|
|||
Là động lực phát triển kinh tế, xã hội Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những thành tựu to lớn mà ngành KH&CN đạt được và khẳng định KH&CN chính là khâu đột phá cho sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. “Trong năm qua, Việt Nam ngày càng chứng tỏ là nước có thế mạnh về nông nghiệp, khi xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới, xuất khẩu hạt điều, hạt tiêu đứng thứ nhất và xuất khẩu thủy sản đứng thứ tư thế giới. Sức cạnh tranh trong nông nghiệp ngày một tăng mạnh. Đóng góp của KH&CN trong phát triển nông nghiệp khoảng 30%", Thủ tướng nói. Với 6.000 ha mặt nước nuôi cá da trơn, đến nay Việt Nam đã trở thành quốc gia hàng đầu trên thế giới về xuất khẩu loại cá này. KH&CN giúp tạo ra giống cá mẹ đẻ nuôi công nghiệp, sau đó là quy trình chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại, năng suất cao. Thời gian qua, năng lực trình độ KH&CN Việt Nam có bước được nâng cao hơn, cho phép chúng ta tiếp thu, làm chủ nhiều công nghệ mới, nghiên cứu thiết kế chế tạo thành công một số thiết bị công nghệ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, việc đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp, các ngành các lĩnh vực được tăng cường. Việc chuyển các đơn vị nghiên cứu KH&CN công lập sang tự chủ là một bước ngoặt (đạt 80%). Trong một số lĩnh vực Việt Nam đã có thế mạnh, khoảng cách KH&CN giữa Việt Nam và một số nước trong khu vực cũng có bước được thu hẹp lại. Ví dụ như, Việt Nam là nước duy nhất ở trong khu vực Đông Nam Á đã thiết kế chế tạo thành công giàn khoan tự nâng 90m nước. Hiện nay, một số nước trên thế giới đã đặt hàng giàn khoan. Việc chế tạo thành công Chip 32 bit đưa Việt Nam trở thành một trong những nước tự chủ được nền công nghệ thiết kế vi mạch; hay như việc ứng dụng tế bào gốc, ghép nội tạng…. Thủ tướng cũng cho biết, các nước ASEAN đều đánh giá cao thành tựu của nền nông nghiệp Việt Nam đạt được. Đó là những thành tựu về giống và kỹ thuật canh tác. Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, có thể nói trong những năm vừa qua, đặc biệt là trong năm 2011 đã chứng kiến sự nỗ lực lớn của Bộ KH&CN. Bộ KH&CN không những hợp tác với các bộ, ngành mà còn chủ động thực hiện nhiệm vụ chiến lược, đóng vai trò là cơ quan đầu mối trong việc xây dựng hoạch địch các chiến lược trong phát triển KH&CN cũng như triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN, gồm cả chiến lược đổi mới công tác KH&CN trên địa bàn cả nước. Nhờ đó, hàng loạt tổ chức, viện nghiên cứu của Bộ Công thương đã bước đầu thực hiện thành công việc chuyển đổi hoạt động của mình theo tinh thần Nghị định số 115/2005/NĐ-CP. Trên thực tế, các hoạt động về nghiên cứu KH&CN của các tổ chức này, từng bước đã gắn với thực tiễn, nhu cầu sản xuất, hội nhập. Hàng loạt dự án, đề tài nghiên cứu KH&CN của ngành, các đơn vị, tổ chức nghiên cứu của đơn vị và của ngành đã đạt được những kết quả tích cực và ứng dụng trên thực tế. Mới đây nhất, Việt Nam đã sản xuất thành công máy biến áp 500 kV, giúp Việt Nam trở thành một trong những nước Đông Nam Á đầu tiên sản xuất thành công loại biến áp này với chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, với chi phí tiết kiệm 20-30% so với giá nhập ngoại. Đó là minh chứng cho kết quả tích cực cho công tác nghiên cứu KH&CN và những thành tựu mà KH&CN đóng góp vào trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hội nhập của Việt Nam.
Năm 2020 trình độ KH&CN vũ trụ Việt Nam sẽ đạt khá so với khu vực (Ảnh: M.H) Cũng theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (TTTT) Nguyễn Thành Hưng, nhờ sự trợ giúp của Bộ KH&CN, Bộ TTTT đã triển khai, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin vào năm 2020”; phối hợp hợp tác trong việc đưa danh mục các sản phẩm công nghệ cao vào danh mục hàng năm để định hướng phát triển các sản phẩm trọng điểm; triển khai được các hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn trong lĩnh vực TTTT. Bộ KH&CN đã hỗ trợ Bộ TTTT trong việc đầu tư, nghiên cứu, triển khai các sản phẩm công nghệ thông tin có hàm lượng KH&CN cao (như modem ADSL, thiết bị điện thoại cố định không dây, thiết bị truy cập internet không dây, thiết kế chế thử cáp quang truy nhập thế hệ mới khai thác có hiệu quả, hệ thống vệ tinh Vinasat 1…). Xây dựng thể chế, cơ chế chính sách cho KH&CN KH&CN đã và đang trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, vì vậy Thủ tướng đề nghị Bộ, ngành KH&CN quan tâm xây dựng thể chế, cơ chế chính sách tạo ra một môi trường tốt hơn nữa, điều kiện thuận lợi hơn nữa để KH&CN thực sự là khâu đột phá, là giải pháp quyết định trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, thực sự có vai trò đóng góp nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả sức cạnh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm và của cả nền kinh tế. Theo Thủ tướng, việc hoàn thiện thể chế để tạo ra môi trường thuận lợi, vừa khuyến khích, vừa tạo sức ép để mọi người, mọi doanh nghiệp ứng dụng KH&CN, coi đó là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững. Đó là nhân tố quyết định tái cấu trúc lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Làm sao để các doanh nghiệp đều hào ứng ứng dụng công nghệ mới thay thế công nghệ cũ tiêu hao nhiều nhiên liệu, vật liệu. Thủ tướng cũng cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa coi đổi mới công nghệ là điều kiện sống còn của mình, vì vậy cần phải có cơ chế để doanh nghiệp thấy phải đổi mới công nghệ mới tồn tại phát triển. Việc này cần có sự chung tay của nhiều bộ ngành và dưới sự chủ trì của Bộ KH&CN. Thủ tướng lưu ý Bộ KH&CN cần rà soát lại các sản phẩm trọng điểm quốc gia và sớm trình lên Chính phủ trong năm nay. Theo đó, có thể có một cơ chế riêng cho mỗi sản phẩm, để khi đưa ra thị trường những sản phẩm đó có sức cạnh tranh… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trong năm 2012, Bộ KH&CN cần tiếp tục hoàn thiện thể chế nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, để KH&CN thật sự là khâu đột phá, là giải pháp có tính quyết định trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. "KH&CN phải làm thế nào để ai ai cũng hăng hái đổi mới KH&CN, làm sao để doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước thấy rằng cần tự chủ trong khoa học mới có thể tồn tại", Thủ tướng nói và mong muốn có nhiều doanh nghiệp khoa học ra đời hơn nữa. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cũng đề nghị Bộ KH&CN tạo cơ chế đầu tư, hỗ trợ các điều kiện nghiên cứu và tiềm lực KH&CN để triển khai các sản phẩm CNTT, ưu tiên đưa các sản phẩm CNTT vào danh mục sản phẩm trọng điểm để kịp thời triển khai và được hưởng các cơ chế ưu đãi. Bên cạnh nguồn vốn chủ yếu bằng ngân sách KH&CN, thời gian tới Bộ KH&CN nên xây dựng cơ chế chính sách phát triển thị trường KH&CN, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn, mạnh dạn hơn vào các lĩnh vực KH&CN cao, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong ngành công nghệ cao tạo ra được nhiều sản phẩm phát triển và đổi mới công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, Bộ KH&CN tiếp thu những chỉ đạo của Thủ tướng. Trong đó vấn đề Thủ tướng nhấn mạnh đó là phải xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, Bộ KH&CN sẽ lồng ghép vào trong đề án đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức cơ chế hoạt động, cơ chế quản lý hoạt động KH&CN và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ thời gian gần nhất. Bộ trưởng Nguyễn Quân hi vọng rằng, đề án này được phê duyệt sẽ giải quyết được những “nút thắt”, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong hoạt động KH&CN. Mai - Chi (lược ghi) |