|
|||
Bỏ “chủ nghĩa bình quân” Theo thống kê của Bộ KH-CN, từ năm 1996 đến nay, số tổ chức KH-CN ở nước ta từ 519 đã lên đến 1.513 đơn vị. Nguồn nhân lực là cán bộ trực tiếp hoạt động KH-CN cũng tăng từ 22.300 người lên tới hơn 60.500 người. Hiện nay cả nước có trên 4,2 triệu người có trình độ cao đẳng trở lên, trong đó có 24.00 tiến sĩ, 101.00 thạc sĩ và 2,7 triệu người có trình độ đại học... Tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng, chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ này còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước. Nguyên nhân của thực trạng này có nhiều, trong đó không thể không nhắc đến việc chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này rất bất cập. Theo đó, nhà khoa học dù làm nhiều, làm ít hoặc không làm gì nhưng nếu thuộc danh sách biên chế, trả lương của tổ chức KH-CN công lập thì vẫn được ngân sách trả lương. Ngoài ra, khi nghiên cứu đề tài, dự án lại được hưởng thêm phụ cấp và đây mới chính là thu nhập chính của đa phần các nhà khoa học hiện nay. Mặt khác, phần lớn cán bộ KH-CN đều tự tìm nguồn kinh phí để thực hiện tự đào tạo. Các nguồn kinh phí để thực hiện chính sách đào tạo và đào tạo lại cán bộ còn mang tính chất “mưa cho khắp”, chưa mang tính cạnh tranh cao nên không có tác động nhiều đến tạo động lực nghiên cứu cho cán bộ KH-CN. GS-TSKH Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, không thể ban hành một chính sách đãi ngộ chung cho tất cả giới khoa học mà cần phải phá bỏ “chủ nghĩa bình quân”. Hãy công tâm chọn ra những nhà khoa học có trình độ, xây dựng những nhóm khoa học mạnh và đầu tư thật xứng đáng để có kết quả nghiên cứu tốt.
Thiếu hụt người giỏi
Mặc dù số lượng cán bộ KH-CN cũng như người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ khá đông, nhưng Thứ trưởng Trần Văn Tùng thừa nhận, hiện nay tình trạng hụt hẫng đội ngũ làm KH-CN đang diễn ra và đang thiếu các nhà khoa học, các tổng công trình sư có trình độ cao và năng lực chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng quy mô quốc gia và quốc tế. GS Vũ Minh Giang cảnh báo, chỉ 5 - 7 năm nữa, nước ta sẽ thiếu hụt trầm trọng đội ngũ cán bộ khoa học trẻ có trình độ. Nguyên nhân là do “đầu vào” của các trường đào tạo về khoa học cơ bản đang thoi thóp. Năm 2012, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận được rất ít hồ sơ đăng ký tuyển sinh từ các trường THPT danh tiếng và ngành khoa học xã hội nhân văn lại càng giảm hơn. Từ năm 2006, Bộ KH-CN đã xây dựng Đề án đào tạo cán bộ khoa học theo êkíp và Đề án sử dụng, trọng dụng cán bộ KH-CN, tập trung vào nội dung: Thí điểm áp dụng cơ chế tự chủ đặc biệt về tài chính đối với các nhà khoa học được Nhà nước giao chủ trì nhiệm vụ KH-CN đặc biệt cấp quốc gia; thí điểm áp dụng cơ chế tự chủ tài chính đặc biệt đối với cán bộ KH-CN xuất sắc được giao nhiệm vụ ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH-CN tại các trường ĐH, các tổ chức KH-CN trọng điểm. Ngoài ra, sẽ ban hành bổ sung một số chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài và các nhà khoa học người nước ngoài đến làm việc ở Việt Nam. Tuy nhiên, không hiểu do đâu, chủ trương chính sách này chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. |