Bản in
Giám đốc Sở KH&CN Lạng Sơn: 10 tỷ đồng chưa đủ chi
Bộ KH&CN đã tổ chức một hội thảo quy mô quốc gia nhằm tiếp tục xây dựng đề án đổi mới KH&CN. Sau 7 năm triển khai, ông Lường Đăng Ninh cho rằng, cứ nói đổi mới mà không có tiền, không có người giỏi, thì cũng vẫn thế mà thôi.

Quy trình đang có lỗi

Việc đổi mới quản lý KHCN đã được tiến hành 7 năm rồi, nhưng theo nhiều chuyên gia thì sự chuyển biến chưa nhiều. Quan điểm của ông thế nào?

Tôi làm quản lý đã được 5 năm. So với trước đây thì giờ đã có sự thay đổi rất nhiều. Có thể nói là có sự phát triển vượt bậc. Kết quả nghiên cứu nhiều hơn, người được hưởng lợi nhiều  hơn. Nhưng so với yêu cầu của cuộc sống đòi hỏi thì nó vẫn ở mức thấp.

Ông thấy việc chuyển giao công nghệ cho đồng bào dân tộc có khó khăn không?

Rất khó.

Tôi đang thắc mắc xem lý do là gì?

Đồng bào nghe các nhà khoa học thuyết trình công nghệ mới thì cũng hứng thú lắm. Cũng có những nhà làm được. Nhưng không ít nhà không làm được là do điều kiện kinh tế của họ chưa đáp ứng được. Mà nhà không có điều kiện kinh tế lại chiếm đa số. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức cũng gây ra nhiều hạn chế.

Có khi nào có một đề tài nghiên cứu hữu ích nhưng do thủ tục hành chính mà không thực hiện được?

Có. Vừa rồi chúng tôi có chọn 1 đề tài nghiên cứu đề tài giống khoai tây sạch bệnh với công nghệ cao. Khi đã hoàn thiện quy trình, sản xuất ra giống rồi, chúng tôi đề nghị Sở NN&PTNT phối hợp để triển khai trên diện rộng cho bà con. Nhưng Sở nói không có trung tâm giống cây trồng. Bản thân ngành nông nghiệp cũng có khó khăn.

Còn trung tâm khuyến nông nói họ không có chức năng đi nhân giống cho dân. Vậy là 1ha đạt 25 - 30 tấn khoai tây thương phẩm, gấp đôi so với khoai tây thông thường, nhưng lại không thể triển khai rộng rãi được.

Theo ông lỗi do đâu?

Ngành nông nghiệp chưa có chức năng làm việc đó nên cũng không trách được họ. Tôi nghĩ, lỗi là do quy trình của mình đang có vấn đề.

Tại sao đơn vị ông không tự triển khai?

Chúng tôi không đủ sức. Kinh phí chỉ đủ để nghiên cứu chứ không có tiền để triển khai ứng dụng.

Tiền ít mà nhu cầu lớn

Vậy tổng kết lại ông thấy khó khăn lớn nhất là gì?

Khó nhất vẫn là nhận thức từ cấp ủy, các cấp lãnh đạo tỉnh, huyện đến cơ sở. Nhận thức về KHCN chưa tương xứng với tầm của nó. Vì nhận thức chưa đúng nên người ta cũng chưa thực sự quan tâm đến nó. Đó là một trong những nguyên nhân làm nên sự chậm phát triển.

Còn những nguyên nhân khác thì sao thưa ông?

Nguồn tài chính chưa tương xứng. Thiếu các nhà khoa học tâm huyết, có năng lực. Quản lý nguồn tài chính cũng vậy. Phải phân bổ thế nào cho hiệu quả vẫn là vấn đề bức xúc của các địa phương.

Kinh phí hàng năm của Sở là bao nhiêu thưa ông?

Khoảng trên dưới 10 tỷ đồng.

Có đủ để chi cho khoa học?

Không đủ.

Vậy phải bao nhiêu mới là đủ?

Tôi nghĩ con số này phải gấp một hai lần.

Thừa - Thiếu

Đội ngũ làm khoa học ở địa phương ông có nhiều không?

Chúng tôi có hơn 3.000 nhà khoa học trong các lĩnh vực, trong đó 70% trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. Nhất là các trung tâm khuyến nông, các trạm khuyến nông, lâm nghiệp... Cán bộ những ngành đó là những nhà khoa học trực tiếp là những người chuyển giao kết quả nghiên cứu cho người nông dân.

Con số đó có thừa không ạ?

Cũng không thừa đâu bởi vì họ làm nhiều việc. Họ phải kiểm soát toàn bộ quy trình, hướng dẫn cho bà con chứ không đơn thuần là chỉ nghiên cứu.

Vậy có thiếu không thưa ông?

Thiếu thì vẫn thiếu. Đó là thiếu những cán bộ có năng lực, tâm huyết. Còn tính về hàm kỹ sư và nhiệm vụ phân công thì không thiếu. Chỉ thiếu những người thực sự có năng lực và tâm huyết với nghề thôi. Thực ra ở địa phương không có cán bộ khoa học chuyên trách, họ làm tất cả các việc từ nghiên cứu đến chuyển giao và thực hiện.

Đội ngũ đông như vậy nhưng bức tranh chung về KHCN hiện vẫn chưa thể sáng, có khi nào ông nghĩ đến một cuộc thanh lọc và đề ra chính sách tuyển dụng nhân tài một cách quyết liệt?

Cái đó thì ở tầm cao hơn nhiệm vụ của một cơ quan chuyên ngành địa phương như tôi. Chúng tôi cũng đã có các nghị quyết thu hút nhân tài rồi.

Chính sách đó đã hút được người tài chưa thưa ông?

Thực tế thì nó chưa khiến người ta mặn mà cho lắm. Bởi vì thực ra cái mức ưu đãi mua nhà thu nhập thấp hay trợ cấp hằng tháng...  là thấp so với điều kiện sinh hoạt tại địa phương đó. Ví dụ, 1 GS, 1 TS có nhu cầu làm việc ở địa phương nhưng trang thiết bị, điều kiện làm việc lại tương đối thấp nên đa phần không phát huy được hết khả năng của họ nên họ chưa muốn về.

Đầu tư cho khoa học thì rủi ro cao

Ông mong muốn gì về sự phát triển KHCN địa phương mình?

Tôi mong muốn thời gian tới có sự cải tiến hơn, phối hợp đồng bộ hơn từ trung ương tới địa phương. Khoa học được đầu tư nhiều hơn, thu hút được nhiều người tài hơn.

Cải tiến cụ thể là gì?

Để đem lại hiệu quả. KHCN nó có đặc thù riêng. Có lúc đầu tư 1 đồng ra 10 đồng, nhưng có lúc đầu tư 10 đồng lại mất trắng cả 10 đồng. Nên phải nghiên cứu làm sao để nó phát huy hiệu quả. Làm khoa học, tìm tòi ra những cái mới thì phải chấp nhận rủi ro cao.

Có phải vì rủi ro cao nên các doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư?

Đúng vậy! Nhà đầu tư phải sàng lọc, phải chọn công nghệ nào đó làm lợi cho doanh nghiệp thì họ mới đầu tư. Còn nghiên cứu cơ bản thì rủi ro sẽ cao hơn. Ví dụ như nghiên cứu ra giống mới, sản phẩm mới, nhiều khi cho ra đời sản phẩm nhưng lại không thể ứng dụng trong thực tế thì cũng có thể coi là nghiên cứu thất bại, mất trắng.

Việc đầu tư của các doanh nghiệp vào KHCN hiện nay của địa phương ông có nhiều không?

Lạng Sơn là một tỉnh còn nghèo nên doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số. Việc mạnh dạn đầu tư vào KHCN rất thấp, chỉ chiếm khoảng 10% doanh nghiệp mạnh dạn bỏ tiền ra để đổi mới công nghệ, mua công nghệ vào sản xuất.

Xin cảm ơn ông!

"Dù đầu tư cho khoa học chiếm tỷ trọng khá lớn nhưng kết quả đạt được vẫn chưa như mong đợi. Hầu như tất cả các công trình lớn, tổng công trình sư đều không phải là người Việt. Cầu dây văng Mỹ Thuận, Hầm Thủ Thiêm... là những ví dụ. Trong khi đó, trình độ, công nghệ thì chúng ta có thừa. Phải chăng chúng ta không có người giỏi? Chúng ta phải tìm ra được câu trả lời này".

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân