Bản in
Sớm có những chính sách phù hợp cho hoạt động KH&CN
Sớm có những chính sách hợp lý thúc đẩy sự liên kết giữa viện, trường – doanh nghiệp; gắn nghiên cứu với chuyển giao công nghệ; quản lý chặt chẽ đầu vào và đầu ra của các đề tài nghiên cứu…, đó là những vấn đề chính được đưa ra trong buổi làm việc của Đoàn khảo sát liên ngành với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

Tại buổi làm việc, ông Tạ Đức Thịnh - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Môi trường, Bộ GD& ĐT cho biết, trong giai đoạn 2006 – 2012, ngân sách Nhà nước đầu tư cho hoạt động KH&CN của Bộ GD&ĐT là 1.676 tỷ đồng, tăng trung bình là 8%/1 năm. Với nguồn kinh phí này cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đào tạo nghiên cứu khoa học của trường thuộc Bộ GD&ĐT đã được cải thiện rõ rệt, nhất là các trường đại học trọng điểm.

Tuy nhiên, mặc dù đã được cải thiện nhưng cơ sở vật chất các phòng thí nghiệm của các trường vẫn thiếu và lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu khoa học của các trường, viện. Đặc biệt trong là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các nghiên cứu phải theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Bộ GD&ĐT nảy sinh nhiều khó khăn, mà theo đại diện của Bộ GD&ĐT thì những khó khăn này chủ yếu là do bất cập trong cơ chế.

Ông Tạ Đức Thịnh cũng cho rằng, mặc dù cán bộ khoa học công tác trong ngành giáo dục chiếm gần 60% lực lượng khoa học cả nước nhưng con số đầu tư cho ngành còn rất khiêm tốn. Số lượng các nhà khoa học có trình độ cao, có bài báo công bố quốc tế ngày càng giảm. Tình trạng đó là do nhiều lý trong đó việc chưa có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nhà khoa học. Việc thúc đẩy sự gắn kết giữa viện, trường và doanh nghiệp không nên chỉ hô khẩu hiệu mà cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể. Kiến nghị Bộ KH&CN đề nghị lên Chính phủ sớm có văn bản hướng dẫn rõ ràng để các viện, trường thực hiện.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - Trần Quang Qúy cũng cho rằng, trong thời gian tới cần sửa đổi một số quy định trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Đó là nên có cơ chế quản lý chặt chẽ cả đầu ra và đầu vào cho các đề tài nghiên cứu. Gắn trách nhiệm đối với các chuyên gia đánh giá đề tài từ khâu tuyển chọn cho đến nghiên cứu và triển khai kết quả nghiên cứu. Bên cạnh đó, cần phải gắn nghiên cứu khoa học với việc đào tạo tiến sĩ bắt buộc…, có như vậy nghiên cứu khoa học mới thực sự có giá trị đối với với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Thứ trưởng Bộ KH&CN - Trần Văn Tùng yêu cầu Bộ GD&ĐT cần bổ sung những số liệu trong hoạt động từ 1996 đến nay để có cái nhìn toàn diện về hoạt động KH&CN của Bộ. Thứ trưởng cho biết, những ý kiến, kiến nghị của Bộ GD&ĐT trong buổi làm việc hôm nay sẽ được tiếp thu và nghiên cứu để có những chỉnh sửa phù hợp hơn trong đề án sắp tới.

Đây là buổi làm việc nằm trong chương trình khảo sát một số mô hình tập đoàn đang có hoạt động KHCN có hiệu quả của Ban Tuyên giáo, Bộ KH&CN nhằm phục vụ việc xây dựng Đề án “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” trình Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) vào tháng 10/2012.

 

Tin, ảnh: P.H