Bản in
Bộ KH&CN tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý về 2 văn bản quan trọng
Đến ngày 31/12/2013, các tổ chức nghiên cứu phát triển, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) sẽ hoàn thành việc chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Những tổ chức KH&CN không có Đề án chuyển đổi hoặc Đề án không được phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu tổ chức KH&CN xây dựng phương án sáp nhập hoặc giải thể.

Đây là một trong những nội dung trong Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 96/2010/NĐ-CP (NĐ 96) của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2005/NĐ-CP (NĐ 115) quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập và Nghị định 80/2007/NĐ-CP (NĐ 80) về doanh nghiệp KH&CN (DN KH&CN). Dự thảo Thông tư đã được đưa ra lấy ý kiến tại Hội nghị Góp ý kiến Dự thảo Thông tư liên tịch sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 12/2006/TTLT-BKHCN-BTC-BNV (TTLT 12) và Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BKHCN-BTC-BNV (TTLT 06) được Bộ KH&CN, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) phối hợp tổ chức sáng 12/7, tại Hà Nội.

Theo NĐ 96 và Dự thảo Thông tư hướng dẫn, Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn phải thực hiện cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm của các tổ chức nghiên cứu phát triển, tổ chức dịch vụ KH&CN đến hết ngày 31/12/2013; hỗ trợ các tổ chức KH&CN mới thành lập bằng cách cấp kinh phí hoạt động thường xuyên cho thời gian đầu mới thành lập (tối đa 4 năm đối với các tổ chức KH&CN thuộc Bộ, ngành và 6 năm với các tổ chức KH&CN thuộc địa phương); bổ sung 2 loại hình đối tượng được Nhà nước tiếp tục bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên là tổ chức KH&CN thực hiện chức năng nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và tổ chức KH&CN phục vụ quản lý Nhà nước; tổ chức KH&CN được sử dụng con dấu của đơn vị sự nghiệp công lập cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, các vấn đề về kinh phí hoạt động thường xuyên; kinh phí thực hiện các nhiệm vụ; về chi tiền lương, tiền công, ưu đãi thuế;… cũng đều được hướng dẫn rất cụ thể.
 

Toàn cảnh Hội thảo

Cũng theo NĐ 96 và Dự thảo Thông tư hướng dẫn, doanh nghiệp đã thành lập trước ngày NĐ 80 có hiệu lực thi hành nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định cũng sẽ được công nhận là DN KH&CN; DN KH&CN được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. DN KH&CN còn được chọn một trong 2 hình thức cho thuê đất và miễn tiền thuê đất hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất và được miễn tiền sử dụng đất, được bảo lưu hệ số lương,…

Tại Hội thảo, hầu hết các đại biểu tham dự đều nhất trí với những nội dung được sửa đổi, bổ sung trong 2 Dự thảo Thông tư hướng dẫn và đã có những đóng góp cụ thể để hoàn thiện 2 văn bản này. Đồng thời đưa ra những kiến nghị để đấy nhanh việc đổi mới cơ chế hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập, hình thành các DN KH&CN trên cả nước.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, đổi mới cơ chế hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng KH&CN là một trong những định hướng lớn của ngành KH&CN. Thời gian qua, việc triển khai thực hiện NĐ 115 và NĐ 80 đã có những kết quả khả quan. Sau khi Chính phủ ban hành NĐ 96, các Bộ KH&CN, Nội vụ, Tài chính đã tập trung xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện NĐ 96. Về bản chất là xây dựng 2 Thông tư sửa đổi TTLT 12 và TTLT 06. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu cho các Dự thảo Thông tư tại Hội thảo có ý nghĩa thực tế quan trọng, giúp Bộ KH&CN, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hoàn thiện nội dung của 2 Dự thảo và trình lãnh đạo 3 Bộ ký ban hành trong thời gian sớm nhất.

Nguyễn Hạnh