Bản in
"Khoán 10 trong khoa học và công nghệ" đã đi vào cuộc sống
Sau ba năm thực hiện Nghị định 115/2005NĐ-CP (NĐ 115) về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hai năm thực hiện Nghị định 80/2007NĐ-CP (NĐ 80) về triển khai thành lập doanh nghiệp KH&CN (DN KH&CN), nhiều sở, trung tâm, doanh nghiệp... rất quan tâm và đã chuẩn bị sẵn hồ sơ để đăng ký chuyển đổi.

Đó được coi là bước đi tất yếu, cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN. Có thể khẳng định NĐ 115 và NĐ 80 đã và đang đi vào cuộc sống.
 
Triển khai "khoán 10" có nhiều khởi sắc

Đến nay, gần 70% tổ chức KH&CN có đề án đã được duyệt và đang trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (kể cả các tổ chức thực hiện theo NĐ 43/2006/NĐ-CP, có mức tự chủ thấp hơn so với NĐ 115). Sau khi NĐ 115 đuợc ban hành, có 208 tổ chức KH&CN mới được thành lập, trong đó 56 tổ chức KH&CN công lập, 152 tổ chức KH&CN ngoài công lập.

Hội nghị Hướng dẫn thủ tục đăng ký, công nhận, thành lập DN KH&CN và Giới thiệu Chương trình Hỗ trợ các tổ chức chuyển đổi theo NĐ 115 và thành lập DN KH&CN theo NĐ 80 do Bộ KH&CN tổ chức gần đây ở ba khu vực Bắc - Trung - Nam cho thấy các tỉnh, thành, địa phương dành sự quan tâm đặc biệt đến NĐ 115 và NĐ 80. Nhiều đơn vị đã thành lập tổ chức KH&CN trực thuộc hoạt động theo cơ chế tự chủ của NĐ 115 để thực hiện việc nghiên cứu đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh sản phẩm. Ví dụ, Công ty cổ phần sơn Hải Phòng, Xí nghiệp cơ khí Quang Trung (Ninh Bình)... Nhờ đó, doanh nghiệp có tốc độ phát triển mạnh, đột phá, doanh thu tăng liên tục ở mức cao trên 250%/năm.

Sở KH&CN Đà Nẵng cũng đã thẩm định cơ sở vật chất, hỗ trợ làm thủ tục, hồ sơ chuyển đổi cho 5 tổ chức KH&CN sang hoạt động theo cơ chế tự chủ. Khi NĐ 115 chính thức sửa đổi, bổ sung, Sở sẽ tiến hành các thủ tục còn lại để tổ chức KH&CN thuận lợi hơn khi hoạt động theo cơ chế tự chủ.

Với NĐ 80, đến nay cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực KH&CN. Nhiều doanh nghiệp đang tiến hành làm thủ tục để được công nhận là DN KH&CN. Một số doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận và hoạt động có kết quả tốt. Ví như Công ty cấp thoát nước Bà Rịa - Vũng Tàu sau khi được công nhận là DN KH&CN đã ký hợp đồng sản xuất giá trị hàng trăm tỉ đồng trên cơ sở ứng dụng các kết quả nghiên cứu về hệ thống thoát nước đô thị đã được cấp bằng sáng chế. Năm 2008, doanh thu của công ty này đạt 90 tỉ, trong đó hơn 80% từ kết quả nghiên cứu khoa học.

Hệ thống hố ga ngăn mùi và thu nước mưa kiểu mới tại các đô thị Việt Nam của Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Bà Rịa - Vũng Tàu. Công trình khoa học này đạt giải nhì Giải thưởng Sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam (Vifotec).

Nhiều ưu đãi khi thực hiện "khoán 10"


Bộ KH&CN đã, đang xây dựng Chương trình Hỗ trợ các tổ chức chuyển đổi theo NĐ 115 và thành lập doanh nghiệp theo NĐ 80. Chương trình được thực hiện từ năm 2009 đến năm 2014. Trong đó: đào tạo kiến thức về quản trị doanh nghiệp, khởi sự doanh nghiệp; điều tra nhu cầu phát triển công nghệ ở các bộ, ngành, địa phương; lựa chọn một số tổ chức KH&CN đang hình thành để hỗ trợ trực tiếp; hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, xây dựng bảo vệ thương hiệu các sản phẩm, nâng cao năng suất chất lượng và tính cạnh tranh sản phẩm của DN KH&CN là những nội dung chính.

Theo ông Trần Văn Tùng - Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN), doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như miễn thuế thu nhập 4 năm, giảm 50% trong 9 năm và hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian có hiệu lực của giấy chứng nhận DN KH&CN.

Ngoài ra, các DN KH&CN còn được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất, sử dụng đất trong việc thuê và sử dụng đất; ưu đãi nguồn vốn từ các quỹ phát triển KH&CN, Ngân hàng Phát triển Việt Nam; miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; được sử dụng thiết bị nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, sử dụng các dịch vụ miễn phí của các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp do các cơ quan nhà nước thành lập.

Tuy nhiên để có được những ưu đãi trên, DN KH&CN phải có doanh thu sản xuất kinh doanh các sản phẩm, hàng hoá hình thành từ kết quả nghiên cứu KH&CN năm đầu đạt 30%, năm thứ hai là 50% và năm thứ ba trở đi phải đạt 70% tổng doanh thu của DN. Đây là những ưu đãi rất lớn đối với doanh nghiệp, nhưng đó cũng là điều khiến nhiều đơn vị thực hiện chưa hiểu hết vấn đề. Bộ KH&CN đã đi sâu tìm hiểu nhu cầu của các đơn vị thực hiện và cùng họ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Bộ KH&CN đã tổ chức các Hội nghị Hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định 115 /2005NĐ-CP và Nghị định 80/2007NĐ-CP tại ba khu vực Bắc - Trung - Nam.


Tháo gỡ vướng mắc cùng doanh nghiệp

Nhiều tổ chức KH&CN, viện, trường đại học, doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ NĐ 115 và NĐ 80. Một số doanh nghiệp còn vướng mắc về thuế, quy trình thành lập hoặc các đơn vị nhỏ của một viện, trường đại học có được tách ra thành lập DN KH&CN hay không...

Về quy trình thành lập, với các cá nhân, tổ chức tiến hành hình thành DN KH&CN mới phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp và đăng ký công nhận DN KH&CN tại sở KH&CN. Các tổ chức KH&CN chuyển đổi thành DN KH&CN cần xây dựng đề án thành lập DN KH&CN trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt rồi mới đăng ký thành lập và công nhận DN KH&CN.

Nhiều doanh nghiệp vướng mắc liên quan đến ưu đãi thuế thu nhập. Như Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu chưa được hưởng chế độ ưu đãi thuế thu nhập DN KH&CN (quy định trong NĐ 80) do Bộ Tài chính vẫn cương quyết chỉ áp dụng theo Thông tư 130 (về thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp). Bộ KH&CN đã có công văn gửi Bộ Tài chính và tiếp tục làm việc với các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ tình trạng thiếu thống nhất trong các quy định pháp lý hiện hành, nhất là chính sách thuế.
 
Trong Dự thảo sửa đổi NĐ 115 và NĐ 80 trình Chính phủ, Bộ KH&CN cũng đề nghị bổ sung các đối tượng đã được Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập theo mô hình DN KH&CN vào đối tượng của NĐ 80. Ngoài ra, cũng quy định việc sẽ công nhận là DN KH&CN với một số DN đã thành lập trước khi NĐ 80 có hiệu lực thi hành.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương muốn được hướng dẫn DN KHCN đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, xác định giá trị nghiên cứu khoa học... do còn nhầm lẫn với đối tượng thực hiện các sáng kiến cải tiến kỹ thuật thông thường. Bộ đã kiến nghị hình thành những trung tâm tư vấn, định giá kết quả nghiên cứu KH&CN để giúp các doanh nghiệp và địa phương giải quyết vấn đề trên.

Tổ chức KH&CN tự chủ, DN KH&CN trong tương lai là lực lượng sản xuất mới bên cạnh các loại hình doanh nghiệp đang có hiện nay. Việc hình thành doanh nghiệp KH&CN sẽ thúc đẩy ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất và đời sống. Họ có thế mạnh trong áp dụng các phương án sản xuất dựa trên công nghệ mới, công nghệ cao. Đem lại mức tăng trưởng hàng năm cao, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế-xã hội. Ví dụ doanh thu của Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu năm 2008 khoảng 3 triệu USD, nếu cả nước có khoảng 1000 DN KH&CN thì tổng doanh thu sẽ là 3 tỉ USD, một con số đóng góp đáng kể với kinh tế-xã hội.

Bộ KH&CN đã và đang tiếp tục sửa đổi NĐ 115 và NĐ 80. Tuy nhiên, nếu chỉ có nỗ lực của Bộ KH&CN thì chưa đủ, còn cần có sự góp sức của các bộ, ngành có liên quan nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các tổ chức KH&CN công lập chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hình thành lực lượng sản xuất mới là các DN KH&CN với những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao xuất phát từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.

 
Nguyễn Hạnh