|
|||
Đổi mới toàn diện cơ chế quản lý KH&CN Vấn đề đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN được đặt ra từ khi Luật KH&CN ban hành và đã được Bộ KH&CN xây dựng thành Đề án đổi mới quản lý KH&CN và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2004. Qua 7 năm thực hiện, đã có nhiều kết quả tích cực. Có thể ví dụ, với đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động của các tổ chức KH&CN, Bộ KH&CN đã thực hiện có hiệu quả việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các tổ chức KH&CN công lập; bước đầu hình thành lực lượng doanh nghiệp KH&CN đi tiên phong trong một số lĩnh vực, tạo nền tảng phát triển thị trường công nghệ. Ngoài các tổ chức KH&CN công lập, đã ra đời các tổ chức KH&CN ngoài công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính, là mô hình cho việc đổi mới cơ chế hoạt động của các tổ chức công lập. Đến nay, đã có gần 900 tổ chức KH&CN ngoài công lập trong tổng số hơn 1600 tổ chức KH&CN trong cả nước. Việc triển khai thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ-CP về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập và Nghị định 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN đã có những kết quả tích cực. Các đơn vị công lập được quyền tự chủ cao về xác định nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tài chính, đặc biệt, được quyền sản xuất kinh doanh như doanh nghiệp và được cấp Đăng ký kinh doanh, được hưởng mọi ưu đãi như doanh nghiệp. Cơ chế này góp phần tạo hành lang pháp lý giúp đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất, để nhà khoa học có thu nhập xứng đáng từ hoạt động nghiên cứu. Về phát triển thị trường công nghệ, hoạt động này đã có nhiều khởi sắc và hứa hẹn tiềm năng to lớn. Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) đã tạo môi trường gắn kết nhà khoa học, nhà quản lý với nhà sản xuất, kinh doanh, được xã hội đánh giá là một trong những hình thức hoạt động có hiệu quả để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Số lượng giao dịch mua bán công nghệ giai đoạn 2006-2010 đã tăng hơn 3 lần, tổng giá trị giao dịch thông qua các hợp đồng được ký kết tăng gần 2,5 lần so với giai đoạn 2001-2005 và đạt gần 6.000 tỷ đồng. Nếu tính cả công nghệ, thiết bị được giao dịch thông qua các Hội chợ sản phẩm mới, tổng giá trị các hợp đồng mua bán công nghệ ước tính đạt khoảng 20.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các Techmart ảo, Techmart vùng đã được triển khai ở nhiều địa phương và hỗ trợ tích cực cho các hoạt động hậu Techmarrt như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng…
Tại Chợ Công nghệ và Thiết bị VN Asean + 3 đã có hơn 2 ngàn hợp đồng Với đổi mới chính sách đầu tư tài chính cho KH&CN, có thể nói quan điểm đa dạng hoá các nguồn đầu tư cho KH&CN được coi là một trong những giải pháp tài chính quan trọng nhằm giảm gánh nặng của ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN. Đến nay, kinh phí từ ngân sách không còn là kênh duy nhất đầu tư cho KH&CN bởi việc huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp và toàn xã hội đầu tư cho KH&CN đã đạt được kết quả bước đầu. Tỷ trọng đầu tư cho KH&CN của khu vực tư nhân đã tăng đáng kể. Cơ quan nghiên cứu có thể tận dụng các nguồn vốn do thực hiện hợp đồng, liên doanh, liên kết và hợp tác quốc tế. Các doanh nghiệp được trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để thành lập quỹ phát triển KH&CN; các bộ, ngành, địa phương cũng được phép lập quỹ phát triển KH&CN để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, hỗ trợ áp dụng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Đến nay đã có hơn 20 tỉnh và hàng trăm doanh nghiệp thành lập Quỹ, tạo nguồn vốn khá lớn cho hoạt động KH&CN. Sự đổi mới về cơ chế tài chính còn được định hướng vào việc cải tiến chế độ phân bổ, cấp phát và quản lý ở tầm vĩ mô cũng như đổi mới chế độ tài chính của các cơ sở nghiên cứu khoa học theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Cùng với đó, sự ra đời của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (năm 2008), Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (năm 2011) đã đánh dấu sự ra đời của một mô hình mới trong quản lý tài chính KH&CN, góp phần đa dạng hóa các kênh đầu tư, tạo cơ hội rộng mở cho mọi thành phần trong xã hội được tiếp cận với các nguồn tài chính của Chính phủ khi tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đặc biệt, việc triển khai các chương trình tài trợ của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia theo cơ chế mới như tài trợ nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên đã được cộng đồng khoa học đánh giá như một “bước tiến thành công có tính cách mạng” trong quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Theo thống kê gần đây của Viện Thông tin khoa học quốc tế (ISI), Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia là cơ quan tài trợ nhiều nhất trong các công bố quốc tế Việt Nam thời gian qua. Số lượng công bố quốc tế chỉ riêng trong 3 năm (2008-2010) đã tương đương với số lượng công bố quốc tế cả giai đoạn 1995-2004 và gấp 3 lần Thái Lan, xét theo cùng thời điểm đạt mức thu nhập bình quân đầu người 1.000 USD. Giải pháp tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý KH&CN Mặc dù đã có những kết quả rất tích cực, toàn diện và đồng bộ trên tất cả 6 nhóm giải pháp trong Đề án đổi mới cơ chế quản lý KH&CN, song Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, còn nhiều khó khăn, vướng mắc về đổi mới cơ chế quản lý nhân lực KH&CN, cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động của tổ chức KH&CN… và thực sự cần có các đột phá để tháo gỡ và phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã gợi ý một số giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động KH&CN trong thời gian tới. Cụ thể, cần xem xét lại cách xây dựng chương trình, đề tài, dự án và nhiệm vụ KH&CN; rà soát lại các tổ chức KH&CN, tránh sự chồng chéo; làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương với việc triển khai hoạt động KH&CN và làm thế nào để lãnh đạo địa phương coi KH&CN là công cụ để phát triển kinh tế xã hội. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, phải chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và không nên coi việc không thành công của một số đề tài nghiên cứu khoa học là thất bại vì không thể 100% nghiên cứu đều thành công. Trong đổi mới cơ chế hoạt động KH&CN, cần tập trung khắc phục các vướng mắc, tồn tại về cơ chế tài chính. Phó Thủ tướng nhất trí cần có cơ chế tài chính đặc biệt đối với những nhà khoa học được Nhà nước giao chủ trì nhiệm vụ KH&CN đặc biệt cấp quốc gia, những người làm khoa học cơ bản chủ chốt, có cơ chế khuyến khích các công bố quốc tế,… Cơ chế tài chính cho các các đề tài, chương trình cần đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu chuyên sâu của các ngành khoa học, đồng thời cũng phải phát huy được khả năng ứng dụng thiết thực. Cũng cần tăng cường giao nhiệm vụ ở dạng giao sản phẩm, có cơ chế giao quyền sử dụng kinh phí đối với những người đứng đầu cơ sở nghiên cứu, người làm đề tài. Xây dựng một hệ thống hoặc bộ chỉ số để đánh giá sản phẩm KH&CN với các tiêu chí như tiết kiệm đầu tư, rút ngắn thời gian sử dụng công nghệ… so với sản phẩm cùng loại. Theo dự kiến tháng 10/2011 Bộ KH&CN sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN. Đây sẽ là dịp để đánh giá lại tình hình thực hiện Đề án đổi mới cơ chế quản lý KH&CN và tiếp tục quá trình đổi mới quản lý trong giai đoạn mới. Từ đó, đề xuất một số cơ chế đột phá trong quản lý, tổ chức và hoạt động KH&CN. Nguyễn Hạnh |