Bản in
Khoa học công nghệ chính là khâu đột phá cho sự phát triển của kinh tế xã hội của đất nước
Biểu dương những thành tựu to lớn mà ngành khoa học công nghệ đạt được trong năm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, khoa học công nghệ chính là khâu đột phá cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Các loại hình nhiệm vụ khoa học công nghệ được nâng tầm

Năm 2011, công tác xây dựng cơ chế, chính sách và hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học công nghệ đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ điều kiện để được công nhận là doanh nghiệp KH-CN, với trên 300 doanh nghiệp được hình thành từ các viện nghiên cứu, trường đại học. Tính đến năm 2011, đã có trên 220 doanh nghiệp thành lập viện hoặc trung tâm nghiên cứu chuyên ngành. Các loại hình nhiệm vụ khoa học công nghệ được nâng tầm lên về trình độ, chất lượng, hiệu quả và mở rộng về quy mô với sự hình thành các chương trình với các nhiệm khoa học công nghệ lớn, dài hạn như: đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ cao, sản phẩm quốc gia.

Đặc biệt, trong năm 2011 đã đánh dấu sự đầu tư hiệu quả của Nhà nước thông qua Dự án quy mô lớn chế tạo giàn khoan tự nâng 90m nước, rồi kết quả nghiên cứu công nghệ sản xuất xăng sinh học và dầu diezen sinh học đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất các nhiêu liệu. Lần đầu tiên Việt Nam tự thiết kế, chế tạo thành công Máy biến áp điện lực 3 pha với chất lượng tương đương châu Âu. Trong lĩnh vực y tế, các giáo sư, bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương đã nghiên cứu sử dụng tế bào gốc từ tủy xương để điều trị thành công bệnh nhân được chẩn đoán là Ly thượng bì bọng nước bẩm sinh (một căn bệnh nguy hiểm đối với trẻ em, tỷ lệ tử vong rất cao), đưa Việt Nam trở thành nước thứ hai trên thế giới, sau nước Mỹ thành công với công nghệ này.

Xác định doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới khoa học công nghệ, Bộ KH-CN đã triển khai nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ, tăng đầu tư của khu vực ngoài ngân sách cho khoa học công nghệ. Bộ cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành viện, trung tâm nghiên cứu trong doanh nghiệp để phục vụ quá trình đổi mới công nghệ nhằm phục vụ sản xuất các sản phẩm trọng điểm, điển hình là Viện Nghiên cứu tại Công ty Thủy sản Bình An, Trung tâm thiết kế, chế tạo sản phẩm mới tại Công ty sản xuất ô tô Vinaxuki…

Biểu dương những thành tựu to lớn mà ngành khoa học công nghệ đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, khoa học công nghệ chính là khâu đột phá cho sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Thủ tướng đã dẫn chứng, xuất phát chỉ từ 6.000 ha mặt nước nuôi cá da trơn, đến nay Việt Nam đã trở thành quốc gia số 1 trên thế giới về xuất khẩu loại cá này là nhờ khoa học. Chính khoa học công nghệ giúp tạo ra giống cá mẹ đẻ nuôi công nghiệp, sau đó là quy trình chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại và năng suất cao. Trong năm qua, Việt Nam ngày càng chứng tỏ là nước có thế mạnh về nông nghiệp, khi xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới; hạt điều, hạt tiêu đứng thứ nhất, thủy sản đứng thứ tư trên thế giới, thì đóng góp của khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp khoảng 30%.

Ưu tiên số một là nâng cao chất lượng và hiệu quả


Mặc dù đánh giá lĩnh vực khoa học công nghệ đã đạt được những thành công nhất định, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cũng thẳng thắn thừa nhận, đầu tư từ ngân sách dành cho KH-CN chưa thực sự hiệu quả như mong muốn. Mặc dù Bộ KH-CN chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ về hiệu quả sử dụng 2% tổng chi ngân sách dành cho khoa học công nghệ nhưng lại không được giao đủ thẩm quyền để quyết định việc phân bổ ngân sách này.

Trong xây dựng, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ, các nhiệm vụ khoa học công nghệ có quy mô nhỏ lẻ chưa được đầu tưu tới ngưỡng, tới sản phẩm cuối cùng, ít gắn kết, xâu chuỗi…; Việc đào tạo, quy hoạch, sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là cán bộ trẻ tài năng và tiềm năng, nhà khoa học đầu tư ngành trong nước chưa được phát huy được tiềm năng trí tuệ của đội ngũ khoa học công nghệ. Giải thích những tồn tại này, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân nhận định: môi trường kinh tế, môi trường kinh doanh hiện tại chưa tạo áp lực đòi hỏi các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp phải tập trung đầu tư cho khoa học công nghệ để phát triển trong điều kiện quy mô sản xuất còn nhỏ, vốn ít, trình độ lao động thấp; mức đầu tư toàn xã hội và tính trên đầu người còn quá thấp, không đủ nguồn lực cho nghiên cứu sáng tạo và đổi mới công nghệ; đồng thời một số cơ chế đổi mới đột phá và đi trước cũng khó bắt nhịp được với hoàn cảnh thực tại.

Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định, trong năm nay việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động khoa học công nghệ là ưu tiên số một. Các cấp đều phải hướng tới các mục tiêu, tạo ra kết quả nghiên cứu có chất lượng, tiếp cận trình độ quốc tế; tạo ra công nghệ và sản phẩm có năng suất, chất lượgn cao, khả năng thương mại hóa và giá trị gia tăng cao; Tập trung đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phát triển các công nghệ nguồn, xây dựng hạ tâng khoa học công nghệ quốc gia song song với tập trung nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án khoa học công nghệ…

Một trong những nội dung được nêu trong quan điểm phát triển Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2020 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Khóa X: “phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao; hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Để thực hiện theo Chiến lược, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện thể chế nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, để khoa học công nghệ thật sự là khâu đột phá. Vì đây chính là giải pháp có tính quyết định trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước.