Bản in
Khoa học công nghệ: Nền tảng phát triển kinh tế xã hội
Kỷ niệm 50 năm thành lập ngành Khoa học và Công nghệ (KHCN), Bộ KHCN ngày 26.12 đã tổ chức Hội thảo “KHCN với sự phát triển kinh tế - xã hội” với sự tham gia của gần 500 đại biểu đại diện các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp, Sở KHCN, các nhà khoa học... trên cả nước.

Hội nghị là dịp đánh giá lại một cách khách quan về vị trí, vai trò và đóng góp của các cá nhân, tổ chức KHCN trong các ngành, lĩnh vực đối với phát triển kinh tế xã hội thời gian qua; đồng thời nhận diện những khó khăn, hạn chế trong hoạt động của các cơ quan nghiên cứu, triển khai và doanh nghiệp để đưa ra giải pháp khắc phục những tồn tại, tạo điều kiện tốt nhất để KHCN tiếp tục đóng góp cho sự phát triển KT-XH.

Những vượt trội trong nông nghiệp

Trong báo cáo tổng quan, Thứ trưởng KH&CN Lê Đình Tiến cho biết, thời gian qua, hoạt động KH&CN đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự xã hội.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, từ năm 1995 trở lại đây, năng suất lúa tăng gần 30 tạ/ha lên gần 50 tạ/ha, đưa Việt Nam thành nước có năng suất lúa cao gấp 1,5 lần Thái Lan và đứng đầu Đông Nam Á. Trong vòng 10 năm trở lại đây, các nhà khoa học đã chọn tạo và tuyển được gần 170 giống lúa mới, trong đó có nhiều giống được phát triển trên diện rộng. Nhờ đó, tới nay nông dân đã gieo trồng trên 80% diện tích bằng các giống lúa cải tiến.
 
Riêng các tiến bộ về giống lúa hàng năm đã làm lợi cho sản xuất hàng ngàn tỉ đồng. Có tới trên 90% diện tích trồng ngô bằng giống ngô lai, trong đó ngô lai của Viện Nghiên cứu Ngô chiếm khoảng 40% diện tích cũng như thị phần cung ứng giống.

Nhiều tiến bộ KHCN trong sản xuất rau, hoa quả như nhân giống bằng nuôi cấy mô, trồng trong nhà lưới, nhà kính, trồng rau và hoa theo công nghệ cao, trồng rau theo quy trình GAP… Nhiều loại trái cây đặc sản đã được xây dựng và bảo hộ về nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý. gần 100% diện tích caosu ở nước ta được trồng bằng các loại giống tốt, năng suất cao. Năng suất càphê kể từ năm 2000 tới nay đã tăng trên 30% nhờ các giống càphê có năng suất cao. Đối với việc phát triển lâm nghiệp, từ năm 1990 tới nay đã có gần 100 dòng, giống cây rừng mới (tập trung vào hai loại bạch đàn và keo) được công nhận và đưa vào sản xuất.

Bộ trưởng Bộ KHCN Hoàng Văn Phong phát biểu tại hội thảo ngày 26.12.

Trong chăn nuôi, tới năm 2005 cả nước đã có khoảng 25% bò lai trên tổng lượng đàn bò. Chương trình nạc hoá đàn lợn với các công thức lai giữa lợn ngoại và lợn nội đã cho tỉ lệ nạc cao. Nhiều giống gia cầm siêu trứng, cao sản đã được chọn lọc và thích nghi trong điều kiện sản xuất trong nước. “Các kết quả hoạt động KHCN là một trong những nhân tố quyết định nâng tỉ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp tăng từ 17,9% năm 1986 lên 27% năm 2008”, Thứ trưởng Lê Đình Tiến nói. Tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản năm 2009 dự kiến ước đạt hơn 15 tỉ USD.

Công nghiệp tiên tiến

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Tiến cho biết, trong những năm qua, toàn ngành công nghiệp đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng trong việc góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao của cả nước. KHCN đã tạo ra những chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá công nghiệp.

Những đổi mới trong công nghiệp, đặc biệt là sản xuất cơ khí, chế tạo kết cấu thép chuyên dụng, đóng tàu, điện tử, dầu khí, khai thác tài nguyên khoáng sản… đã góp phần làm cho sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao liên tục trong những năm qua. Hiện đội ngũ cán bộ KHCN của Việt Nam đã làm chủ được các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực đóng tàu, sản xuất thành công tàu 53.000 tấn, kho nổi chứa xuất dầu 150.000 tấn, đang đóng tàu chở dầu thô 100.000 tấn và tàu chở 6.900 ôtô…, tự thiết kế và chế tạo trong nước được trạm biến áp công suất 250MVA, điện áp 220kV.

500 đại biểu đại diện các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp, sở KH&CN, các nhà khoa học... về tham dự hội thảo ngày 26.12.

Việt Nam có khả năng thiết kế và chế tạo nhà máy ximăng công suất trên 1,4 triệu tấn /năm với tỉ lệ nội địa hoá cao trên 70% về khối lượng, chế tạo dây truyền đồng bộ sản xuất ximăng lò quay công suất 2.500 tấn klanhke/ngày với tỉ lệ nội địa hoá toàn bộ dây truyền đạt 70-75% về khối lượng và 45-50% về giá trị.

Nhiều doanh nghiệp cơ khí có năng lực thiết kế chế tạo thiết bị cơ khí phức tạp mà trước đây phải nhập khẩu hoàn toàn, làm lợi cho đất nước hàng trăm triệu USD. Ngoài ra, các lĩnh vực luỵên kim, hoá chất, chế biến thực phẩm, công nghiệp hàng tiêu dùng cũng đã có nhiều đổi mới về công nghệ, nâng cao công suất đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng trong nước…

Trong các lĩnh vực khác, khoa học tự nhiên đã nghiên cứu được nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng cao như xử lý và nhận dạng chữ Việt, sản xuất bộ chẩn đoán bệnh do virus; lĩnh vực thông tin truyền thông đã tiếp nhận, vận hành và khai thác hiệu quả vệ tinh Vinasat 1...

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ KHCN Hoàng Văn Phong cho rằng, để thúc đẩy khoa học trong nước, trước mắt cần phải nâng cao trình độ nghiên cứu của các nhà khoa học, nâng cao năng lực đổi mới công nghệ cũng như trình độ công nghệ trong doanh nghiệp. “Đây là việc nhiều năm nay ta vẫn kêu gọi nhằm gắn kết giữa nghiên cứu và doanh nghiệp”, Bộ trưởng Hoàng Văn Phong nói.

Theo báo cáo của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long: Hiện nay giống lúa do Viện tạo ra được gieo trồng trên 80% diện tích của Đồng bằng sông Cửu Long (khoảng 4 triệu ha/năm). Nếu theo tiêu chuẩn một giống mới làm tăng năng suất lên tối thiểu 10% (quy định của Bộ NN&PTNN) thì các giống lúa của Viện đã làm lợi cho sản xuất ít nhất 1,6 triệu tấn lúa, tương đương 6.400 tỉ đồng/năm.

Theo báo cáo của Viện Khoa học Nông nghiệp VN: Nếu cũng với cách tính trên thì hàng năm nông dân đã được hưởng lợi từ việc trồng các giống lúa thuần do Viện chọn tạo (12% diện tích lúa cả nước) là 350 ngàn tấn thóc, tương đương 1.400 tỉ đồng.


Theo báo cáo tổng quan của Bộ KHCN, Khoa học xã hội và nhân văn đã đóng góp trên ba mảng lớn: Phục vụ hoạch định và thực hiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước; Phục vụ xây dựng, đổi mới và hoàn chỉnh các chính sách và cơ chế quản lý; Cung cấp luận giải khoa học cho việc nâng cao nhận thức chính trị và tư tưởng.

Công tác nghiên cứu KHCN trong việc bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên thiên nhiên đã kịp thời cung cấp cơ sở KHCN đánh giá tiềm năng về chất lượng và trữ lượng, quy luật phân bố, khả năng khai thức sử dụng của các dạng tài nguyên, điều kiện tự nhiên và diễn biến môi trường sinh thái, làm cơ sở khoa học cho công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, công tác khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường. KHCN trong phát triển cơ sở hạ tầng trong những năm qua đã có những bước tiến vượt bậc, tăng nhanh năng lực, không ngừng hiện đại hoá, rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trong phát triển y - dược đã ứng dụng được nhiều kỹ thuật chẩn đoán mới, hiện đại nhờ đó giúp việc chẩn đoán bệnh sớm, chính xác, hiệu quả điều trị cao với chi phí tiết kiệm.
 
KHCN với công tác quốc phòng an ninh đã tập trung nghiên cứu giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn để xây dựng đường lối chính trị, chủ trương chính sách, chiến lược an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia trong thời kỳ đổi mới.

Đồng thời cũng có nhiều nghiên cứu có kết quả rất tốt về thiết kế, chế tạo, hiện đại hoá được một số loại vũ khí trang bị chiến đấu và các nghiên cứu khác phục vụ phát triển kinh tế xã hội và sức khoẻ, đời sống nhân dân.

 
Cao Sơn