Bản in
Cần đổi mới cơ chế tài chính để phát triển KHCN
Năm 2012, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đặt ra nhiều mục tiêu lớn cho việc phát triển của ngành, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã có cuộc trò chuyện với phóng viên xoay quanh vấn đề này.

- Trong những năm qua, khoa học và công nghệ đã có nhiều thành tựu. Theo Bộ trưởng, đâu là điểm đáng chú ý nhất?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Nếu nói về thành tựu khoa học và công nghệ nổi bật thì phải kể đến việc lần đầu tiên chúng ta có một hệ thống luật pháp khoa học và công nghệ hoàn chỉnh, khởi đầu là Luật khoa học và công nghệ và mới đây là Luật Đo lường.

Trong chuỗi luật đó, có 2 đạo luật rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước là Luật Sở hữu Trí tuệ và Luật Năng lượng Nguyên tử

Thành tựu thứ hai là việc chúng ta đã tạo lập cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ công lập của nhà nước. Điều này giúp chúng ta thoát khỏi cơ chế bao cấp đã tồn tại rất nhiều năm và các tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động theo cơ chế của doanh nghiệp. Nhờ đó, họ được tự chủ, dân chủ trong sáng tạo khoa học.

Đến nay, hầu hết các tổ chức khoa học và công nghệ đã được giao quyền tự chủ cả về tổ chức, nhân sự, tài chính và nhờ đó nhiều đơn vị đã phát triển nhanh, có đóng góp lớn với xã hội.

Ngoài ra, chúng ta cũng có Nghị định rất quan trọng về doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Đó cũng là lần đầu tiên chúng ta đặt ra một loại hình doanh nghiệp có giá trị gia tăng, năng suất lao động cao. Đó thực sự là nơi ứng dụng tốt nhất các kết quả nghiên cứu của các Viện, trường đại học, biến các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm hàng hóa phục vụ xã hội.

Đến nay, có hàng ngàn doanh nghiệp đã đạt tiêu chí để được công nhận là doanh nghiệp khoa học. Trong số đó có những doanh nghiệp rất thành công, có vị thế trên trường quốc tế như Naicorp, BKAV…

Thành tựu thứ ba là nhờ có Luật khoa học và công nghệ mà xã hội đã bắt đầu quan tâm đầu tư cho khoa học và công nghệ. Các tổ chức cá nhân đều có quyền thành lập các tổ chức khoa học và công nghệ song song với các tổ chức của nhà nước.

Thực tế, từ 2000 đến nay, các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập đã được thành lập với số lượng nhiều hơn các tổ chức nhà nước. Đây thực sự là tín hiệu rất tích cực khi chúng ta hội nhập quốc tế và phát triển nền kinh tế thị trường.

- Chúng ta cũng đã đặt ra 2015 sẽ có 3000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Ở cương vị của mình, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ làm gì để cụ thể hóa mục tiêu này?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Doanh nghiệp khoa học và công nghệ là loại hình đặc thù vì nó hoạt động sản xuất kinh doanh trên nền nghiên cứu của chính doanh nghiệp, hoặc đơn vị đó được quyền làm chủ, sở hữu hợp pháp kết quả nghiên cứu.

Hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng một chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Chúng tôi thành lập quỹ đổi mới công nghệ quốc gia với nguồn vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng để giúp các doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát triển. Quỹ này ngoài việc tài trợ cho các dự án nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm thì có thể cho các doanh nghiệp khoa học và công nghệ (thường là đơn vị khởi nghiệp) vay vốn lãi suất thấp, thậm chí không lãi để họ có điều kiện hoạt động.

Bộ KHCN cũng có một Ban chỉ đạo để chăm lo cho việc thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ cũng như hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang hoạt động trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

- Thưa Bộ trưởng, một số ý kiến từ các nhà khoa học cho rằng, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm hiện còn nhiều vướng mắc và chưa thực sự cởi trói cho họ…?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến sự phát triển khoa học và công nghệ, coi khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, không phải ai cũng quan tâm và đánh giá đúng vai trò của khoa học và công nghệ.

Bằng chứng là từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định về đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ với 6 nhóm giải pháp đồng bộ. Và nếu chúng ta thực hiện tốt chắc chắn khoa học và công nghệ chúng ta đã có chuyển biến lớn.

Tuy nhiên, kiểm điểm lại chúng tôi thấy rằng chúng ta còn rất nhiều rào cản khiến 6 nhóm giải pháp trên chưa thực sự thành công.

Ví dụ như về tài chính, mặc dù có sự chỉ đạo của Chính phủ, được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Tài chính… nhưng các địa phương, cơ sở không phải ở đâu cũng thực hiện nghiêm túc và đầy đủ. Chính phủ cho phép các tổ chức khoa học và công nghệ khi sản xuất kinh doanh được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng ở các địa phương việc miễn thuế sẽ vô cùng khó khăn. Thường thì doanh nghiệp muốn được miễn thuế phải kêu với Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính mới được giải quyết.

Tương tự như vậy, mặc dù đã giao quyền tự chủ để các tổ chức khoa học và công nghệ có thể tạo thu nhập tốt hơn cho cán bộ, nhưng các cơ quan kiểm toán, tài chính, kho bạc chưa thực sự ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức KHCN trả thu nhập cao cho người lao động. Đó là còn chưa kể ở tầm vĩ mô chúng ta chưa có những chính sách trọng dụng, sử dụng người có tài, những nhà khoa học có những đóng góp lớn cho đất nước, những nhà khoa học đầu ngành…

Nếu chúng ta không khắc phục được tình trạng này thì khoa học và công nghệ rất khó phát triển, dễ làm nản lòng các nhà khoa học.

Để khắc phục, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung vào 3 vấn đề: Đổi mới cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ; Chính sách đối với cán bộ khoa học và công nghệ; Tổ chức thực hiện các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đưa hoạt động nghiên cứu đến gần hơn sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm chủ lực, phát triển kinh tế đất nước.

- Trong năm Nhâm Thìn, Bộ trưởng có kỳ vọng gì vào bước tiến của ngành khoa học và công nghệ?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Năm 2012 là năm chúng tôi đặt ra rất nhiều kỳ vọng. Đầu tiên, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học công nghệ.

Trọng tâm của đề án vẫn là đổi mới cơ chế tài chính, chính sách đối với cán bộ khoa học. Khi được phê duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ bắt tay ngay vào tổ chức thực hiện.

Trong 2012, chúng tôi dự kiến sẽ cùng Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng một Nghị quyết mới về phát triển khoa học và công nghệ. Đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân nhìn nhận lại sự quan tâm của xã hội và nhà nước đối với hoạt động khoa học và công nghệ và định ra chiến lược phát triển trong thời gian tới.

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ rất khẩn trương triển khai các chương trình quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt là 3 chương trình lớn là Chương trình sản phẩm quốc gia, tạo ra sản phẩm chủ lực, có giá trị xuất khẩu; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, để chúng ta đi tắt đón đầu trong một số lĩnh vực như công nghệ thông tin, vi điện tử…; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cấp trình độ công nghệ của họ lên những công nghệ tiệm cận trình độ phát triển chung trong khu vực và thế giới để làm ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh…

Với 3 chương tình quốc gia lớn này, cùng các chương trình khác, chúng tôi hy vọng năm 2012 sẽ tạo ra những sự chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế đất nước.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!