế. Như năm 2010 Viettel thành lập viện nghiên cứu riêng và dành 10% lợi nhuận trước thuế (tương đương 120 triệu USD) đầu tư vào khoa học. Đến nay, đơn vị này đã gặt hái được một số thành tựu quan trọng, đã sản xuất được ra các thiết bị thay thế việc nhập khẩu.
 

 

Tuy nhiên, ông Quân cũng thừa nhận, khi đưa những ý tưởng trên vào Luật KHCN cũng sẽ gặp phải một số luồng ý kiến khác. Ví dụ đưa những quy định về thuế, người ta sẽ cho rằng không phải đưa vào luật này mà nên đưa vào luật thuế hay về xây dựng ngân sách, chính sách đãi ngộ cũng có Luật Ngân sách, Luật Viên chức... Song, nếu như chúng ta cứ chờ các luật khác để đưa những chính sách đổi mới vào thì một là chưa biết đến khi nào, hai là Bộ KHCN không chủ trì các luật chuyên ngành ấy thì những ý tưởng đổi mới cũng sẽ không được tiếp thu một cách đầy đủ./.