Bản in
Cần làm rõ hơn vai trò tổng tư lệnh trên mặt trận KH&CN
Trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý, hoạt động và tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) hiện nay, vai trò tổng tư lệnh trên mặt trận KH&CN của Bộ KH&CN còn chưa rõ ràng.

Đây là một trong những nội dung được các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp nhấn mạnh tại Hội nghị “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý, hoạt động và tổ chức KH&CN” do Bộ KH&CN tổ chức ngày 15/12 vừa qua.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, trong 7 năm thực hiện cơ chế quản lý KH&CN theo Quyết định 171/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các kết quả đạt được bước đầu đã góp phần tích cực thúc đẩy KH&CN phát triển, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh các vấn đề mới phát sinh đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện, đồng bộ cơ chế quản lý KH&CN, bản thân các cơ chế, chính sách đã ban hành sau 7 năm thực hiện cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần tháo gỡ. Các vướng mắc tập trung nhiều ở 3 nhóm giải pháp lớn: cơ chế xây dựng, tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN; cơ chế đầu tư tài chính cho KH&CN; cơ chế quản lý nhân lực KH&CN.

Các chuyên gia và nhà khoa học đều cho rằng, quá trình đổi mới KH&CN hiện nay còn thiếu một vai trò tổng tư lệnh trên mặt trận KH&CN, đơn vị đầu ngành về KH&CN hiện chưa được toàn quyền quyết định nhiều vấn đề quan trọng của ngành, nhất là vấn đề tài chính.

Các đại biểu đã đưa ra những góp ý nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho giới khoa học như: tăng cường hợp tác giữa Bộ KH&CN với các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương; có chế độ đãi ngộ đặc biệt với nhân lực trình độ cao và Việt kiều; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phòng thí nghiệm, tiếp cận với Quỹ phát triển KH&CN quốc gia và một số quỹ khác; áp dụng nguyên tắc đồng tài trợ khi đầu tư cho các đề tài khoa học có tính ứng dụng cao;…

Tham dự và phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc đổi mới toàn diện đối với lĩnh vực KH&CN là điều hết sức cần thiết, góp phần tạo động lực để các nhà khoa học, các cơ quan quản lý lĩnh vực này có hành lang thuận lợi để hoạt động. Những kết quả đã đạt được sau 7 năm thực hiện Đề án chứng tỏ sự chuyển biến rất quan trọng, đúng hướng và là tiền đề cho giai đoạn tiếp theo.
Thời gian tới, ngành KH&CN cần sắp xếp lại hệ thống các đơn vị nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho hợp lý, có chính sách phân loại cấu trúc các đơn vị nghiên cứu để tạo thành chuỗi nghiên cứu ứng dụng đồng bộ, thống nhất, trở thành nòng cốt của hệ thống đổi mới quốc gia.
Về cơ chế tài chính, cần tạo sự chuyển biến trong nhận thức về việc đầu tư cho KH&CN. Trong đó đảm bảo nguyên tắc quản lý đề tài, dự án trên cơ sở hiệu quả đầu ra thay vì đầu tư dàn trải như trước đây. Phải đánh giá được sản phẩm KH&CN tạo ra phục vụ phát triển KH&CN như thế nào, giá trị của sản phẩm so với kinh phí đầu tư.

Phó Thủ tướng cũng đưa ra các yếu tố cơ bản để tạo động lực cho KH&CN phát triển, gồm: tạo môi trường, cơ chế thuận lợi cho các nhà khoa học tâm huyết, say mê với hoạt động nghiên cứu khoa học bằng việc có chế độ đãi ngộ cao nếu các công trình, đề tài có hiệu quả, tính ứng dụng cao, giúp nhà khoa học sống được bằng nghề nghiên cứu; giao quyền tự chủ và kinh phí phù hợp cho các đơn vị cơ sở; phối hợp tạo ra hiệu ứng hệ thống trong KH&CN; khai thác tốt hơn tiềm năng hợp tác quốc tế.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ KH&CN cần hình thành các chương trình nghiên cứu quốc gia về khoa học cơ bản và khoa học xã hội. Đổi mới cơ chế đặt hàng và tăng cường công tác đặt hàng các sản phẩm khoa học, theo đó các tỉnh, thành phố, địa phương chủ động xác định nhu cầu của mình để đặt hàng các nhà khoa học, viện nghiên cứu.

Bộ KH&CN sẽ có trách nhiệm hoàn thiện Đề án, trình Thường trực Chính phủ trước ngày 15/1/2012, sau đó sẽ xây dựng các đề án thành phần và triển khai thực hiện ngay sau khi được Thủ tướng phê duyệt.

Tin, ảnh: Nguyễn Hạnh