Tại buổi làm việc, PGS. TS. Phạm Hồng Tung, Trưởng Ban KH&CN - ĐHQG Hà Nội cho biết, hiện nay ĐHQG Hà Nội có một lực lượng đông đảo cán bộ nghiên cứu khoa học có trình độ cao. Cụ thể, ĐHQG Hà Nội có tới 3.475 cán bộ, viên chức cơ hữu, trong đó có 1.878 người là giảng viên, với 46 GS, 262 PGS, 21 TSKH, 700 TS và 960 Th.S. Tỷ lệ giảng viên có trình độ TS trở lên 37.5 %, tỷ lệ giảng viên có học hầm GS, PTS đạt trên 17.1% cao nhất trong toàn bộ hệ thống giáo đại học cả nước.
Với một đội ngũ cán bộ nghiên cứu trình độ cao nhiều năm qua ĐHQG Hà Nội đã có nhiều thành tích nghiên cứu khoa học nổi bật. Trong giai đoạn 2006 – 2010, ĐHQG Hà Nội đã hoàn thành 130 đề tài, dự án cấp nhà nước; triển khai trên 1000 nhiệm vụ KH&CN cấp bộ và tương đương; hơn 700 đề tài nghiên cứu cấp bộ và hàng trăm đề tài, dự án phục vụ thực tiễn cho các địa phương, bộ, ngành. Bên cạnh đó, số bài báo khoa học được công bố trong nước và quốc tế tương đối cao. Năm 2009 có 169 bài, năm 2010 lên 172 bài và năm 2011 là 165 bài. ĐH QG Hà Nội hiện nay là đơn vị dẫn đầu cả nước về công bố các kết quả nghiên cứu KH&CN chuyển giao tri thức, công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế và các công trình chuyên khảo. Nhiều công trình được nhận giải thưởng KH&CN có uy tín.
Tuy nhiên, theo ông GS. TS. Mai Trọng Nhuận – GĐ ĐHQG Hà Nội cho biết, những năm qua đầu tư của nhà nước cho ĐHQG cũng đã nhiều đổi mới, mỗi năm đều có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu. Đời sống của cán bộ nghiên cứu vẫn rất khó khăn chưa yên tâm dành tâm huyết cho công tác nghiên cứu.
Ông Nhuận cho rằng, để giải quyết những vấn đề còn nhiều tồn tại trên cần phải đổi mới tư duy, quan niệm về hoạt động KH&CN trong trường đại học; tháo gỡ những bất cập về chế độ tài chính đối với hoạt động KH&CN; có cơ chế tài chính đặc thù hút nhân tài và khuyến khích nghiên cứu khoa học đỉnh cao. Trường ĐHQG Hà Nội sẵn sàng nhận làm đầu mối thí điểm các chính sách đổi mới KH&CN và trường mong muốn được TW Đảng và Chính phủ đặt hàng giải quyết những vấn đề về KH&CN đặt ra trong thực tiễn.
Một số đại diện của ĐHQG Hà Nội cũng nhận định, hầu như tất cả các nước trên thế giới đều có các trường đại học hoa tiêu. Những trường đại học như vậy sẽ là đơn vị đi đầu trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu mũi nhọn, tên tuổi của các trường này thường gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng ở Việt Nam chưa có trường đại học kiểu như vậy. Trong thời gian tới rất mong muốn Việt Nam sẽ có hướng đi như vậy, trường ĐHQG sẵn sàng làm đơn vị thí nghiệm cho những chính sách mới.
Muốn có một đội ngũ cán bộ khoa học giỏi cần nhanh chóng đổi mới cơ chế khuyến khích, đãi ngộ nhân tài thì KH&CN mới thực sự có sức hút tạo ra sức mạnh để xây dựng đất nước, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn – Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh.
Tin, ảnh: Hoàng Anh
|