Bản in
Chuyển đổi thể chế của các cơ quan nghiên cứu triển khai – kết quả và bài học
Nhằm học tập kinh nghiệm từ thực tiễn của quá trình chuyển đổi thể chế các cơ quan nghiên cứu và triển khai của Trung Quốc, rút ra những bài học kinh nghiệm cho quá trình triển khai Nghị định 115, ngày 17/5/2012, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Chuyển đổi thể chế của các cơ quan nghiên cứu triển khai Việt Nam và Trung Quốc – Kết quả và những bài học”.

Tham dự hội thảo, về phía Trung Quốc có đại diện các đơn vị: Viện Nghiên cứu Chiến lược Phát triển KH&CN, Viện Nghiên cứu kỹ thuật công nghiệp in ấn bao bì xanh Bắc Kinh, Viện Nghiên cứu thông tin KH&CN Hắc Long Giang, Sở KH&CN tỉnh Quảng Tây,… Về phía Việt Nam, có đại diện một số Bộ, ngành; Viện KH&CN Việt Nam, Viện KHXH Việt Nam và các đơn vị chức năng thuộc Bộ KH&CN; Sở KH&CN và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN của một số tỉnh;…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những vấn đề về tình hình thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập tại Việt Nam; Đổi mới để phát triển nhảy vọt; Diễn biến và cải cách, đổi mới cơ chế Trung Quốc; Xây dựng cơ chế đổi mới và cải cách thể chế các tổ chức KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp Trung Quốc; Cải cách cơ cấu các tổ chức nghiên cứu KH&CN công lập; kinh nghiệm cải cách của một số viện nghiên cứu của Trung Quốc;…

Theo đó, các đại biểu kiến nghị để chuyển đổi thể chế các cơ quan nghiên cứu và triển khai, Việt Nam cần xây dựng chính sách đồng bộ để thực thi thuận lợi; hoàn thiện cơ chế khuyến khích và ràng buộc, tránh xung đột về lợi ích mục tiêu; khai thác và phát huy tối đa tiềm năng KH&CN trong nước; tranh thủ được đội ngũ tri thức và công nghệ tiên tiến của các nước;…

Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, để chuyển đổi thành công, rất cần sự quyết tâm cao; có một ban lãnh đạo quyết liệt và đội công tác nòng cốt đủ mạnh, có nhiệt huyết; xây dựng tầm nhìn cụ thể, rõ ràng cho từng giai đoạn; lập kế hoạch chi tiết từng bước thực hiện; xây dựng quy trình cho các lĩnh vực như tiếp thị, thương mại, quản lý dự án, khai thác sở hữu trí tuệ hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế;…

Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ Nguyễn Mạnh Cường: để chuyển đổi thành công, rất cần sự quyết tâm cao. (Ảnh HH)

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Quốc Khánh – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN cho biết, đổi mới cơ chế hoạt động của các tổ chức KH&CN là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để cụ thể hóa chủ trương đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức công lập; Nghị định số 96/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115 và Nghị định số 80/2007/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN.

Qua 7 năm thực hiện, nhiều tổ chức KH&CN ở Việt Nam đã chuyển đổi thành công, tạo đà phát triển mới mạnh mẽ trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, trong quản lý, tạo động lực cho các nhà khoa học tích cực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới của đất nước.

Ông Trần Quốc Khánh – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ hy vọng đại biểu hiểu rõ hơn về quá trình chuyển đổi. (Ảnh HH)

Trong quá trình triển khai thực hiện, Việt Nam xem trọng việc học tập kinh nghiệm của nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Những nội dung Trung Quốc tiến hành rất gần với điều kiện của Việt Nam. Qua Hội thảo này, các đại biểu Việt Nam sẽ hiểu rõ hơn về quá trình chuyển đổi thể chế các cơ sở nghiên cứu triển khai của Trung Quốc, từ đó rút ra bài học cho quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý, giải quyết những khó khăn tồn tại để đến năm 2013, Việt Nam có thể hoàn thành việc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập.

Nguyễn Hạnh – Phương Nga