|
|||
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, công tác tuyên truyền KH&CN vẫn còn nhiều hạn chế. Việc phổ biến, khai thác và sử dụng thông tin KH&CN phục vụ cho nghiên cứu của các nhà khoa học đã là vấn đề khó, việc tuyên truyền thông tin ra cộng đồng lại càng khó hơn. Tuy nhiên, yêu cầu của hoạt động thông tin KH&CN trong giai đoạn mới đòi hỏi đội ngũ trực tiếp làm công tác thông tin cũng như các nhà khoa học cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, nhằm đưa nhanh và rộng kết quả nghiên cứu để ứng dụng vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu chung về phát triển thị trường công nghệ, phù hợp với quá trình chuyển đổi phương thức hoạt động. Đặc biệt liên quan đến đầu ra, phát triển thị trường thông tin, góp phần thúc đẩy thị trường công nghệ. TS. Bùi Văn Quyền, Vụ trưởng, Cơ quan đại diện Bộ KH&CN tại TP.Hồ Chí Minh cho rằng, yêu cầu đổi mới công tác truyền thông KH&CN cần theo hướng gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học ở các viện, trường với doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc đưa viện, trường gần hơn với doanh nghiệp, nhà khoa học gần hơn với doanh nhân đã được đặt ra những năm gần đây và ngày càng cấp thiết. Đây chính là cơ hội đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền KH&CN, trong đó đẩy mạnh loại hình thông tin mở cho công chúng, xã hội, sản xuất...
Theo đề án khung triển khai nhiệm vụ về tuyên truyền hoạt động KH&CN giai đoạn 2007-2010, chiến lược vẫn là tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về KH&CN. Làm sao để mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội hiểu rõ được nội dung cơ bản của các chính sách Nhà nước đối với hoạt động KH&CN, đặc biệt là các văn bản luật pháp mới, như: Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chuyển giao công nghệ... Ông Phạm Ngọc Minh, Phó Vụ trưởng, Bộ KH&CN, nói rằng: “Đề án khung đã đi hết gần 2/3 chặng đường. Đến thời điểm này, các cơ quan truyền thông nên rà soát, đánh giá hiệu quả các hình thức và nội dung công tác tuyên truyền KH&CN trong phạm vi Bộ KH&CN và trên phạm vi toàn quốc”.
Nhiều nhà báo có mặt tại hội thảo cũng đưa ra nhiều ý kiến xác đáng. Như cần tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu cho phóng viên chuyên viết về KH&CN, những quy trình nghiên cứu khoa học, hiểu được các hoạt động khoa học, đồng thời, cung cấp những kiến thức cơ bản để cho đội ngũ phóng viên có cái nhìn khái quát công tác thông tin trong quản lý. Hiện nay, mối quan hệ giữa phóng viên và nhà khoa học vẫn còn nhiều khoảng cách, dường như các nhà khoa học không có thiện chí cung cấp thông tin hoặc bình luận về một vấn đề liên quan. Vì vậy, cần có sự quan tâm giữa nhà khoa học với giới báo chí nhiều hơn... Bà Đoàn Nguyễn Thùy Trang, Phó Tổng biên tập Báo Khoa học Phổ thông, cho rằng: “Đội ngũ phóng viên cần có sự chuyên nghiệp, nâng cao vị thế trong nghề nghiệp để nhận ra ý nghĩa của sự kiện KH&CN. Đồng thời, đòi hỏi phóng viên hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực, có khả năng phán xét, đầu óc phê phán và đôi khi cũng cần có tầm nhìn xa hơn”...
Ông Phạm Ngọc Minh, Phó Vụ trưởng, Bộ KH&CN, nhấn mạnh: Ban tổ chức cần ghi nhận những ý kiến của các nhà báo để có những giải pháp thích hợp, nhằm nâng cao công tác truyền thông hoạt động KH&CN trong thời gian tới. Việc nâng cao vai trò chỉ đạo, điều hành hoạt động tuyên truyền KH&CN, được coi là nhiệm vụ quan trọng, nhằm khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ không chỉ ở cơ quan đơn vị, địa phương, mà còn phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Để làm được điều này, cần đưa nhiệm vụ tuyên truyền KH&CN là nhiệm vụ chính, có chương trình hoạt động hàng năm, phải bố trí và nhân lực hợp lý. |