|
|||||
Ngày nay, được biết đến với những công trình nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ, và nghiên cứu quốc tế trong lĩnh vực xử lý thông tin đa phương tiện, với những đề tài nghiên cứu công nghệ cao có tính ứng dụng thiết thực trong đời sống, như nghiên cứu phát triển căn hộ thông minh trợ giúp người mắc bệnh Alzheimer, nghiên cứu hệ thống cảnh báo y tế dựa trên phân tích âm thanh, công nghệ dẫn hướng người mù, v.v. Nhưng trước khi có được những thành công này, MICA đã phải trải qua một quá trình kiên trì xây dựng lực lượng nhân sự của mình từ một đội ngũ ban đầu vô cùng mỏng (tính tại thời điểm thành lập hồi tháng 11 năm 2002, nhân sự của MICA chỉ có hai chuyên gia kiêm cán bộ quản lý). Trong bối cảnh như vậy, một chiến lược phù hợp trong hợp tác quốc tế đã giúp MICA từng bước phát triển và cải thiện thực lực của mình.
Mấu chốt giúp hợp tác quốc tế đem lại thành công cho MICA không phải từ những khoản vốn dồi dào của nước ngoài. GS.TS. Phạm Thị Ngọc Yến – Viện trưởng Viện MICA cho biết, kể từ khi thành lập đến nay, phần vốn từ phía Việt Nam, trong đó bao gồm cơ sở vật chất do ĐH Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN) cung cấp cho MICA, luôn chiếm từ 50%-80%. Đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn ban đầu, phần đầu tư từ đối tác bên Pháp thuần túy chỉ là con người và đào tạo, trong đó TS. Eric Castelli là chuyên gia làm việc thường xuyên duy nhất tại Viện ở Việt Nam. Tuy số lượng cán bộ ban đầu từ phía Việt Nam cũng như Pháp dành cho MICA không nhiều, nhưng họ đều là những con người tâm huyết với công việc, và đây có thể coi là một tác nhân rất quan trọng đem lại thành công cho MICA. Những hạt nhân đầu tiên của MICA, như GS.TS. Nguyễn Trọng Giảng (nay là Hiệu trưởng ĐHBKHN), GS. Yến, và TS. Castelli, đã miệt mài chung tay gây dựng cơ đồ cho MICA. Đặc biệt là TS. Castelli, với kinh nghiệm, trình độ, và uy tín cùng quan hệ học thuật của mình, đã góp phần quan trọng giúp định hình nên một viện nghiên cứu chuyên nghiệp. Ông cũng đã đưa về cho MICA hàng chục dự án nghiên cứu quốc tế, với nguồn kinh phí hàng trăm nghìn Euro.
Tuy nhiên, mọi hoạt động của một cơ quan nghiên cứu chỉ có thể triển khai thực hiện khi đã có một đội ngũ nhân lực mạnh. Trong bối cảnh đội ngũ nhân lực ban đầu quá mỏng, lại không có nguồn tài lực dồi dào để ngay lập tức thu hút các chuyên gia giỏi về làm việc cho mình, MICA đã phải kiên nhẫn tự ươm trồng, gây dựng nhân lực từ những bước sơ khai nhất. Từ lúc thành lập năm 2002 tới 2009, Viện đã phối hợp với đối tác Pháp đào tạo được 15 tiến sĩ, trong đó tất cả đều từng là cử nhân của ĐHBKHN và được hướng dẫn làm luận văn thạc sĩ tại MICA. Trong số 15 tiến sĩ này, 12 người đã quyết định gắn bó làm việc lâu dài với MICA. Với chế độ lương bổng về cơ bản không có gì khác biệt giữa những cán bộ ở MICA và những cán bộ khác của ĐHBKHN (theo báo cáo của MICA, mức thu nhập bình quân tháng của cán bộ Viện năm 2011 là 7 triệu VND), yếu tố giúp thu hút và giữ chân các nhà nghiên cứu chính là môi trường làm việc chuyên nghiệp, thuận lợi cho công việc. MICA với tư cách là một viện nghiên cứu quốc tế có đủ uy tín và những mối quan hệ học thuật để đăng ký thành công nhiều đề tài, dự án nghiên cứu. Bên cạnh đó, việc tham gia thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu, đặc biệt là các đề tài quốc tế, đã đem lại nguồn kinh phí cần thiết giúp MICA tiếp tục hoàn thiện thêm hệ thống trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm và cơ sở vật chất phục vụ cho công việc của các nhà nghiên cứu. Đồng thời, các dự án nghiên cứu cũng giúp bổ sung thêm thu nhập, tăng động lực cùng sự gắn bó của đội ngũ cán bộ, và ngày càng thu hút thêm nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh, chuyên gia trong nước cũng như quốc tế, đến thực tập và làm việc ở Viện. Ngày nay, MICA không chỉ đào tạo ra các tiến sĩ người Việt Nam, mà còn phối hợp đào tạo cả những tiến sĩ nước ngoài, từ Pháp, Mỹ, Lào, và Campuchia. Nghiên cứu, phát triển rôbôt trợ giúp trong bảo tàng tương tác bằng tiếng nói và cử chỉ; Tương tác bằng tiếng nói với rôbôt iRobiQ Giữa các cán bộ, chuyên gia của MICA thường xuyên diễn ra những cuộc thảo luận, nhằm phát triển các thông tin và ý tưởng thành những đề tài nghiên cứu. Sự trao đổi một cách cởi mở này là một cách giúp khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên con người của Viện, không chỉ giúp tận dụng được thông tin mà cả những mối quan hệ học thuật của từng cá thể. Đây là điều quan trọng giúp MICA dành được nhiều dự án nghiên cứu, đặc biệt là trong bối cảnh ngày nay đa số các dự án đều mang tính liên ngành cao, đòi hỏi mỗi viện nghiên cứu phải tìm ra những đối tác có khả năng chuyên môn phù hợp giúp bổ sung thế mạnh cho nhau trong việc đăng ký và thực hiện các dự án. Các nhà nghiên cứu Việt Nam và Pháp đang phân tích dữ liệu tiếng nói tại Viện MICA (ảnh Eric Castelli) Trong quá trình hoạt động, MICA vẫn thường xuyên gửi báo cáo về tình hình hoạt động của Viện cho các đối tác nước ngoài là Viện Đại học Bách khoa Quốc gia Grenoble và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp, là những tổ chức có uy tín cao và nhiều kinh nghiệm trong quản lý khoa học, từ đó nhận được những đề xuất, khuyến nghị rất hữu ích từ các tổ chức này. Tuy nhiên, những đối tác nước ngoài cũng thường có những nguyên tắc và mối ưu tiên riêng, và việc dung hòa những đặc thù này với các mục tiêu ưu tiên từ phía Việt Nam là rất quan trọng. Trong trường hợp của MICA, do đối tác nước ngoài đều là những tổ chức thiên về nghiên cứu cơ bản, luôn có những đòi hỏi nghiêm túc về tính học thuật trong các hoạt động và sản phẩm nghiên cứu của MICA, trong khi các nhà quản lý khoa học của Việt Nam lại thường chú trọng hơn tới những sản phẩm có tính ứng dụng cao, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường. Theo GS. Yến, để dung hòa những khác biệt này, điều quan trọng là giữa các đối tác có những thỏa thuận rõ ràng và cụ thể, đi đến những thống nhất bằng văn bản ngay từ ban đầu về định hướng và các nguyên tắc phát triển, hoạt động của Viện. Như vậy, có thể thấy rằng quá trình hình thành và phát triển của MICA không quá nhanh chóng, nhưng chắc chắn, bền vững, là một mô hình hợp tác quốc tế mà các trường và viện nghiên cứu khác nên xem xét tham khảo. Mô hình ấy chú trọng vào yếu tố con người, luôn tập trung vào việc gây dựng, duy trì tài nguyên con người, bao gồm cả những chuyên gia quốc tế và trong nước, đồng thời xây dựng một môi trường phù hợp để phát huy hiệu quả nguồn lực quý giá này. Theo GS. Yến, để một mô hình hợp tác quốc tế thành công, rất cần có những chuyên gia có kinh nghiệm của nước ngoài làm việc lâu dài ở Việt Nam để giúp gây dựng nên một tổ chức nghiên cứu mạnh. “Có như thế họ mới gắn bó, coi công việc ở Việt Nam là đứa con tinh thần của mình”, GS. Yến nhấn mạnh. Bà cũng cho rằng môi trường ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là điều kiện kinh tế xã hội, đang ngày một phát triển đi lên, giúp tăng sự thuận lợi để có thêm nhiều chuyên gia nước ngoài tìm đến làm việc tại Việt Nam.
|