Bản in
Khoa học Việt Nam đã mất động lực?
Tình trạng KH-CN trì trệ kéo dài quá lâu vì ngay nhiều đối tượng trong cuộc cũng không có động lực tiến hành đổi mới... Nhiềú ý kiến thẳng thắn đã được nêu ra tại Hội thảo “Đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ” tổ chức tại Hà Nội ngày 3/7.

Hội thảo do Ban tuyên giáo Trung ương cùng với Bộ KH-CN đồng tổ chức. Nội dung nhằm thu thập ý kiến đóng góp xây dựng Đề án “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” trình Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào tháng 10/2012.

Rối...

KH-CN hiện nay còn nhiều cái “chưa”... Các tổ chức KH-CN vẫn chưa được giao quyền chủ động thực sự trong tuyển dụng và quản lý nhân lực. Các quy định về quyền hạn, trách nhiệm của các viên chức khoa học, công nghệ cũng như cá nhân người đứng đầu tổ chức KH-CN còn chưa cụ thể, rõ ràng-TS Trần Văn Ngợi, Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ cho biết.

Tình trạng “chảy máu chất xám” trong các tổ chức KH-CN vẫn đang diễn ra mà chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả, đội ngũ viên chức khoa học có trình độ cao và chuyên sâu đầu ngành đang bị mai một dần. Còn lực lượng trẻ đang bị hụt hẫng nghiêm trọng mà nguyên nhân chủ yếu là do chế độ, chính sách sử dụng, trọng dụng đãi ngộ đối với các viên chức KH-CN. Hệ thống thang bảng lương đối với đội ngũ viên chức KH-CN mới chủ yếu căn cứ vào thâm niên công tác, chưa chú trọng đến yếu tố hiệu quả công việc, chưa phản ánh đúng mức chênh lệch về trình độ chuyên môn cũng như đòi hỏi của công việc đang đảm nhiệm. Chính sách trọng dụng, khen thưởng và tôn vinh cán bộ viên chức KH-CN còn mang nặng dấu ấn của tư tưởng bao cấp, cào bằng, bình quân chủ nghĩa, hành chính hóa, đồng nhất chính sách đối với viên chức KH-CN với chính sách chung của công chức hành chính. 

TS Đặng Kim Sơn: "Yếu tố cản trở lớn nhất cho hoạt động của của các cơ quan KH-CN công lập hiện nay chính là thiếu động lực cho đội ngũ cán bộ..."

Ở góc độ khác, TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, tiềm lực KH-CN ngành NN-PTNT không thiếu, tổng số cán bộ làm công tác nghiên cứu tại các viện là trên 8 nghìn người, đầu tư cho KH-CN thuộc ngành NN-PTNT trung bình mỗi năm tăng từ 11-12%, cho khuyến nông tăng 15%/năm.

“Sự đầu tư này đã thể hiện sự ưu tiên vô cùng đáng quý. Thế nhưng, liệu khoản đầu tư này đã được khai thác và sử dụng có hiệu quả hay chưa?”, TS Sơn đặt câu hỏi.

Và ông cũng thẳng thắn bộc bạch ý kiến của mình: “Rõ ràng là chưa. Thực tế cho thấy, yếu tố cản trở lớn nhất cho hoạt động của của các cơ quan KH-CN công lập hiện nay không phải là kinh phí hay cơ sở vật chất mà chính là thiếu động lực cho đội ngũ cán bộ. Nguyên nhân chính của việc cán bộ không có động lực là do chính sách và thể chế quản lý khoa học bất hợp lý”, TS Sơn, nói.

TS Đặng Kim Sơn cũng nói thẳng: “Sở dĩ tình trạng KH-CN trì trệ kéo dài quá lâu vì chẳng những phạm vi đổi mới quá lớn mà ngay nhiều đối tượng trong cuộc cũng không có động lực tiến hành đổi mới. Cơ quan quản lý nhà nước không muốn mất quyền, một số cán bộ làm công tác quản lý không muốn mất lợi. Ngược lại, bản thân nhiều đơn vị KH-CN công lập cũng có không ít các cán bộ nghiên cứu chỉ quen hoạt động nghiên cứu kinh viện nên vẫn muốn bám vào bao cấp nhà nước”. 

Gỡ cách nào?

Theo TS Ngợi, hiện nay nhiều nhà quản lý đánh đồng hoạt động KH-CN với hoạt động dịch vụ công khác như y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch, thậm chí như hoạt động sản xuất kinh doanh mà chưa coi khoa học, công nghệ là một loại hình lao động đặc thù và chưa có quan niệm đúng về giá trị sản phẩm do lao động này mang lại. 

Cần cởi trói để thúc đẩy phát triển KH-CN. Ảnh chụp cán bộ Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Tổng cục TC-ĐL-CL) đang kiểm tra chất lượng thực phẩm


Giao quyền tự chủ hơn nữa cho người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp KH-CN được các nhà khoa học tán thành. Việc giao quyền tự chủ giúp người đứng đầu chủ động xây dựng và thực hiện phương án tổ chức công việc, sắp xếp lại bộ máy, sử dụng lao động và nguồn lực tài chính để hoàn thành nhiệm vụ được giao, phát huy mọi khả năng của đơn vị để cung cấp dịch vụ với chất lượng cao cho xã hội, tăng nguồn thu nhằm từng bước giải quyết thu nhập cho đội ngũ viên chức KH-CN của đơn vị mình.

Tuy nhiên, một vấn đề khác cũng quan trọng không kém là vấn đề kinh phí cho KH-CN. Có mặt tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu ý kiến: “Khi xây dựng kế hoạch KH-CN thì Bộ GTVT, Bộ Y tế, Liên hiệp Các hội khoa học-kỹ thuật Việt Nam… nếu đã thống nhất với Bộ KH-CN và Bộ Tài chính là bao nhiêu tiền rồi thì chúng tôi sẽ bố trí tiền về thẳng các đơn vị cần phải sử dụng tiền đó, tránh tình trạng cầu cấp quá rườm rà khiến tiền KH-CN rất nhiều mà đang ứ lại khiến chúng tôi rất mang tiếng”.

Bà Minh cũng nói thêm: “Chúng tôi không muốn ôm tiền làm gì vì tiền đó chúng tôi cũng đâu có tiêu được do vướng quá nhiều thủ tục hành chính trói buộc”.