Bản in
Đãi ngộ giới trí thức là tạo điều kiện cho sáng tạo
Không nên quan niệm rằng đãi ngộ giới trí thức giống như đãi ngộ người có công hay đối tượng chính sách. Trước hết, phải tạo điều kiện để nhà khoa học được sáng tạo...

Thứ trưởng Bộ KH-CN Nghiêm Vũ Khải cho biết, trong Chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2011-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tập trung thực hiện đồng bộ ba nhiệm vụ chủ yếu đó là: Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH-CN; tăng cường tiềm lực KH-CN quốc gia; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, gắn nhiệm vụ phát triển KH-CN với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, các ngành, địa phương. Trong đó, chủ trương trọng dụng trí thức, trọng dụng nhân tài là một vấn đề rất cấp bách cần được giải quyết kịp thời.

- Phóng viên: Chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2011 – 2020 đặt ra mục tiêu đến 2020, giá trị sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45%GDP, vậy đâu là cơ sở để chúng ta đặt ra mục tiêu trên,  thưa ông?

- Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải: Việt Nam phấn đấu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 thì vào thời điểm đó giá trị sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao phải đạt được ở mức khoảng 45%GDP. Đó là mục tiêu cần phải đặt ra và thực hiện bằng được.

- Trong Chiến lược có nói đến việc sẽ triển khai mô hình hợp tác công-tư trong lĩnh vực KH-CN; phát triển các hình thức hợp tác nghiên cứu, đổi mới công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực giữa khu vực công và tư, xin ông nói rõ hơn về vấn đề này?

- Thực ra, mô hình hợp tác công tư hiện nay rất phổ biến ở nhiều quốc gia. Ở nước ta mô hình này cũng đang được triển khai sâu rộng trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong lĩnh vực KH-CN cho đến nay sự đóng góp của các tổ chức ngoài công lập còn rất hạn chế. Đẩy mạnh xã hội hóa, xúc tiến hơp tác công tư trong hoạt động KH-CN là chủ trương xuyên suốt cần chỉ đạo thực hiện trong cả giai đoạn đến năm 2020.

Hợp tác công tư cần được triển khai ngay từ khâu xây dựng nhiệm vụ KH-CN cũng như trong cả quá trình thực hiện, chia sẻ trách nhiệm và kết quả nghiên cứu, ứng dụng…

Trong Luật KH-CN, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng quy định cơ chế ưu đãi, khuyến khích tổ chức cá nhân tham gia đầu tư nghiên cứu, thương mại hóa những sáng chế, phát minh. Quyền sở hữu các phát minh, sáng chế có được từ những hoạt động nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước có thể được giao miễn phí hoặc với giá ưu đãi đặc biệt để triển khai ứng dụng kịp thời, sản xuất thử, sản xuất quy mô hàng hóa.

Nghị định 115/2005/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm cũng là một giải pháp để huy động đóng góp của xã hội, giải phóng và phát huy sức sáng tạo của lực lượng sản xuất và mọi nguồn lực cho hoạt động KH-CN.

- Nhiều nhà khoa học cho rằng, chính sách mà chúng ta đang áp dụng cho những người làm công tác nghiên cứu khoa chưa khuyến khích lao động sáng tạo. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Chúng ta có chủ trương trọng dụng trí thức, trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, trên thực tế giới khoa học, công nghệ chưa thực sự được đào tạo và sử dụng hợp lý, đãi ngộ chưa thỏa đáng. Đây là một vấn đề rất cấp bách cần được giải quyết kịp thời.

Hợp tác Việt- Hàn trong lĩnh vực sinh học giúp Việt Nam có thể tiếp cận những công nghệ về y học hiện đại nhất (Ảnh: Ngũ Hiệp)

Chính sách đãi ngộ gắn với chăm lo đào tạo và sử dụng hiệu quả đội ngũ trí thức. Không nên quan niệm rằng đãi ngộ giới trí thức giống như đãi ngộ người có công hay đối tượng chính sách. Trước hết, phải tạo điều kiện để nhà khoa học được sáng tạo, cống hiến tài năng, tâm huyết cho đất nước. Trên cơ sở đó, nhà khoa học được hưởng thụ sự đãi ngộ tương xứng với giá trị đóng góp của họ. Có như vậy mới thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài một cách bền vững được,

- Ông đánh giá thế nào về lực lượng doanh nghiệp KH-CN Việt Nam hiện nay?

- Doanh nghiệp là trung tâm đổi mới, sáng tạo công nghệ; là lực lượng đầu tư chủ yếu cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ. Ở những nước phát triển, đầu tư của doanh nghiệp cho KH-CN lớn hơn nhiều đầu tư của Nhà nước.

Doanh nghiệp ở nước ta, kể cả doanh nghiệp nhà nước chưa chú trọng đầu tư cho KH-CN. Chưa coi đầu tư cho KH-CN là điều kiện sống còn để cạnh tranh, tồn tại và phát triển. Một số đáng kể doanh nghiệp thành công nhờ vào các yếu tố phi công nghệ.

Vì vậy, không những phải đổi mới cơ chế khuyến khích hoạt động của KH-CN mà cần phải điều chỉnh căn bản, toàn diện cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng và các yếu tố kinh tế vĩ mô buộc doanh nghiệp cũng như toàn xã hội phải lấy KH-CN làm nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững. 

- Theo ông, khó khăn lớn nhất để KH-CN phát triển là gì?

- Có rất nhiều khó khăn như: tiềm lực KH-CN thấp; đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu, sử dụng nguồn đầu tư chưa hiệu quả; hoạt động KH-CN còn mang nặng tính bao cấp, chưa thích ứng với điều kiện nền kinh tế thị trường…

Trình diễn cung cầu công nghệ tại Tp. Hồ Chí Minh năm 2011: Tàu đệm khí do ĐH Bách khoa TP.HCM nghiên cứu, chế tạo (Ảnh: Thu Hiền)

Trước tình hình đó, hệ thống cơ chế, chính sách KH-CN đang được rà soát lại một cách toàn diện và căn bản để đáp ứng yêu cầu mới, nhiệm vụ mới trong giai đoạn đến năm 2020.

Nhiệm vụ trọng tâm, như đã được xác định trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI là: đổi mới cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực; đẩy mạnh ứng dụng và tăng cường hội nhập quốc tế về KH-CN.

- Xin cảm ơn ông!

Mai Hà - Phương Nga (thực hiện)