Bản in
Khoa học công nghệ đặt “kỳ vọng” vào năm 2020
Năm 2011, khoa học công nghệ (KHCN) mới huy động được khoảng 800 triệu USD từ nguồn ngân sách, DN, trong khi nhu cầu thực tế phải trên 3 tỷ USD. Nếu tới năm 2020, khoảng cách trên được thu hẹp lại và Việt Nam có mức đầu tư cho KHCN bằng Thái Lan, Malaysia thì hoàn toàn có thể kỳ vọng ngành khoa học sẽ tạo ra những “đột phá”. Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân đã chia sẻ như vậy trong cuộc trao đổi với báo chí nhân dịp ông vừa đảm nhiệm cương vị mới.

Xin Bộ trưởng cho biết lĩnh vực KHCN nào sẽ được ưu tiên tập trung giải quyết trong nhiệm kỳ này?

Có 4 nhiệm vụ trọng tâm mà tôi quan tâm trong thời gian trước mắt. Một là, tập trung thực hiện tốt các chương trình quốc gia về KHCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như chương trình sản phẩm quốc gia, chương trình phát triển công nghệ cao, chương trình phát triển thị trường công nghệ… Thứ hai, Bộ sẽ tập trung vào xây dựng đề án đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động KHCN và chính sách sử dụng, trọng dụng cán bộ KH&CN. Thứ ba, tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm tiến tới giao quyền tự chủ triệt để cho các tổ chức công nghệ để sớm hình thành hệ thống các DN KHCN. Trọng tâm cuối cùng là triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2011-2015 thật tốt để các chương trình nghiên cứu trọng điểm Nhà nước cho ra được những sản phẩm hàm lượng công nghệ cao.

Mặc dù Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc cải thiện chỉ số sáng tạo công nghệ toàn cầu nhưng nhìn chung trình độ KHCN của ta vẫn còn thấp. Theo ông, nguyên nhân nào khiến KHCN Việt Nam tụt hậu hơn các nước láng giềng?

Nguyên nhân gây trì trệ trong hoạt động KHCN thì có nhiều, nhưng trước hết phải kể đến việc đầu tư cho KHCN chưa cao. Mặc dù được Nhà nước chi 2% tổng chi ngân sách quốc gia, khoảng 0,5% GDP tương đương các nước trên thế giới, nhưng mức đầu tư của xã hội và DN (ngoài khu vực Nhà nước) cho KHCN còn rất thấp, khoảng 0,3-0,4% GDP. Mức đầu tư trên đầu người của Việt Nam lại càng thấp hơn nữa so với các nước khác (khoảng 6-7 USD/năm). Như vậy, tổng đầu tư của Việt Nam cho KHCN hàng năm vẫn dưới 1% GDP. Trong khi đó, mức đầu tư của Trung Quốc năm 2010 là 2,2% GDP, của Hàn Quốc là 4,5% GDP. Nếu tới năm 2020, tổng mức đầu tư cho KHCN của Việt Nam không đạt 2% GDP thì rất khó để chúng ta thành công trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Kế đến, do chưa có hệ thống thống kê khoa học đầy đủ nên công tác lập kế hoạch còn bất cập, thiếu 1 căn cứ rất quan trọng là thống kê tình hình sử dụng kinh phí khoa học của các Bộ, ngành, địa phương các lĩnh vực. Vì thế, chúng ta vẫn xây dựng kế hoạch theo kiểu truyền thống, lấy mức phân bổ năm trước có bù đắp 1 phần để xây dựng phân bổ năm sau, nên chỗ thừa vẫn tiếp tục thừa và chỗ thiếu vẫn tiếp tục thiếu. Thời gian tới, chúng tôi dự kiến sẽ làm việc với Bộ Kế hoạch Đầu tư để phối hợp có số liệu thống kê cho dù là chưa thật chính xác, chưa thật khoa học nhưng phải đầy đủ làm căn cứ phân bổ kinh phí khoa học.

Cơ chế tài chính là một lĩnh vực khá phức tạp. Đứng trên cương vị Bộ trưởng, ông có đề xuất giải pháp nào để tháo gỡ cơ chế tài chính cho lĩnh vực KHCN?

Bộ KHCN đang xây dựng đề án đổi mới cơ chế tài chính trình Chính phủ phê duyệt và cố gắng trình Chính phủ vào đầu năm tới. Theo đề án này, cần có chế tài buộc các doanh nghiệp phải đầu tư cho KHCN ở mức tối thiểu 10% so với lợi nhuận trước thuế, mức tối đa là 20%. Việc phân bổ kinh phí đầu tư cần điều chỉnh để tránh dàn trải. Lẽ ra nơi nào làm tốt, có hiệu quả, đúng mục đích thì phải được đầu tư tăng cường, còn những địa phương nào sử dụng không hiệu quả thì phải mạnh dạn cắt giảm để tập trung kinh phí vào chương trình mục tiêu quốc gia. Nhưng hiện nay chúng ta vẫn phân bổ tài chính một cách định tính, cứ năm sau cao hơn năm trước mà không tính đến hiệu quả sử dụng.

Hiện Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thử nghiệm một cơ chế tài chính “đặc biệt” theo hướng khoán sản phẩm. Ông nhận xét gì về cơ chế này?

Gần đây, đúng là Chính phủ đã cho phép Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thí điểm đổi mới cơ chế tài chính trong nghiên cứu theo hướng khoán sản phẩm cuối cùng trong ba năm. Theo mô hình thí điểm, Nhà nước mua sản phẩm khoa học và ứng trước tiền, quá trình thực hiện theo cơ chế khoán, quyết toán theo sản phẩm cuối cùng, không đòi hỏi như hiện nay dự toán như thế nào thì phải thực hiện đúng như thế, nếu sai phải xuất toán. Hình thức là ký hợp đồng thỏa thuận, nếu không hoàn thành hoặc sản phẩm đặt hàng không đạt yêu cầu thì phải thu hồi tối thiếu 30% vốn đầu tư.
Tuy nhiên, đến giờ cơ chế này vẫn chưa hoàn tất mặc dù tư tưởng của nó rất tiến bộ. Vì yếu tố cần thiết để thành công là cùng với một cơ chế tài chính phù hợp với đặc thù nghiên cứu khoa học, phải có những hội đồng khoa học đủ năng lực làm tốt việc xét duyệt thẩm định kinh phí của đề tài và nghiệm thu sản phẩm, điều chúng ta còn đang rất thiếu hiện nay.

Chúng ta có thể kỳ vọng đến khi nào thì KHCN Việt Nam thực sự có những “đột phá” rõ rệt cũng như sánh ngang với các nước trong khu vực?

Chúng ta có thể hy vọng đến năm 2020, khoa học xứng đáng là động lực để phát triển kinh tế xã hội.Theo mục tiêu của Chính phủ, tới năm 2020, Việt Nam phấn đấu để cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nếu tới năm 2020, Việt Nam có mức đầu tư xã hội cho KHCN bằng Thái Lan, Malaysia thì sẽ có một số lĩnh vực đạt trình độ tương đương. Tới năm 2020, Việt Nam phấn đấu có 10.000 doanh nghiệp KHCN, nếu mỗi doanh nghiệp đóng góp 5 triệu USD thì đóng góp cho GDP là 50 tỷ USD, bằng gần một nửa GDP hiện nay và bằng khoảng 1/6 GDP thời điểm đó. Tuy nhiên, mục tiêu ấy không phụ thuộc vào riêng lĩnh vực KHCN. Ví dụ, một nước công nghiệp không thể không có ngành cơ khí mạnh. Thế nhưng, vì nhiều mục đích khác nhau, các nhà máy cơ khí hàng đầu của Việt Nam trước đây đã bị xóa sổ như Cơ khí Trần Hưng Đạo, Cơ khí Hà Nội, Ngô Gia Tự…

Trước mắt, Bộ sẽ cố gắng tạo môi trường khoa học lành mạnh và thông thoáng nhất, phát huy tối đa sức sáng tạo của các nhà khoa học, ứng dụng vào sản xuất, tạo ra sản phẩm mang tầm quốc gia, tiến tới trình độ quốc tế. Sau nữa, sẽ xây dựng được hệ thống chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học, để những người có tài năng, các tổng công trình sư có đủ điều kiện cống hiến trí tuệ của họ cho đất nước.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!