|
||||
Phát biểu khai mạc, đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Trong dòng chảy chung của sự phát triển KHCN, mỗi giai đoạn đòi hỏi phải có sự đổi mới về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, quản lý nguồn nhân lực, hiệu quả quản lý về khoa học cho theo kịp cách thức và xu thế của thế giới để hoạt động KHCN đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước. Đây là vấn đề có nhiều điểm mới, nên đồng chí Phạm Văn Linh đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận sâu vào các kết quả đã đạt được, đồng thời chỉ ra các điểm còn “nghẽn“ trong tổ chức hoạt động KHCN để từ đó đưa ra các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KHCN, góp phần tăng cường tiềm lực KHCN của đất nước. Đề cập đến công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống KHCN, ông Trần Văn Ngợi, Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ đưa quan điểm: Mặc dù công tác quản lý nhà nước đối với KHCN trong thời gian qua đã có những đổi mới theo hướng tích cực, góp phần tạo điều kiện và thúc đẩy cho các tổ chức KHCN phát triển, nhưng cũng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân là do cơ chế, chính sách quản lý nhà nước còn hạn chế như: các tổ chức này vẫn chưa được quyền chủ động thực sự trong tuyển dụng và quản lý nhân lực; chính sách sử dụng, đãi ngộ đói với các viên chức KHCN còn nhiều hạn chế; đầu tư tài chính cho hoạt động KHCN còn khiêm tốn…
Vì vậy, theo ông Trần Văn Ngợi, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực trên, trước hết, cần có nhận thức đúng về hoạt động KHCN cũng như những đặc thù trong tổ chức, hoạt động của các tổ chức KHCN. “Không nên đánh đồng hoạt động KHCN với các hoạt động công khác”- ông Ngợi nhấn mạnh. Theo đó, nên áp dụng cơ chế khoán đối với đề tài khoa học; tiếp tục hoàn thiện các thể chế, chính sách để phục vụ việc chuyển đổi các tổ chức KHCN sang hình thức tự chủ; hướng dẫn cụ thể về mô hình quản lý thống nhất hoạt động khoa học các bộ trong điều kiện tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Đặc biệt, cần tạo môi trường pháp lý thông thoáng, dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của viên chức KHCN vì sự phát triển đất nước.
Nhấn mạnh đến việc cần thiết phải đổi mới cơ chế hoạt động của tổ chức KHCN công lập, ông Trần Quốc Khánh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KHCN chỉ ra rằng, thời gian qua nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo điều hành các tổ chức KHCN thực hiện cơ chế tự chủ, một phần xuất phát từ tư tưởng e ngại khi thực hiện cơ chế này các đơn vị trên sẽ bị giảm quyền lực. Bên cạnh đó, sự thiếu đồng bộ giữa các quy định của nhà nước về quản lý, sử dụng viên chức nhà nước với các quy định về thực hiện cơ chế tự chủ đối với các tổ chức KHCN; việc giao tài sản, quyền sử dụng đất cho các tổ chức KHCN khi thực hiện cơ chế tự chủ còn gặp nhiều vướng mắc hay tiềm lực về tài chính và trình độ của cán bộ nghiên cứu của một số tổ chức còn yếu cũng là những hạn chế, nguyên nhân dẫn đến tiến độ triển khai thực hiện cơ chế trên chậm. Theo đó, ông Trần Quốc Khánh đề xuất, cần xác định việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các tổ chức KHCN là nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế tự chủ đối với các tổ chức KHCN, trong đó tập trung vào việc thay đổi phương thức cấp kinh phí hoạt động thường xuyên cho các tổ chức KHCN bằng việc đưa kinh phí hoạt động thường xuyên vào kinh phí thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức KHCN; quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức này trong việc quản lý, sử dụng tài sản, quyền sử dụng đất do Nhà nước giao khi thực hiện cơ chế tự chủ. Có biện pháp đầu tư phát triển, nâng cao tiềm lực cho các tổ chức về tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất để các tổ chức KHCN đủ mạnh và có thể tự chủ thực sự khi chuyển sang tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào hoạt động KHCN, đa dạng hóa các nguồn tài chính, tạo tiền đề cho việc nâng cao năng lực tự chủ của tổ chức..../.
|