Những đổi mới mang tính đột phá
Nhận thức rõ sự cần thiết và tính thiết yếu của việc cải tổ hệ thống các tổ chức KH - CN theo hướng gắn kết chặt chẽ hơn với thị trường, Bộ KH - CN đã trình Chính phủ triển khai chủ trương lớn mang tính đột phá trong hoạt động KH-CN, đó là chuyển đổi các tổ chức KH-CN công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/2005 và hình thành doanh nghiệp KH - CN theo Nghị định 80/2007.
Bộ trưởng Bộ KH - CN Nguyễn Quân cho biết, đến nay, hầu hết các tổ chức KH - CN công lập đã được giao quyền tự chủ ở mức độ khác nhau. Số lượng các tổ chức thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã có sự gia tăng lớn, chiếm tới hơn 80% các tổ chức đăng ký ở các bộ, ngành và địa phương. Đặc biệt, trong đó có khoảng 65% các tổ chức có đề án chuyển đổi sang cơ chế mới đã được phê duyệt. Hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ điều kiện để được công nhận là doanh nghiệp KH - CN, trong đó số doanh nghiệp khởi nguồn từ các viện nghiên cứu, trường đại học chiếm 15%.
Cùng với đó, sự phân tách loại hình nghiên cứu và kênh hỗ trợ để quản lý cũng là bước đổi mới mang tính đột phá. Theo đó, với các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, Bộ KH - CN đã triển khai kênh tài chính hỗ trợ từ Quỹ Phát triển KH - CN quốc gia. Mặc dù mới triển khai hoạt động trong một thời gian ngắn và các đề tài nghiên cứu được tài trợ trong đợt đầu tiên vẫn chưa kết thúc thời gian thực hiện, nhưng tính đến tháng 11.2011 đã có 431 bài báo khoa học là kết quả của các công trình nghiên cứu do Quỹ tài trợ được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín nhất của thế giới (thuộc hệ thống do ISI xếp hạng), chiếm 20% tổng số các công trình nghiên cứu của Việt Nam được công bố.
Bên cạnh đó, cùng với sự duy trì nguồn đầu tư của Nhà nước cho KH -CN ở mức 2% tổng chi ngân sách, từ năm 2008, việc trao quyền cho Bộ KH - CN kiểm tra, giám sát việc sử dụng ngân sách KH - CN ở các bộ, ngành, địa phương, nên tình hình sử dụng ngân sách KH - CN đã được cải thiện. Cùng với đó, các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ đã có những tác động tích cực làm tăng đầu tư của khu vực ngoài ngân sách cho KH - CN. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, Bộ KH - CN đã hỗ trợ hơn 425 tỷ đồng cho hàng trăm doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, tạo tiền đề để các doanh nghiệp này huy động thêm hơn 4 nghìn tỷ đồng cho việc triển khai các đề tài nghiên cứu sản phẩm mới. Đối với các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế, Bộ đã tập trung hỗ trợ giải quyết các vấn đề KH - CN trình độ cao nhằm tạo ra các công nghệ phục vụ sản xuất các sản phẩm trọng điểm của nền kinh tế...
Phát triển nhưng chưa vững chắc
Cùng với những thành tựu đạt được, Bộ trưởng Bộ KH - CN Nguyễn Quân cũng thẳng thắn chỉ rõ, những thành tựu của KH - CN đạt được chưa mang tính hệ thống đồng bộ và vững chắc, chưa đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước trong giai đoạn mới.
Việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH - CN công lập còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, chưa xây dựng được cơ chế đồng bộ để triển khai, chưa có sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương. Nhiều địa phương còn mang nặng tư tưởng bao cấp chưa chủ động trong chuyển đổi mà đôi khi còn làm theo hình thức, đối phó nên kết quả không cao.
Bên cạnh đó, cơ chế tài chính còn nhiều bất cập là một khó khăn, vướng mắc lớn nhất mà ngành KH - CN đã và đang đối mặt. Nguyên Bộ trưởng Bộ KH - CN Hoàng Văn Phong cho rằng, muốn nền KH - CN nước nhà phát triển mạnh thì điều đầu tiên là chúng ta phải xem trong cơ chế chính sách có cái gì cần tháo gỡ, cởi bỏ để tạo ra một môi trường hết sức thông thoáng. Vấn đề này đã đề xuất với Chính phủ nhưng cần phải có sự chung tay của nhiều bộ, ngành khác.
Nói về cơ chế tài chính, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, công tác phân bổ ngân sách KH - CN vẫn mang tính bao cấp, chia theo tỷ lệ, tiền lệ của năm trước mà chưa thực sự căn cứ theo hiệu quả hoạt động, năng lực và nhu cầu thực tế. Tuy Bộ KH - CN có vai trò là cơ quan quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động KH - CN của quốc gia, nhưng trên thực tế việc phân bổ và sử dụng ngân sách KH - CN, nhất là ngân sách đầu tư phát triển KH - CN lại không do Bộ KH - CN quyết định.
Hơn nữa, việc phân bổ ngân sách đầu tư phát triển KH - CN (chiếm 40 - 44% ngân sách KH - CN hàng năm) cho đến nay vẫn do Bộ KH - ĐT thực hiện. Trong khi Bộ KH - CN là cơ quan chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ về 2% tổng chi ngân sách dành cho KH - CN, nhưng lại chưa được tham gia vào quá trình phân bổ, dẫn đến không kiểm tra, giám sát được tình hình sử dụng nguồn ngân sách này và không làm rõ trách nhiệm về hiệu quả đầu tư, nhất là chế độ báo cáo và thống kê không được thực hiện nghiêm túc.
Một vấn đề đáng quan tâm nữa là hầu hết các doanh nghiệp nước ta chưa sẵn sàng và cũng chưa có nhiều động lực để đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Đến nay, chỉ khoảng 0,1 - 0,3% doanh thu của các doanh nghiệp được đầu tư cho hoạt động này. Năng lực tiếp thu, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp nước ta không cao. Công nghệ được mua bán chủ yếu trên thị trường là thiết bị, máy móc và dây chuyền công nghệ toàn bộ.
Tại Hội nghị Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý, hoạt động và tổ chức KH - CN do Bộ KH - CN tổ chức mới đây, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, muốn KH - nước nhà có bước đột phá mạnh mẽ thì cần tập trung nguồn lực thay đổi nhanh cơ chế quản lý, đặc biệt là cơ chế tài chính để KH - CN có động lực phát huy thế mạnh của mình, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng kinh tế - xã hội của đất nước.
Hồng – Hoàn
|