|
|||
Kích nội lực bằng vốn vay Dù chưa có DN nào tại Việt Nam cạnh tranh với các sản phẩm của mình, trong khi các sản phẩm ngoại nhập lại có giá khá đắt đỏ trên thị trường nhưng Thiết Bảo vẫn không thể mở rộng sản xuất bởi khó khăn về nguồn vốn, đặc biệt là nhu cầu vốn dành cho trang bị các máy cơ khí có độ chính xác cao. Đầu năm 2011, tiếp cận được nguồn vốn vay từ quỹ, Thiết Bảo lập tức đầu tư mua hệ thống máy cắt CNC cùng nhiều công cụ hỗ trợ có giá trị hơn 5 tỷ đồng, nhằm nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. KS Kỳ Thiết Bảo, Giám đốc công ty, cho biết: “Một khi được trang bị máy móc hiện đại, những sản phẩm làm ra có độ chính xác cao hơn, giá trị sản phẩm cũng nhờ thế mà tăng lên. Sản phẩm máy quấn dây tự động biến áp hình xuyến của chúng tôi trước đây chỉ có giá khoảng 55 triệu đồng/máy nhưng nay tăng lên hơn 80 triệu đồng/máy nhờ được thiết kế trên hệ thống CNC này”. Sau hơn một năm mở rộng sản xuất, Thiết Bảo đã có hơn 30 dòng sản phẩm máy quấn dây với doanh thu hàng năm đạt từ 5-6 tỷ đồng. Phước Vinh là công ty chuyên về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cộng đồng như cáng cứu thương, xe lăn, dụng cụ và thiết bị y khoa… Cũng như nhiều DN khác, vốn là rào cản lớn nhất để Phước Vinh có thể mở rộng sản xuất. Sau khi đạt giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật năm 2007 với sản phẩm cáng cứu thương cải tiến, Phước Vinh nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ phát triển KH-CN và tiến hành đổi mới công nghệ chế tạo tại công ty. Những sản phẩm chất lượng, giá rẻ lần lượt ra đời được nhiều khách hàng đón nhận. Từ đầu năm đến nay, riêng sản phẩm xe lăn, Phước Vinh đã bán gần 3.000 chiếc, dự kiến đến cuối năm nay sẽ đạt khoảng 10.000 chiếc xe lăn. Điều kiện khó nhưng cần thiết Thiết Bảo, Phước Vinh… là những DN minh chứng cụ thể nhất cho hiệu quả mà nguồn vốn vay từ quỹ mang lại. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay vẫn còn khá ít DN để ý tới nguồn quỹ này. Theo đơn vị quản lý nguồn quỹ (Phòng Quản lý công nghệ, Sở KH-CN TPHCM), sau gần 5 năm đi vào hoạt động, chỉ có 7 doanh nghiệp tiếp cận vay vốn với tổng vốn vay xoay vòng là 30 tỷ đồng. Riêng năm 2011, quỹ đã tư vấn cho 9 hồ sơ dự án và chỉ giải ngân được 1,34 tỷ đồng (giảm 92% so với năm 2010). Giải thích điều này, bà Huỳnh Lưu Thanh Giang, thành viên Ban quản lý quỹ, cho rằng: “Để đảm bảo khả năng thu hồi vốn, quỹ đưa ra nhiều điều kiện đối với đối tượng được hỗ trợ. Trong khi đó, đối tượng mà quỹ hướng đến để hỗ trợ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lại thường gặp khó khăn trong việc chứng minh ổn định tài chính trong thời gian hoạt động nhất định; điều kiện mặt bằng sản xuất cũng là yếu tố bắt buộc; chưa kể là thủ tục vay vốn còn phức tạp…”. Trong khi đó, ông Giang Mãng Phước, Giám đốc Công ty Phước Vinh, cho rằng: “Quỹ cho vay không cần thế chấp, vì vậy, những điều kiện mà phía quỹ đưa ra là cần thiết nhằm đảm bảo khả năng thu hồi được vốn, cần cảm thông cho họ. Các doanh nghiệp trước hết cần có nội lực và chứng minh cho Ban quản lý quỹ thấy được tiềm năng của mình. Khi đó, việc vay vốn là không hề khó”. Được biết, Ban quản lý quỹ đã trình UBND TP đề án đổi mới cơ chế quản lý quỹ, trong đó quỹ dự kiến sẽ mở rộng đối tượng hỗ trợ, đồng thời tăng số tiền vay tối đa cho các dự án. “Chúng tôi hy vọng, khi cơ chế quản lý quỹ mới được thông qua sẽ có nhiều DN quan tâm và nhận được hỗ trợ từ quỹ”, bà Giang cho biết.
|