Bản in
Tháo gỡ vướng mắc cơ chế để khai thác tiềm năng KH&CN
Vừa qua, đoàn khảo sát của Ban tuyên giáo TW và Bộ KH&CN đã có buổi làm việc với Viện KH&CN Việt Nam. Tại buổi làm việc này, nhiều ý kiến của các nhà khoa học cho rằng cần phải tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách để khai thác tối đa tiềm năng xây dựng Viện KH &CN Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.

Nguồn lực đáng tự hào

Ông Hà Duy Ngọ, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Viện KH&CN Việt Nam cho biết, Viện là đơn vị dẫn đầu trong cả nước về nghiên cứu cơ bản. Số lượng các công bố khoa học quốc tế của Viện chiếm gần 50% công bố quốc tế của cả nước về KH&CN. Viện luôn đi đầu trong các nghiên cứu và ứng dụng về công nghệ cao như: công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ vật liệu mới, công nghệ vệ tinh viễn thám, công nghệ vũ trụ,…

Nhiều nghiên cứu, đổi mới công nghệ của các nhà khoa học đã tạo ra sự thay đổi căn bản trong sản xuất, điển hình như việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu về công nghệ gen, tế bào động – thực vật, công nghệ vi sinh,..tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chịu bệnh tốt, bò sữa cao sản, các chế phẩm phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu thảo mộc được áp dụng rộng rãi, ứng dụng công nghệ gen trong việc định danh hài cốt liệt sĩ. Hoàn thành nhiều quy trình sản xuất vaccine thành phẩm như: vaccine cúm gia cầm H5N1, thuốc cắt cơn cai nghiện ma túy Hentos, sản xuất artemicinin phòng chống sốt rét góp phần làm giảm số bệnh nhân sốt rét.

Nhiều kết quả nghiên cứu của Viện đã được chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả tại một số vùng sâu, vùng xa, hải đảo, tại nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế xã hội thiết thực. Viện đã nghiên cứu và áp dụng thành công công nghệ xử lý nước phèn, nước lợ, nước ô nhiễm và lắp đặt hàng ngàn trạm xử lý nước phục vụ đồng bào, chiến sỹ tại các vùng sâu và biên giới, nhiều bệnh viện tuyến huyện. Áp dụng công nghệ xử lý nước thải khó phân hủy đảm bảo vệ sinh môi trường tại các đô thị, khu công nghệ, vùng nuôi trồng hải sản.

Tuy nhiên, theo ông Hà Duy Ngọ trong quá trình thực hiện triển khai các nhiệm vụ còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Kinh phí hoạt động của Viện, đặc biệt là kinh phí đầu tư phát triển còn quá thấp so với nhu cầu hoạt động của Viện KH&CN Quốc gia đầu đàn. Ngân sách nhà nước hiện nay dành cho hoạt động KH&CN của cả nước đạt mức 2% tổng chi ngân sách, tính trung bình trên đầu người là con số quá thấp so với khu vực.

Một số chính sách của Nhà nước chưa phù hợp với thực tế, còn nhiều bất cập dẫn tới chưa phát huy hết tiềm lực hiện có như bất cập trong việc triển khai thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ, trong việc tổ chức thực hiện Nghị định 115, Nghị định 96 của Chính phủ về cơ chế tự, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN.

Để khai thác tối đa tiềm năng, tạo ra nhiều hơn nữa những sản phẩm khoa học ứng dụng vào trong đời sống cần có chính sách thích hợp, tăng đầu tư cho KHCN để tăng cường cơ sở vật chất, hệ thống phòng thí nghiệm, đặc biệt là chính sách đãi ngộ cho các nhà khoa học,...ông Ngọ chia sẻ.

Tầm nhìn chiến lược

Trên thực tế hiện nay sự phát triển KH&CN của Viện vẫn chưa được như kì vọng. Hiện tưởng “chảy máu” chất xám vẫn còn xảy ra khá phổ biến, đầu tư phát triển, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều hạn chế. Những khó khăn trên nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế chính sách vẫn có nhiều bất cập, chưa có đủ cơ chế phù hợp tạo động lực cho các đơn vị nghiên cứu cũng như các nhà khoa học cống hiến.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng những bất cập trên hiện nay vẫn còn tồn tại trong hoạt động KH&CN. Tiền để đầu tư cho nghiên cứu cho nghiên cứu không có nhiều nhưng rơi vào tình trạng dàn trải mang tính chất cấp theo mục tiêu phân phối để đơn vị nào cũng có kinh phí hoạt động chứ chưa tập trung dành cho phát triển từng nhiệm vụ, từng sản phẩm quốc gia.

Ông Phan Ngọc Minh – Phó Trưởng Ban kế hoạch – tài chính Viện cho biết: cần phải có cơ chế đặc thù cho Viện KH&CN Việt Nam. Hiện nay, kinh phí hoạt động của Viện được cấp ngân sách nhà nước với mức tăng trung bình khoảng 10% một năm. Tuy nhiên, so với chỉ số lạm phát quốc gia thì phần kinh phí tăng thêm còn thấp, chưa đủ để bù trượt giá.

Để thu hút nhiều hơn nữa các nhà khoa học, trong thời gian qua Viện KH&CN Việt Nam đã phối hợp cùng các Bộ, cơ quan có liên quan xây dựng Đề án thành lập Học viên KH&CN để tập trung đào tạo nguồn nhân lực KH&CN ở các viện chuyên ngành, đồng thời giúp các Viện chuyên ngành tham gia công tác đào tạo, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để thu hút chuyên gia giỏi trong và ngoài nước về cộng tác với Viện. Trong thời gian tới, Viện xây dựng “Cơ sở nghiên cứu và phát triển công nghệ cao của Viện KH&CN Việt Nam tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc” để nâng cao tiềm lực KH&CN.

Với những kết quả nghiên cứu khoa học đã đạt được cho thấy hoạt động khoa học và công nghệ đã có nhiều đóng góp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc xã hội hóa hoạt động KH&CN, thu hút chuyên gia giỏi... vẫn gặp nhiều trở ngại, đòi hỏi sắp tới phải có sự thay đổi cơ bản về chính sách cũng như sự quan tâm của lãnh đạo và xã hội về hoạt động có tính đặc thù này....

Thủ tướng Chính Phủ đã phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. đến năm 2020 Viện KH&CN VN phải đạt trình độ tiên tiến ở khu vực Đông Nam Á, và đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến ở Châu Á.

Đến năm 2020 xây dựng 10 tổ chức KH&CN trọng điểm có uy tín quốc tế, có đủ năng lực giải quyết những nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng của quốc gia, đào tạo nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao.
Một vài con số ấn tượng khác: 35 viện nghiên cứu chuyên ngành và tổ chức sự nghiệp trực thuộc; 01 Học viện khoa học và công nghệ; 15 doanh nghiệp khoa học và công nghệ; 3500 cán bộ biên chế, 1700 cán bộ hợp đồng; 05 tạp chí nghiên cứu đạt chuẩn mực quốc tế; số lượng công trình công bố quốc tế, sáng chế đăng ký bảo hộ giai đoạn 2011-2020 tăng gấp ba lần so với giai đoạn 2001-2010, giai đoạn 2021-2030 tăng gấp hai lần giai đoạn 2011-2020.

 

Ánh Tuyết