Bản in
Quỹ Phát triển Khoa học và công nghệ Quốc gia “Cứu cánh” cho các nhà koa học trẻ
Trong số các đề tài nghiên cứu cơ bản được Quỹ Phát triển KHCN quốc gia (NAFOSTED) hỗ trợ, trên 50% chủ nhiệm đề tài có độ tuổi dưới 45 và khoảng 20% dưới 20. Với các nhà khoa học trẻ, Quỹ được xem như địa chỉ tin cậy và là “người bạn” đồng hành…

Khẳng định thương hiệu

Với mục tiêu phát triển năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ, hình thành các tập thể nghiên cứu mạnh có năng lực nghiên cứu ở trình độ quốc tế đến nay Quỹ NAFOSTED đã tài trợ 487 đề tài cho ngành khoa học tự nhiên. Việc Quỹ tài trợ cho nghiên cứu cơ bản (NCCB) đã được cộng đồng các nhà khoa học đánh giá là bước đột phá trong quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học ở Việt Nam.

Trên thực tế, Chương trình hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu của NAFOSTED đã tạo điều kiện cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ có điều kiện phát huy khả năng của mình cũng như có cơ hội tiếp cận với sinh hoạt chuyên môn ở trình độ quốc tế. Việc giao lưu với các học giả hàng đầu là kinh nghiệm quý báu cho các bạn trẻ học hỏi để phát triển sự nghiệp nghiên cứu của mình. Đây cũng là một trong những hướng đi để xây dựng nguồn nhân lực KHCN cho đất nước. Nhận xét về vai trò của Quỹ từ khi thành lập. PGS.TS. Nguyễn Phúc Dương, Phó Viện Trưởng Viện Đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu cho biết: “ Bên cạnh các chương trình nghiên cứu trước đây của Nhà nước cũng như các nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu của các Bộ, ngành, tài trợ của Quỹ đã góp phần tăng thêm số lượng các đề tài NCCB và tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ phát huy kiến thức và các sáng kiến của mình”. Theo TS. Dương, Quỹ được xây dựng theo mô hình các nước  có nền khoa học công nghệ phát triển nên chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành khoa học tự nhiên cũng như xã hội, đưa nền khoa học và công nghệ nước nhà hội nhập quốc tế.

Là một trong nhiều nhà khoa học trẻ được Quỹ tài trợ, PGS.TSKH Nguyễn Quang Diệu, giảng viên Khoa Toán trường Đại học Sư phạm Hà Nội tâm sự: Trước đây tôi cũng từng tham gia vào Quỹ PTKHCNQG với tư cách là thành viên. Trong giai đoạn đó, tôi đã học được rất nhiều từ GS chủ nhiệm đề tài về những bài toán mới cũng như các ý tưởng để giải quyết chúng. Nếu không có tài trợ của Quỹ, có thể tôi và một số đồng nghiệp sẽ phải tìm các con đường hợp tác quốc tế để triển khai các dự án của mình”.

Là một nữ tiến sĩ còn khá trẻ, Nguyễn Hồng Lê rất vui mừng khi biết đề tài của mình đứng trong danh sách hỗ trợ của Quỹ. Cô tâm sự: “NAFOSTED là quỹ tài trợ cho những hoạt động NCCB. Sự ra đời của quỹ là bước ngoặt lớn trong việc phát triển khoa học cơ bản, đặc biệt là với các tiến sĩ trẻ, những nhà khoa học đang có nhiều ý tưởng, nhiều hoài bão. Nhờ có quỹ mà những tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài và trong nước đều muốn ở lại Việt Nam để thực hiện và triển khai các nghiên cứu của mình. Cũng nhờ Quỹ mà chất lượng các bài báo của các nhà khoa học trẻ tăng lên đáng kể”.

Nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tăng nhanh số lượng kết quả nghiên cứu của Việt Nam được công bố quốc tế. NAFOSTED đã tài trợ cho các chủ nhiệm đề tài công bố kết quả nghiên cứu của mình trên các tạp chí khoa học nước ngoài có uy tín. Theo thông tin từ trang Web ISIKNOWLEDE (Viện Thông tin khoa học Mỹ) đến cuối năm 2011 đã có 464 công trình nghiên cứu do Quỹ tài trợ được công bố trên các tạp chí khoa học do ISI xếp hạng. Tỷ lệ kết quả công bố của các đề tài do NAFOSTED tài trợ so với tổng số các bài báo của tác giả Việt Nam trên các tạp chí khoa học được ISI xếp hạng đã tăng lên đáng kể: từ 4% năm 2009 lên 12% năm 2010 và 20% năm 2011.

Không chỉ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, NAFOSTED còn tài trợ cho các nghiên cứu phát sinh. Từ năm 2009 đến nay, Quỹ đã cấp 34 tỷ đồng cho 14 đề tài nghiên cứu phát sinh, trong đó 2 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, 5 đề tài về khoa học xã hội và nhân văn, 4 đề tài phục vụ xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Một trong những nghiên cứu phát sinh do Quỹ cấp kinh phí hỗ trợ là dự án “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và công nghệ chế tạo lắp ráp, hạ thủy giàn khoan tự nâng 90m nước phù hợp vời điều kiện Việt Nam”. Sự kiện hạ thủy giàn khoan này đã được chọn là 1 trong 10 sự kiện KHCN nổi bật nhất năm 2011. Về nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ, Quỹ tiếp tục cấp kinh phí cho 29 đề tài được phê duyệt từ năm 2008. Kết quả nghiên cứu của một số đề tài đã được đưa vào ứng dụng trực tiếp tại doanh nghiệp. Qua quá trình ứng dụng, các doanh nghiệp đã tạo dựng một đội ngũ cán bộ kỹ thuật có khả năng phát triển công nghệ và ứng dụng vật liệu trong nước, từng bước làm chủ công nghệ nhập ngoại.

Mô hình mới về quản lý tài chính

Theo TS. Đỗ Tiến Dũng, Quyền Giám đốc NAFOSTED, Quỹ đã xây dựng và thực hiện cơ chế tài chính mới để áp dụng thí điểm cho các nhiệm vụ do Quỹ tài trợ, nhằm khắc phục một số bất cập vốn tồn tại lâu nay trong hệ thống. Cụ thể, Quỹ đang triển khai áp dụng quy định mới về dự toán đề tài NCCB. Theo đó, công lao động để thực hiện nhiệm vụ khoa học được tính theo vai trò và thời gian tham gia đề tài của nhà khoa học. Bằng cách này, các nhà khoa học được trả công xứng đáng hơn, với thù lao thanh toán đơn giản, thuận tiện, tạo điều kiện cho họ dành nhiều thời gian và công sức cho hoạt động nghiên cứu để nâng cao chất lượng các đề tài. Cơ chế “Quỹ khoa học” cũng giúp giảm bớt thời gian “chờ đợi” kinh phí theo quy trình phân bổ ngân sách cho các nhiệm vụ KHCN hiện hành (thường phải mất 15-18 tháng).

Bước đầu, Quỹ đã xây dựng được phương thức quản lý các đề tài NCCB theo chuẩn mực quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng NCCB của Việt Nam. Phương thức quản lý hoạt động nghiên cứu với nhiều nét đổi mới đã thực sự tạo được bầu không khí học thuật lành mạnh và nghiêm túc trong các cơ sở nghiên cứu và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo các nhà khoa học trên cả nước. Nhiều nhà khoa học đánh giá cao về sự chuyển biến tích cực này trong các trường đại học, Viện nghiên cứu, điều mà theo họ “lâu nay không có”. Cơ chế mới mà Quỹ đề xuất đã và đang khẳng định sự phù hợp với yêu cầu thực tiễn hoạt động KHCN ở nước ta, tạo tiền đề cho các đổi mới tiếp theo, làm cơ sở hậu thuẫn cho việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KHCN công lập và đề án đãi ngộ, trọng dụng cán bộ khoa học.

Từ mô hình hiệu quả của NAFOSTED, Bộ KHCN đã thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia và trong tương lai là Quỹ đầu tư mạo hiểm. Nhưng dù hoạt động dưới hình thức nào, các Quỹ này đều giữ vai trò đặc biệt trong việc phát hiện và bồi dưỡng năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước./.