Bản in
Đất nước không thể phát triển bứt phá bằng lao động giản đơn
Bây giờ chúng ta chỉ có thể phát triển đất nước nếu quan tâm đến phát triển khoa học và công nghệ đặc biệt là công nghệ cao vì nó đem lại năng suất, chất lượng cao hơn rất nhiều lần so với lao động giản đơn.

Khoán 10 đã đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới nhưng không thể đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp nếu chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Phát triển đất nước qua con đường công nghệ cao

Chúng ta đặt mục tiêu tới năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp với GDP/đầu người khoảng 3.000 USD. Tính đến năm 2008, GDP/đầu người của Việt Nam mới đạt 1.000USD.

Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), đặc biệt công nghệ cao (CNC), chính là chìa khoá giúp Việt Nam đi tắt, đón đầu và thực hiện thành công mục tiêu đề ra. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X năm 2006 khẳng định "... Cố gắng đi ngay vào công nghiệp hiện đại đối với một số lĩnh vực then chốt... Chú trọng phát triển CNC để đột phá".

Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Nguyễn Quân.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân chia sẻ: "Trong suốt 20 năm qua, chúng ta tăng trưởng chủ yếu vào sự cởi trói cơ chế và dựa vào lao động cơ bắp. Huy động lao động cơ bắp hay lao động nhân công giá rẻ đến thời điểm này cũng đã tối đa, chúng ta không thể bắt người nông dân, người công nhân làm việc nhiều hơn nữa trên ruộng đồng, trong nhà máy. Bây giờ chúng ta chỉ có thể tiếp tục phát triển đất nước, duy trì tốc độ tăng trưởng thậm chí tăng trưởng cao hơn nếu chúng ta quan tâm đến phát triển KH&CN trong đó đặc biệt là CNC vì nó đem lại năng suất, chất lượng cao hơn rất nhiều so với lao động giản đơn".

Lấy ví dụ từ khu CNC Tân Trúc (Hsinchu) của Đài Loan. Năm 2003, năng suất lao động của một người trong khu CNC này gấp 700-800 lần một người lao động Việt Nam. Tổng giá trị sản phẩm của họ chiếm khoảng 48 tỉ USD. Giá trị sản phẩm/đầu người của Tân Trúc đạt gần 500.000USD. Trong khi Việt Nam, ở thời điểm đó, GDP/đầu người chỉ khoảng 500 - 600USD. Như vậy, chỉ khu CNC Tân Trúc với 100.000 người đã có giá trị sản lượng tương đương với GDP của Việt Nam lúc đó.

Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của CNC trở thành điều kiện chủ yếu bảo đảm tốc độ và chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và chất lượng cuộc sống cho người dân ở mỗi quốc gia.
 
Trung Quốc coi phát triển các ngành công nghiệp CNC là nhiệm vụ chiến lược quốc gia. Theo kết quả thống kê năm 2005, trong số 45.000 doanh nghiệp tại 53 khu CNC của Trung Quốc có 30.000 doanh nghiệp CNC. Tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm CNC đạt 220 tỉ USD, chiếm khoảng 28,6% giá trị xuất khẩu của Trung Quốc (Năm 2006, tổng giá trị xuất khẩu CNC của nước này đã lên đến con số 280 tỉ USD và chiếm 29% tổng giá trị xuất khẩu). Các ngành công nghiệp CNC của Đài Loan chiếm tới 40% giá trị xuất khẩu của Đài Loan sang Mỹ và 13% sang Nhật Bản.

Đã đến lúc Việt Nam đi theo con đường công nghiệp hoá rút ngắn. Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi chúng ta phải đẩy nhanh tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế để không bị tụt hậu. Lựa chọn hướng đi theo công nghệ cao để góp phần đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 là tất yếu.

Kết nối cung cầu Việt Nam - Nhật Bản, một trong những hướng xây dựng năng lực công nghệ cao trong doanh nghiệp.

Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp phát triển CNC

Đảng và Nhà nước đã nhìn thấy con đường phát triển đất nước thông qua CNC và có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển CNC đặc biệt là phát triển CNC tại các doanh nghiệp. Chúng ta đã có hành lang pháp lý để phát triển CNC. Luật CNC được Quốc hội thông qua cuối năm 2008 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2009. Điều này đánh dấu sự nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng nền tảng pháp lý cho các hoạt động phát triển CNC.

Luật CNC sẽ mang lại nhiều lợi ích và hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, đầu tư ứng dụng CNC trong sản xuất và nâng cao trình độ KH&CN. Bộ KH&CN đang xây dựng Chương trình phát triển CNC song hành với bốn đề án lớn khác là Đề án Phát triển thị trường công nghệ, Đề án Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hoá, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia và Đề án Hỗ trợ cho các tổ chức KH&CN chuyển sang cơ chế tự chủ, phát triển doanh nghiệp KH&CN. Đây sẽ là văn bản pháp lý quan trọng thúc đẩy phát triển CNC trong doanh nghiệp.

Để phát triển CNC, theo Thứ trưởng Nguyễn Quân, cần có sự nỗ lực của các doanh nghiệp, các nhà khoa học biết nghiên cứu, ứng dụng và phát triển CNC vào sản xuất kinh doanh. Số doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng thành công CNC vào trong sản xuất không phải hiếm như Tập đoàn Tàu thuỷ VN (Vinashin), Viettel Telecom, Xí nghiệp TNHH Minh Long I, Xí nghiệp cơ khí Quang Trung (Ninh Bình), Công ty Cổ phần sơn Hải Phòng,...

Đằng sau sự vững mạnh của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp đều có bóng dáng của nghiên cứu khoa học mà nổi bật nhất là việc ứng dụng CNC. Nếu Việt Nam có khoảng 10.000 doanh nghiệp ứng dụng CNC, mỗi doanh nghiệp có doanh thu 10 triệu USD, chúng ta đã có một con số GDP rất ấn tượng.

Hơn nữa, cuộc cạnh tranh toàn cầu sẽ không còn chỗ đứng cho các doanh nghiệp không chịu đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm. Công nghệ cao trên thế giới phát triển nhanh như ngày nay là nhờ sự năng động, sáng tạo của nhiều doanh nghiệp. Nếu không có các công ty kinh doanh CNC như Microft, IBM, HP, Sisco, Oracle... khó có những thành tựu kỳ diệu về công nghệ thông tin mà chúng ta đang sử dụng. Doanh nghiệp Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chạy đua và ứng dụng công nghệ đặc biệt là CNC, nếu muốn tồn tại và phát triển.

 
Nguyễn Uyên