Từ "một chiều" đến "đa chiều"
Lâu nay, khá nhiều người cho rằng, phần lớn hoạt động hợp tác quốc tế về KHCN trong thời gian qua mới chỉ được thực hiện trong khuôn khổ các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương. Mối quan hệ hợp tác thường diễn ra một chiều, phía Việt Nam thường là "bên nhận", đối tác nước ngoài là "bên cho". Điều này dẫn đến sự phụ thuộc vào đối tác và không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi bên. Mặt khác, hoạt động chuyển giao công nghệ ở các doanh nghiệp (DN) thường chỉ dừng ở mức tiếp nhận thông qua các dự án đầu tư trực tiếp hoặc viện trợ của nước ngoài, có rất ít đầu tư nghiên cứu, làm chủ và đổi mới công nghệ. Sự gắn kết giữa hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với hoạt động đào tạo nhân lực KHCN cũng như nhu cầu hội nhập của DN Việt Nam còn hạn chế.
Lý giải điều này, TS Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ KHCN cho rằng, hợp tác quốc tế là quá trình liên tục. Hoạt động này trong lĩnh vực KHCN của Việt Nam trong thời gian qua là những bước tất yếu và hợp lý trong lộ trình hợp tác và hội nhập của Việt Nam vào nền KHCN thế giới. Hiện nay, chúng ta đã mở rộng các mối quan hệ thông qua việc ký kết các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương, tích cực tham gia các diễn đàn hợp tác KHCN đa phương. Ở góc độ nào đó, các mối quan hệ này thường được xã hội nhìn nhận là hợp tác một chiều. Vì thực tế, đây đang là giai đoạn chúng ta từng bước học hỏi để tập trung nhiều cho mục tiêu nâng tầm năng lực KHCN của mình. "Một chiều" được hiểu là ta đi học bạn, học kinh nghiệm, học tri thức mới, phương pháp mới.
Lấy doanh nghiệp là trung tâm
Phân tích những nguyên nhân khiến cho bức tranh về chuyển giao công nghệ ở các DN chủ yếu mới ở mức tiếp nhận, chưa chuyển sang giai đoạn sáng tạo công nghệ, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho rằng: Các DN thiếu thông tin về KHCN trong và ngoài nước; sự gắn kết giữa các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với hoạt động đào tạo nhân lực KH&CN theo các tiêu chuẩn quốc tế còn hạn chế. Riêng đối với các DN, nhận thức về tính sống còn và giá trị của hội nhập, hay hiểu biết về những cách thức để chủ động khai thác cơ hội do hội nhập quốc tế mang lại còn chưa cao. Ngoài ra, năng lực tiếp thu, giải mã, sáng tạo và đổi mới công nghệ trong nước cũng đang ở mức độ khiêm tốn, cần được đẩy mạnh trong thời gian tới. Năng lực này thể hiện ở trình độ KHCN của các viện nghiên cứu, trường ĐH của chúng ta còn có khoảng cách so với nhu cầu của thị trường, của DN. Đồng thời, năng lực này còn thể hiện ở khả năng hấp thụ, giải mã và đi đến làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp. Đấy là những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng nhiều DN thường trông chờ vào các hợp đồng chuyển giao công nghệ trọn gói với sự hỗ trợ tài chính thông qua các gói viện trợ hoặc các dự án FDI.
Sớm nhận rõ những bất cập trên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KHCN tập trung tháo gỡ với tinh thần lấy DN là trung tâm của tiếp thu, giải mã, sáng tạo, đổi mới và cuối cùng là làm chủ công nghệ. Do vậy, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống văn bản, hình thành các chương trình mục tiêu quốc gia có trọng tâm (điển hình như Chương trình phát triển DN KHCN hay Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia), Đề án hội nhập KHCN quốc tế vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo ra những xung lực mới để giúp DN trong nước có thể nhanh chóng và chủ động tiếp cận bí quyết công nghệ tiên tiến ở nước ngoài, giải mã, tiếp thu và làm chủ được những công nghệ này để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo TS Trần Việt Thanh, cơ hội mở ra cho chúng ta trong quá trình hội nhập KHCN quốc tế thời gian tới là rất lớn, song thách thức là không nhỏ. Đó là, hệ thống chính sách, pháp luật, thể chế quản lý KHCN nói chung và hội nhập KHCN quốc tế nói riêng chưa hoàn chỉnh và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế; cơ sở hạ tầng và đội ngũ cán bộ về KHCN chưa theo kịp tình hình phát triển của đất nước; mạng lưới đại diện KHCN ở nước ngoài đang trong giai đoạn ổn định, chưa đi sâu vào thu thập các thông tin kịp thời về hiện trạng KHCN và cộng đồng KHCN trên thế giới. Đáng lưu ý là hệ thống chính sách KHCN còn đang trong quá trình hoàn chỉnh và cơ chế tài chính chưa phù hợp với nhu cầu chủ động của hội nhập.
Có thể nói rằng DN, viện nghiên cứu và các nhà khoa học cũng đang có những thay đổi trong nhận thức về giá trị của hội nhập KHCN quốc tế trong hội nhập kinh tế quốc tế cũng như để phát triển KHCN trong nước. Tuy nhiên, nhận thức này còn chưa đầy đủ, chưa có tính hệ thống và chưa được rộng khắp trong cộng đồng những người có hoạt động liên quan đến KHCN. Điều đặc biệt quan trọng là biến nhận thức thành hành động cụ thể vẫn đang ở mức khiêm tốn, chưa đủ mạnh và đồng bộ.
Minh Châu
|