|
|||
- Thưa Vụ trưởng, vai trò của hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ (KH-CN) đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam như thế nào? Nghị định số 80/2010/NĐ-CP có ý nghĩa ra sao trong việc thúc đẩy phát triển hợp tác quốc tế về KH-CN? Như chúng ta biết, ngày nay KH-CN không chỉ là lực lượng sản xuất trực tiếp, mà còn là động lực thúc đẩy phát triển KT-XH. Điều này được phản ánh rõ trong các văn kiện Đại hội Đảng và các chiến lược, chính sách phát triển KT - XH của nước ta trong thời gian qua. Với sự ra đời của Nghị định 80, các nhà khoa học trong và ngoài nước, các trí thức Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức KH-CN trong và ngoài nước, các doanh nghiệp… có điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại Việt Nam và ở nước ngoài; giao lưu, học hỏi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, tiếp thu, giải mã và sáng tạo công nghệ, góp phần vào sự nghiệp CNH- HĐH đất nước, đưa nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế gới. Điều này càng thể hiện rõ hơn, mới đây Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ đến năm 2020, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2020, các tổ chức KH-CN, doanh nghiệp Việt Nam trong một số lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm có đủ năng lực hợp tác với các đối tác nước ngoài, tiếp thu, làm chủ, đổi mới và sáng tạo công nghệ. - Nghị định đã mở ra cơ hội cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài hợp tác. Hoạt động này đã diễn ra như thế nào, thưa Vụ trưởng? Nghị định đã tạo ra cơ hội cho các hoạt động hợp tác, đầu tư trong khoa học và công nghệ có yếu tố nước ngoài phát triển. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư về bản chất là hoạt động phải sinh lời, có lợi nhuận, trong khi hoạt động KH - CN nói chung thường là khó có thể nhìn thấy ngay lợi nhuận. Từ khi Nghị định này có hiệu lực thi hành đến nay, đã có một số tổ chức KH-CN quan tâm đến hoạt động này, nhưng để triển khai đầu tư, cần có thời gian để chuẩn bị, nghiên cứu thị trường và cơ hội đầu tư. Do đó, cũng mới có một số tổ chức đăng ký hoạt động KH-CN. Trong thời gian tới, với các quy định cụ thể của Nghị định, chắc chắn sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quan tâm và tiến hành các hoạt động hợp tác, đầu tư trong KH-CN tại Việt Nam. - Thời gian qua lĩnh vực KH-CN nào là trọng điểm đẩy mạnh phát triển hợp tác quốc tế về KH-CN và trong thời gian tới sẽ tập trung vào lĩnh vực gì, thưa Vụ trưởng? Việc lựa chọn lĩnh vực KH-CN nào là ưu tiên để đẩy mạnh phát triển hợp tác quốc tế về KH-CN trong thời gian tới phụ thuộc vào Chiến lược phát triển KH-CN Việt Nam từ nay đến năm 2020. Trong giai đoạn tới, theo tôi sẽ tập trung vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, tập trung vào việc đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường công nghệ, đồng thời tập trung thu hút vào hợp tác, đầu tư với nước ngoài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học và tự nhiên, nghiên cứu ứng dụng… - Quá trình hội nhập mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, vậy chúng ta cần làm gì để vượt qua những thách thức đó? Khi tham gia hợp tác quốc tế Ngành KH-CN nước ta có nhiều thách thức, nhưng lớn nhất vẫn là cơ sở hạ tầng về KH-CN chưa đáp ứng các yêu cầu về hội nhập quốc tế. Mặc dù Nhà nước đã quan tâm đầu tư tăng cường năng lực cho các cơ quan nghiên cứu, xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm nhưng nhìn chung vẫn còn trong tình trạng chưa đồng bộ, chưa có khả năng thu hút các nhà khoa học giỏi trong và ngoài nước đến làm việc. Tiếp theo, đội ngũ cán bộ KH-CN còn nhiều bất cập chưa đáp ứng các yêu cầu về hội nhập quốc tế như thiếu cán bộ có trình độ cao, trình độ về chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc quốc tế còn nhiều hạn chế; số lượng cán bộ đông nhưng việc sử dụng chưa đồng bộ… Để vượt qua những thách thức đó, chúng ta phải xây dựng đội ngũ cán bộ KH-CN Việt Nam có đủ năng lực, trực tiếp tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ khu vực và quốc tế; đồng thời tạo dựng một số cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, doanh nghiệp KH-CN trong một số lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm có đủ năng lực hợp tác với nước ngoài, tiếp thu, làm chủ, đổi mới và sáng tạo công nghệ; giành nguồn ngân sách thích đáng cho khu vực nghiên cứu tạo ra sản phẩm KH- CN mũi nhọn có giá trị, dần dần xác lập được vị trí trên thị trường KH- CN khu vực và quốc tế. - Xin cám ơn Vụ trưởng!
|