|
|||
Theo số liệu, tỷ lệ cung ứng hàng hóa hộ trợ của Việt Nam hiện nay trong quy trình chế tạo còn rất thấp, phần lớn các linh kiện và các nguyên liệu đều phải nhập ngoại, điều này khiến chi phí sản xuất bị đội cao. Mặt khác, CNHT không phát triển cũng chính là trở ngại cho việc phát triển công nghiệp Việt Nam. Vì thế, phát triển ngành này được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta. Để phát triển CNHT thì cần thực hiện các biện pháp đa dạng và thực hiện trên phạm vi rộng, từ việc đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ đến việc cải thiện chế độ thuế, cơ chế cấp vốn và liên kết thương mại. Ngoài ra, cần phải nghiên cứu kỹ xem sẽ giải quyết vấn đề cốt lõi là đưa nguồn vốn nước ngoài vào Việt Nam bằng cách thu hút doanh nghiệp sản xuất linh kiện nước ngoài vào đầu tư và phát triển doanh nghiệp nội như thế nào. Thực tế đã cho thấy, mặc dù việc phát triển CNHT là do các doanh nghiệp thực hiện nhưng Chính phủ có vai trò rất quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT phát triển, nhất là trong giai đoạn đầu cần khuyến khích phát triển CNHT. Kinh nghiệm phát triển CNHT của các quốc gia cho thấy, doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Một điều hết sức cần thiết là các doanh nghiệp này được ưu đãi hơn về thuế đối với các khoản tái đầu tư để giúp họ tái sản xuất mở rộng. Việc khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn là căn bệnh kinh niên của khu vực tư nhân cần được giải quyết bắt đầu từ chính những thay đổi từ nhận thức đến hành động từ phía Chính phủ. Do đó, cần khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì các doanh nghiệp này là nòng cốt trong quá trình phát triển CNHT của quốc gia, là lực lượng tiên phong trong việc đón nhận các chuyển giao công nghệ, tài chính, kỹ thuật, nhân lực từ các tập đoàn nước ngoài thông qua việc phát triển liên kết. Tạo dựng môi trường kinh doanh rõ ràng, bình đẳng thống nhất và ổn định, tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng không phân biệt các thành phần kinh tế với nhau, lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong việc hoạch định các chính sách của nhà nước. Đây là một trong những biên pháp quan trọng để kích thích mạnh tới sự phát triển của hệ thống CNHT… Mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và thúc đẩy xuất khẩu để kích thích sản xuất. Để công nghiệp phụ trợ phát triển mạnh, đúng hướng thì cần quan tâm đến việc mở rộng dung lượng thị trường. Khả năng bảo đảm sự tương thích giữa quy mô của các ngành hỗ trợ và quy mô sản xuất của các ngành công nghiệp phải đủ lớn để tạo ra thị trường ổn định cho phát triển hiệu quả của các ngành hỗ trợ. Thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI việc liên kết các doanh nghiệp FDI còn gọi là các nhà thầu chính với doanh nghiệp Việt Nam- các nhà thầu phụ, nhìn chung vẫn là con đường đóng kín hai chiều. Song để phát triển CNHT thì cần thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI kể cả hướng vào thị trường nội địa và hướng ra thị trường thế giới. Lợi thế về khoảng cách sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận các doanh nghiệp FDI hơn. Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ công nghiệp, các cơ sở sản xuất dữ liệu hỗ trợ, làm cầu nối giữa các doanh nghiệp. Xây dựng một số chương trình phát triển CNHT dài hạn nhằm tập trung nỗ lực của Nhà nước đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, hỗ trợ đầu tư và liên kết phát triển ngành sản xuất hỗ trợ phục vụ cho sản xuất, lắp ráp… Một số phát triển, đặc biệt là Nhật, có chương trình xúc tiến chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các nước đang phát triển. Việt Nam nên đặc biệt tiếp nhận nhanh sự hỗ trợ này để nhanh chóng tăng khả năng cung cấp các mặt hàng CNHT hiện có, nhất là các mặt hàng đang sản xuất tại các doanh nghiệp nhà nước. Tại Hội thảo khoa học chính sách tài chính phát triển CNHT vừa qua, Giám đốc Trung tâm phát triển doanh nghiệp CNHT, Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp, TS Trương Thị Chí Bình cho rằng, cần phải huy động khả năng từ các doanh nghiệp vừa nhỏ phát triển qua từng lớp. Đồng thời, có nhiều chính sách thuế, luật thuế ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng và nguyên vật liệu. Cùng với đó, có thể có các hình thức hỗ trợ vốn vay thông qua ngân hàng, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đều có các hình thức cho vay hết sức ưu đãi với lãi suất chỉ bằng khoảng 50% so với thông thường. Cần phải khẳng định phát triển CNHT là khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam trong quá trình CNH- HĐH đất nước. Tuy nhiên, phát triển CNHT phải dựa trên tiềm năng, lợi thế so sánh của Việt Nam, phát huy tối đa năng lực đầu tư của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các đối tác chiến lược như các doanh nghiệp, tập đoàn có tầm cỡ quốc tế. Cần xây dựng một chiến lược phát triển CNHT; tạo dựng môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực CNHT; có chính sách kích cầu cho sự phát triển doanh nghiệp CNHT nội địa; tăng cường liên kết và thực hiện hợp tác trong sản xuất và lắp ráp sản phẩm…
|