|
|||
Đầu tư để phát triển bền vững Nhà nước đã đầu tư cho việc hình thành các khu CNC và đầu tư nghiên cứu lĩnh vực này như thế nào thưa ông? - Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) lập Quy hoạch tổng thể Khu CNC Hoà Lạc và UBND TP. Hồ Chí Minh lập Quy hoạch tổng thể Khu CNC TP. Hồ Chí Minh. Năm 2010, bên cạnh 2 khu CNC này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thêm khu CNC thứ 3 tại Đà Nẵng với diện tích hơn 1.000ha. Đến cuối năm 2010, Khu CNC Hòa Lạc đã giải phóng được gần 800ha trên tổng diện tích khoảng 1.600ha; tổng số vốn đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc đã được cấp giấy chứng nhận khoảng trên 600 triệu USD cho hàng chục dự án đầu tư CNC và công nghiệp CNC. Đến nay, Khu CNC Hòa Lạc đã hoàn thành cơ bản việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng hạng mục hạ tầng cơ sở. Vườn ươm doanh nghiệp CNC trong Khu đã được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả. Khu CNC TP. Hồ Chí Minh cũng được phê duyệt với tổng diện tích hơn 910ha. Hiện nay, có khoảng 24 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số lao động gần 13.500 người. Rất nhiều tập đoàn, công ty lớn đã đầu tư tại đây trong đó có các thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực CNC như Intel, Jabil (Hoa Kỳ); Sonion (Đan Mạch); Nidec (Nhật Bản);… Dự án đầu tư đóng gói và kiểm tra Chip của Tập đoàn Intel với vốn đầu tư 1.050 tỷ USD đã có tác động lớn đến việc thu hút các công ty CNC khác đầu tư vào Việt Nam. Nhiều tỉnh, thành phố cũng dự kiến thành lập các khu công nghiệp CNC như Hải Phòng, Hải Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... Một số khu công nghiệp có tiềm năng nâng cấp, chuyển thành khu công nghiệp CNC như Khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai), Việt Nam - Singapore (Bình Dương), Nomura (Hải Phòng). Ngoài ra, 12 khu nông nghiệp ứng dụng CNC đã được hình thành tại các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Lâm Đồng… Còn về đầu tư nghiên cứu, từ năm 1991, bốn lĩnh vực CNC (công nghệ thông tin, công nghệ sinh học (CNSH), công nghệ vật liệu tiên tiến và tự động hoá) đã được đưa vào hệ thống các chương trình trọng điểm cấp nhà nước. Các kết quả nghiên cứu thuộc Chương trình này qua các giai đoạn hầu hết được ứng dụng vào thực tiễn và cho kết quả tốt. Nhà nước đã xây dựng 17 phòng thí nghiệm trọng điểm được coi như những hạt nhân cho hoạt động nghiên cứu, đào tạo và thu hút nhân lực CNC. Hiện có hơn 100 tổ chức nghiên cứu và phát triển, khoảng 110 trường đại học, cao đẳng có các hoạt động liên quan đến 5 lĩnh vực CNC, trong đó phần lớn tập trung vào CNTT-TT, CNSH. Việt Nam đã chủ động được 9/10 loại vắc-xin cho tiêm chủng mở rộng. Ứng dụng hiệu quả trong đời sống, sản xuất Xin ông cho biết một vài kết quả nổi bật của việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu CNC vào đời sống, sản xuất? - Một số công nghệ như CNTT, CNSH đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các ngành kinh tế - xã hội của đất nước. Trong lĩnh vực CNTT – TT, số lượng doanh nghiệp ứng dụng CNTT vào kinh doanh, thương mại điện tử tăng nhanh. Năm 2007, có 38% doanh nghiệp xây dựng trang web, 10% tham gia sàn giao dịch, 15% kết nối cơ sở dữ liệu với đối tác, 86% sử dụng thư điện tử cho giao dịch và 78% nhận đặt hàng bằng phương tiện điện tử. Trong 5 năm gần đây, thị trường CNTT - TT đã phát triển khá sôi động với tốc độ tăng trưởng đạt trung bình 20-25%/năm. Cùng với việc phát triển phần cứng (máy tính cá nhân, thiết bị viễn thông, điện tử, cấu kiện), công nghiệp phần mềm đang được tập trung đầu tư. Số lượng doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ tăng hàng năm đạt tỷ lệ 23%. Hiện có khoảng 9 khu phần mềm đang hoạt động. Tổng số hiện có khoảng 6.000 công ty phần mềm, với 15.000 nhân viên, năng suất lao động đạt khoảng 10.000 USD/năm. Các nhà CNSH cũng đã thành công trong việc sử dụng công nghệ và nguyên liệu trong nước để sản xuất ra một số loại vắc-xin, chế phẩm sinh học phục vụ chẩn đoán bệnh, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chúng ta đã chủ động 9/10 loại vắc-xin cho tiêm chủng mở rộng. Thêm nữa, chúng ta cũng đã sản xuất thành công thuốc Artemisinin chống bệnh sốt rét và hàng năm thu được hàng triệu USD nhờ xuất khẩu; nghiên cứu dây chuyền công nghệ chiết xuất từ hoa Hồi tạo ra các chất có tính năng tương tự để sản xuất thuốc Taminflu chữa bệnh cúm gia cầm H5N1… Trong chăn nuôi, với việc ứng dụng CNC, Việt Nam đã sản xuất được kháng sinh cho gia súc, gia cầm; tạo ra một số công nghệ sinh sản nhân tạo các loài tôm, cá và nhuyễn thể, cua, tôm hùm xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD/năm. Chúng ta cũng đã nghiên cứu, sản xuất thành công Chip vi xử lý RISC 8, 16, 32 bit với công nghệ 0.25um, ứng dụng chip vi xử lý RISC VN8-01 trong các thiết bị điện tử dân dụng; làm chủ công nghệ chế tạo các loại thiết bị cơ khí siêu trường, siêu trọng có độ chính xác cao như hệ thống xi lanh thủy lực trọng tải lớn đến 400 tấn dùng trong các hệ thống đóng mở các công trình thủy lợi, thủy điện (kể cả công trình lớn như thủy điện Sơn La), các loại cần cẩu trọng tải lớn (50 - 100 - 450 – 1.200 tấn) phục vụ cho công nghiệp đóng tàu, thủy điện... Đã có nhiều kết quả khả quan từ việc ứng dụng CNC vào đời sống, sản xuất nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc ứng dụng CNC còn nhiều bất cập. Ý kiến của ông về vấn đề này? - Đúng là việc ứng dụng CNC và sử dụng tài sản của các khu CNC còn bất cập nhưng chúng ta cũng nên nhìn vào những kết quả đã đạt được. Tuy nhiên, theo tôi điều đó cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân như nhu cầu ứng dụng CNC của các doanh nghiệp trong nước chưa lớn; doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu phần lớn làm gia công, lắp ráp nên chủ yếu nhập khẩu dây chuyền thiết bị đồng bộ; chậm đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm; chậm ứng dụng CNC nhất là CNTT-TT vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội; hoạt động chuyển giao công nghệ để sản xuất sản phẩm CNC còn tuỳ thuộc vào kế hoạch chủ quan của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài… Còn khó khăn trong đào tạo nhân lực Để có thể làm chủ được các công nghệ thuộc lĩnh vực CNC, việc đào tạo nhân lực CNC là điều cần thiết với mỗi quốc gia. Ở nước ta, việc đào tạo đã được thực hiện thế nào và gặp phải những khó khăn nào không thưa ông? - Thời gian qua, chúng ta đào tạo nhân lực CNC theo kênh gửi đi đào tạo ở nước ngoài và đào tạo tại các cơ sở giáo dục trong nước. Chương trình đào tạo bằng ngân sách Nhà nước (gọi tắt là Chương trình 322) đã đào tạo được 1.740 cán bộ từ đại học trở lên ở nhiều nước có nền KH&CN tiên tiến. Thông qua hoạt động của Quỹ Giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ (VEF), Việt Nam đã gửi đào tạo được hơn 100 tiến sĩ, thạc sĩ, phần lớn ngành đào tạo liên quan đến CNTT-TT, CNSH, tự động hóa và cơ điện tử, công nghệ nanô. Hầu hết các trường đại học, cao đẳng ở nước ta đều có các khoa và bộ môn giảng dạy về CNTT. Bên cạnh đó còn có các trung tâm và nhiều loại hình đào tạo khác. Đến năm 2004, đã có 62 cơ sở đào tạo bậc đại học, 101 cơ sở bậc cao đẳng, 108 cơ sở bậc trung học chuyên nghiệp đào tạo chính quy về CNTT. Một số trường đại học đào tạo về CNSH, vật liệu mới và tự động hóa như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Đại học Công nghệ - ĐHQG Hà Nội,... Tuy nhiên, việc đào tạo nhân lực CNC ở cả trong và ngoài nước còn rất nhỏ bé so với yêu cầu cũng như ứng dụng CNC trong các ngành kinh tế - xã hội. Theo dự kiến đào tạo đội ngũ nhân lực CNC, đến năm 2020, các trường Đại học cần tuyển 30.000 sinh viên CNTT, 25.000 sinh viên CNSH, 25.000 sinh viên công nghệ tự động hóa và 25.000 sinh viên công nghệ vật liệu. Bên cạnh đó, phải đào tạo 28.000 người trình độ sau đại học về các lĩnh vực này. Thế nhưng, hiện nay đội ngũ giảng viên tại các trường đại học về CNC còn rất thiếu. Trong tổng số 5.094 giảng viên cơ hữu của 10 trường đại học được thống kê, chỉ có khoảng 1.500 giảng viên đúng chuyên ngành CNC, chiếm tỉ lệ 29,9%. Đây quả thực là thách thức lớn và cũng là áp lực lớn đối với việc đào tạo nhân lực cho các ngành CNC ở nước ta. Vâng, xin cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin! Nguyễn Hạnh |