Đây là cơ hội để các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách của hai nước trao đổi thông tin, thảo luận về các vấn đề liên quan đến vấn đề này.
GS.TSKH Đào Trí Úc, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng những hạn chế trong tổ chức và hoạt động nghiên cứu chính sách pháp luật ở Việt Nam hiện nay là việc nghiên cứu mang tính chính sách và định hướng chưa được các tổ chức xã hội dân sự quan tâm.
Mặt khác, cơ chế hình thành quan điểm xây dựng pháp luật và đưa vào ứng dụng các kết quả nghiên cứu còn mang tính tự phát cao. Chưa hình thành được mối liên hệ chính thức giữa các cơ quan trong hệ thống lập pháp với các Viện nghiên cứu; chưa có ý kiến tham khảo ý kiến, tư vấn, phản biện trong quá trình lập pháp nói chung và về các nghiên cứu. Mặc dù ý tưởng về một cơ chế như vậy đã được chính thức đặt ra trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước.
Theo PGS.TS Phạm Bích San, Phó Tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam thì trong một đất nước đang đổi mới nhanh như Việt Nam, nhu cầu về các tổ chức hoạt động theo kiểu tư vấn chính sách (Think tank) là có thật. Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp và sự giàu có hơn của các tầng lớp nhân dân đảm bảo cho thời gian sắp tới có đủ nguồn đầu tư vật chất chảy vào cho các tổ chức hoạt động theo kiểu tư vấn chính sách. Hơn nữa, sự phát triển nhanh chóng của xã hội điện đại đòi hỏi sự điều chỉnh chính sách phải nhanh, xa và thấu đáo.
Đã đến lúc, Việt Nam có đủ điều kiện và cần thiết xây dựng hình thức tư vấn chính sách. Theo kinh nghiệm tại Đức, tổ chức hoạt động theo kiểu tư vấn chính sách không phải là hiện tượng gì mới, nhưng xét về cấu trúc, lịch sử hình thành và chức năng thì chúng khác hẳn các think tank ở Hoa Kỳ. Cho đến nay, các cơ quan hàn lâm – đại học tổng hợp và nhiều tổ chức khoa học lớn ở Đức cũng như các cơ sở khoa học được nhà nước hỗ trợ đã và đang tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn chính sách.
Ngoài việc thu thập thông tin, nghiên cứu khoa học để có được chính sách tư vấn tốt, các cơ quan chức năng cũng cần vận động chính sách để đưa tư vấn chính sách đến được cơ quan hoạch định chính sách. Việt Nam đã đạt tới ngưỡng phát triển có thu nhập ở mức trung bình và các bài toán phát triển đã có thể có nhiều lựa chọn khác nhau và không thể giải quyết một cách đơn lẻ và thiếu các tư vấn chính sách chuyên nghiệp.
|